Siết chặt khâu đào tạo, sát hạch lái xe

Thực tế từ nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra thời gian qua cho thấy có một phần không nhỏ nguyên nhân từ khâu đào tạo, sát hạch lái xe chưa đạt yêu cầu.

Đào tạo, sát hạch lái xe tại Trung tâm dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô (Bắc Ninh).
Đào tạo, sát hạch lái xe tại Trung tâm dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô (Bắc Ninh).

Ðiều này đặt ra đòi hỏi với các cơ quan quản lý ngành giao thông vận tải (GTVT) là phải rà soát, xử lý nghiêm các cơ sở tuyển sinh trái phép; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, hạn chế sự can thiệp vào quá trình sát hạch, giám sát đột xuất,... nhằm siết chặt, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe.

Nhiều cơ sở tuyển sinh trái phép

Chỉ cần tìm kiếm trên mạng in-tơ-nét, không khó khăn để có được hàng loạt thông tin quảng cáo về dịch vụ học lái xe như "học một thầy, một trò bảo đảm đỗ 100%", "học lái xe giá rẻ", "học lái xe cam kết đến khi thi đậu"... Thậm chí, nhiều học viên còn truyền tai nhau những cách "chống trượt" trong các kỳ sát hạch lý thuyết và thực hành để bảo đảm kiếm được tấm bằng lái xe, còn kỹ năng điều khiển phương tiện thì... tính sau. Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở GTVT Hà Nội) Ðào Duy Phong thừa nhận, ngay trên địa bàn Thủ đô, vẫn còn không ít cơ sở ngang nhiên thông báo tuyển sinh dù không có giấy phép. Nhiều người dân do hạn chế về thời gian, lại có tâm lý lo trượt cho nên đã tìm đến những cơ sở này. Qua rà soát trên mạng, Phòng Quản lý phương tiện và người lái đã phát hiện tới 48 văn phòng, cơ sở đào tạo trái phép. Theo bản danh sách, 48 văn phòng, cơ sở đào tạo trái phép do Sở GTVT Hà Nội cung cấp, có thể kể tới một số địa chỉ như: Cơ sở dạy lái xe số 120 Trần Bình, quận Cầu Giấy; Văn phòng tuyển sinh đào tạo lái xe Bắc Hà - tầng 11, phòng 16, tòa T7 Khu đô thị Times City,...

Thậm chí, có cả những địa chỉ tuyển sinh rất chung chung như: điểm nhận hồ sơ lái xe số 29A đường Phạm Văn Ðồng (quận Bắc Từ Liêm); Văn phòng tiếp nhận hồ sơ trung tâm đào tạo lái xe khu liên cơ phường Ðại Mỗ (quận Nam Từ Liêm),...

Phó Tổng cục trưởng Ðường bộ Việt Nam (ÐBVN) Phan Thị Thu Hiền cho biết, hiện tượng mời chào bao đỗ thi cấp bằng lái xe; bán bằng lái xe giả, giấy khám sức khỏe, bán và cho thuê thiết bị gian lận kết quả thi đã tạo ra hình ảnh xấu và đánh giá sai lệch về công tác đào tạo, sát hạch cấp bằng lái xe do ngành GTVT quản lý. Ðể kịp thời ngăn chặn và xử lý tình trạng này, Tổng cục ÐBVN đã yêu cầu các đơn vị phối hợp cơ quan truyền thông, tuyên truyền để người dân hiểu và nắm rõ các quy định của pháp luật về đào tạo, sát hạch cấp bằng lái xe. Sở GTVT và Trung tâm sát hạch thông báo công khai các trụ sở, địa điểm tiếp nhận hồ sơ học lái xe, địa điểm đào tạo lái xe và sát hạch lái xe ô-tô, xe máy, bộ phận một cửa cấp, đổi bằng lái xe tại địa phương.

Cơ quan chức năng các địa phương cần khuyến cáo người dân có nhu cầu học lái xe không đến các cơ sở, văn phòng nằm ngoài danh sách Sở GTVT đã thông báo để nộp hồ sơ học lái xe, tránh bị đối tượng xấu lừa gạt, dẫn đến bị vi phạm pháp luật. "Tổng cục ÐBVN sẽ phối hợp các cơ quan liên quan, nhất là cơ quan công an để điều tra, làm rõ, kịp thời có các biện pháp ngăn chặn, xử lý các tài khoản trên trang mạng xã hội đăng tin rao bán bằng lái xe giả, giấy khám sức khỏe, bán và cho thuê thiết bị nghe nhìn, chào mời thi lái xe bao đỗ không đúng, làm ảnh hưởng uy tín ngành GTVT trong công tác quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe", Phó Tổng cục trưởng Phan Thị Thu Hiền nhấn mạnh.

Giám sát chặt chẽ trung tâm sát hạch

Thực tế cho thấy, sát hạch lái xe là khâu quan trọng nhất, vì vậy cần phải tiếp tục siết chặt nhằm hạn chế tình trạng học ẩu, lái bừa. Tổng cục ÐBVN đã yêu cầu các sở GTVT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt đến các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch,… không để học viên dự sát hạch lái xe mang điện thoại và các thiết bị viễn thông khác vào phòng sát hạch lý thuyết và mang lên xe sát hạch; kiểm tra kỹ xe sát hạch trong sa hình để đề phòng trường hợp xe được gắn điện thoại, thiết bị thu phát ra bên ngoài trong quá trình sát hạch. Các sở GTVT và trung tâm sát hạch địa phương được yêu cầu rà soát, nghiên cứu, có phương án để áp dụng kiểm tra đối với từng học viên dự sát hạch lái xe, nhằm phát hiện, phòng ngừa học viên gắn thiết bị viễn thông nghe nhìn bên trong người. Bên cạnh đó, mỗi tháng tổ chức giám sát đột xuất một số kỳ sát hạch lái xe để kịp thời chấn chỉnh các sai phạm của cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch,… (nếu có) nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe.

Giám đốc Trung tâm Ðào tạo nghề - Công ty cổ phần Vận tải ô-tô số 2 (Hà Nội) Lê Văn Ðại cho biết, mỗi năm trung tâm đào tạo khoảng 5.000 học viên, tỷ lệ đỗ lý thuyết khoảng 70%, đỗ thực hành từ 50 đến 60%, thấp hơn nhiều so các giai đoạn trước đây. Tại 17 trung tâm sát hạch trên địa bàn Hà Nội, các phần sát hạch lý thuyết trong sa hình và sát hạch trên đường đều sử dụng thiết bị chấm điểm tự động, hạn chế sự can thiệp của con người vào quá trình sát hạch; đồng thời giúp học viên tự đánh giá kết quả.

Tổng cục ÐBVN cũng vừa ban hành bộ câu hỏi lý thuyết mới, tăng số lượng câu hỏi sát hạch lý thuyết cấp bằng lái từ 450 lên 600 câu. Vụ trưởng Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục ÐBVN) Lương Duyên Thống cho hay, trong 600 câu này, sẽ có bộ 100 câu hỏi điểm liệt, nếu thí sinh trả lời sai một câu trong 100 câu hỏi "liệt" thì sẽ bị trượt. Trước đây, khi thi lý thuyết, thí sinh trả lời sai 3 đến 5 câu (tùy theo hạng xe) mới bị đánh trượt. Còn bây giờ, đề thi gồm 30 hoặc 45 câu tùy sát hạch từng hạng xe, sẽ có hai câu liệt (một câu về quy tắc giao thông, kỹ thuật lái xe và một câu về xử lý tình huống) thí sinh chỉ trả lời sai một câu cũng bị đánh trượt. Dự kiến, bộ đề thi sẽ được xây dựng phần mềm và chuyển giao Sở GTVT, các trung tâm đào tạo và sát hạch, khoảng ba tháng nữa sẽ đưa vào để học viên làm quen bộ đề mới trước khi sát hạch chính thức.

Trước đó, trả lời tại phiên chất vấn tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ cũng tăng cường giám sát thời gian học cả lý thuyết và thực hành, đồng thời tăng độ khó của các đề thi. Mức độ khó được nâng lên trong những tình huống thi và nếu học viên không làm đúng có thể bị đánh trượt ngay. Thời gian qua, Bộ GTVT đã chỉ đạo đăng kiểm, thanh tra kiểm tra các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe và tham mưu với Chính phủ sửa đổi các văn bản pháp luật phù hợp thực tế.

Tổng cục ÐBVN đã yêu cầu các sở GTVT địa phương chỉ đạo bộ phận cấp, đổi bằng lái xe tra cứu dữ liệu, tra cứu vi phạm trong hệ thống cơ sở dữ liệu và tại địa chỉ truy cập của Cảnh sát giao thông để phát hiện bằng lái xe giả, bằng lái xe bị cơ quan công an thu giữ hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi.

Có thể bạn quan tâm