Phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ số

Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/ TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tỉnh Đồng Nai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm hướng đến năm 2030 trở thành địa phương phát triển công nghiệp công nghệ số bền vững, quy mô kinh tế số đạt hơn 35% GRDP.
0:00 / 0:00
0:00
Ứng dụng công nghệ vào giám sát tự động nước thải các khu công nghiệp tại Đồng Nai.
Ứng dụng công nghệ vào giám sát tự động nước thải các khu công nghiệp tại Đồng Nai.

Cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Đồng Nai ban hành kế hoạch và tổ chức quán triệt sâu sắc trong toàn hệ thống chính trị về định hướng lấy đổi mới sáng tạo làm động lực cốt lõi, chuyển đổi số làm công cụ then chốt, kết hợp chuyển đổi xanh và công nghiệp công nghệ cao để đạt tăng trưởng hai con số và phát triển bền vững. UBND tỉnh Đồng Nai đặt ra 29 chỉ tiêu, bảy nhiệm vụ về nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai Tạ Quang Trường cho biết: Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển công nghiệp công nghệ số bền vững, tập trung xây dựng, phát triển khu công nghệ thông tin tập trung Long Thành, kiến tạo hệ sinh thái công nghiệp công nghệ số với các công nghệ chiến lược. Đến năm 2045, tỉnh phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ số và phát triển làm Trung tâm số (Hub số) của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, với hạt nhân là Khu công nghệ thông tin tập trung Long Thành.

Đồng Nai đặt mục tiêu quy mô kinh tế số đạt 35-37% GRDP vào năm 2030, 50% GRDP vào năm 2045, trong đó kinh tế số các ngành, lĩnh vực chiếm 70%. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt hơn 80%.

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, tỉnh Đồng Nai xác định phải đưa công nghệ vào đời sống kinh tế, xã hội và đổi mới sáng tạo, kết hợp công nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi xanh, đào tạo nhân lực và huy động nguồn lực. Tỉnh hoạch định lộ trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, với các giai đoạn gồm: Giai đoạn 2025-2026 tạo gia tốc; từ năm 2027-2030 tăng trưởng và cải thiện năng lực nội sinh; từ năm 2030-2040 mở rộng và phát triển; tầm nhìn 2041-2045 phấn đấu đưa Đồng Nai trở thành Trung tâm số và xanh của Việt Nam và Đông Nam Á.

Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH đầu tư Long Đức Ishii Hiroyuki, chủ đầu tư khu công nghiệp Long Đức (huyện LongThành), Đồng Nai có nhiều lợi thế, kinh nghiệm về phát triển công nghiệp và hiện nay đang chú trọng phát triển đột phá công nghiệp công nghệ cao với lợi thế vị trí địa lý, nguồn nhân lực và nhất là sân bay quốc tế Long Thành sắp đi vào hoạt động. Tuy nhiên, tỉnh cần quan tâm hơn đến phát triển hạ tầng điện, nước, viễn thông cùng dịch vụ quản lý vận hành chất lượng cao, nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư từ các tập đoàn, công ty công nghệ cao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Dương Minh Dũng cho biết: Địa phương đang nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Để phát triển kinh tế, phải dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, lấy đổi mới sáng tạo làm động lực và chuyển đổi số làm công cụ then chốt. Hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số trong năm 2025 và giai đoạn 5 năm tiếp theo. Đối với dự án Khu công nghệ thông tin tập trung Long Thành, dự án này có diện tích khoảng 120 ha nằm trên địa bàn hai xã Long Đức và An Phước (huyện Long Thành): “Vừa qua, UBND tỉnh đã giao Sở Khoa học và Công nghệ làm chủ đầu tư, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan để thực hiện quy hoạch 1/2.000 đối với dự án và hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ liên quan để trình cấp thẩm quyền xem xét. Tỉnh đã thành lập tổ công tác đặc biệt để đôn đốc tiến độ dự án”, ông Dương Minh Dũng thông tin.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Đồng Nai đặt ra các mục tiêu cao, với tầm nhìn dài hạn về phát triển khoa học công nghệ. Thách thức của Đồng Nai cũng như nhiều địa phương khác là đòi hỏi tư duy mới, hành động mới, cách tiếp cận mới, để các sáng kiến khoa học, công nghệ được triển khai mạnh mẽ và tạo niềm tin, động lực để cộng đồng doanh nghiệp đầu tư phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, tỉnh Đồng Nai cần nâng cao niềm tin vào khoa học, thúc đẩy động lực phát triển từ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chuyên môn trong các cấp lãnh đạo về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Trong đó, các nhà khoa học, trung tâm nghiên cứu cần được trao quyền, tạo điều kiện để thực hiện những nghiên cứu mới, nâng cao hiệu quả các sáng kiến, giải pháp về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Huỳnh Thành Đạt: Đồng Nai là một trong những địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số với nhiều khu công nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu có uy tín. Do đó, tỉnh cần tận dụng các ưu thế, triển khai quyết liệt các giải pháp đột phá để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW.