Phát hiện mới khi khai quật di chỉ Mái Đá Ngườm lần thứ 6, năm 2025

Đợt khai quật di chỉ khảo cổ Mái Đá Ngườm ở xã Thần Sa, tỉnh Thái Nguyên lần thứ 6, năm 2025 tiếp tục củng cố một số nhận định về địa tầng từ đợt khai quật năm 2024, đồng thời bổ sung một số nhận thức rất mới về cấu trúc của địa tầng mà các cuộc khai quật trước đó chưa từng ghi nhận.

Nhiều nhà khảo cổ, nhà khoa học, đại biểu tham quan khai quật di chỉ Mái Đá Ngườm lần thứ 6, năm 2025.
Nhiều nhà khảo cổ, nhà khoa học, đại biểu tham quan khai quật di chỉ Mái Đá Ngườm lần thứ 6, năm 2025.

Cũng như nhiều lần khai quật trước, đợt khai quật di chỉ khảo cổ Mái Đá Ngườm lần thứ 6, năm 2025 do Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên (thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên) phối hợp một số nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu uy tín thuộc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên.

Mái Đá Ngườm có dạng hàm ếch, nằm trên sườn núi, cao hơn mặt đường dân sinh khoảng 30m và cao hơn so với mực nước sông Thần Sa khoảng 40m, diện tích bề mặt mái đá còn vết tích tầng văn hóa rộng gần 1.000m2, được biết đến là di chỉ khảo cổ thuộc thời đại đá cũ với kỹ nghệ Ngườm nổi tiếng.

Sau các lần khai quật vào các năm: 1981, 1982, 1985, 2017, lần thứ 5 vào đầu năm 2024 mở rộng phạm vi sâu, rộng hơn so với khai quật lần thứ 4, các nhà khảo cổ học, nhà khoa học phát hiện sự tồn tại của các lớp văn hóa có cấu trúc và màu sắc hoàn toàn khác biệt so với trước, lớp văn hóa 5 có màu cam, khô và bở rời; lớp văn hóa 6 có màu nâu vàng ẩm hơn nhưng cấu trúc bở rời chứa nhiều tảng đá vôi nhỏ.

Trong các lớp văn hóa 5 và 6 đều phát hiện các công cụ mảnh, hạch cuội nguyên liệu, công cụ hạch, mảnh tước, mảnh tách cùng di cốt động vật, hạt quả và một số lượng khiêm tốn các loài nhuyễn thể trên cạn và dưới nước. Đặc biệt, khai quật phát hiện xương động vật cháy, mang lại những nhận thức mới, làm nhiều nhà nghiên cứu khảo cổ có uy tín xúc động về những hiện vật thu được, xác định niên đại cư trú của loài người có thể sớm hơn so với niên đại đã xác định trước đây, đó là loài người sinh sống tại đây có niên đại cách nay khoảng 41.500 năm.

rsz-nguom.jpg
Tại hội nghị báo cáo kết quả sơ bộ khai quật di chỉ Mái Đá Ngườm lần thứ 6, năm 2025 mới đây, nhiều nhà khảo cổ, khoa học tin rằng đây là di chỉ đầu tiên có thể giúp tìm hiểu quá trình chuyển tiếp từ trung sang hậu kỳ đá cũ.

Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên Trần Thị Nhiện cho biết, đợt khai quật di chỉ Mái Đá Ngườm lần thứ 6, năm 2025 do nhiều nhà khảo cổ học, nhà khoa học thuộc Viện Khảo cổ học thực hiện trên diện tích 8m2 tiếp tục củng cố một số nhận định về địa tầng từ đợt khai quật năm 2024, đồng thời bổ sung một số nhận thức rất mới về cấu trúc của địa tầng mà các cuộc khai quật trước đó chưa từng ghi nhận.

Đó là, trong đợt khai quật lần 5 diễn ra trong năm 2024 chỉ xác định được khoảng từ 6 đến 7 lớp văn hóa tùy từng vị trí, thì trong đợt khai quật lần thứ 6, năm 2025 này, các nhà khảo cổ đã bắt gặp các lớp văn hóa lớp 7,8,9,10 và có khả năng đến lớp thứ 12. Có thêm những bằng chứng để khẳng định về hành vi tìm kiếm và tiêu thụ hạt quả thực vật lần đầu tiên được ghi nhận ở nước ta trong một di chỉ có niên đại hơn 124.500 năm cách ngày nay. Những tư liệu hiện có đủ cơ sở để kết luận Mái Đá Ngườm cũng là nơi ghi nhận bằng chứng lửa được sử dụng sớm nhất ở Việt Nam và toàn bộ khu vực Đông Nam Á.

Tại hội nghị báo cáo kết quả sơ bộ khai quật di chỉ Mái Đá Ngườm lần thứ 6, năm 2025 được tổ chức mới đây, đánh giá sơ bộ bước đầu, nhiều nhà khảo cổ, nhà khoa học nhận định lần khai quật này đã rất thành công, với nguồn tư liệu hiện có, tin rằng đã đủ cơ sở khẳng định Mái Đá Ngườm là di tích đầu tiên có thể giúp tìm hiểu quá trình chuyển tiếp từ trung sang hậu kỳ đá cũ, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên bình diện khu vực.

Nhiều nhà khảo cổ, nhà khoa học cho rằng, cần được tiếp tục nghiên cứu cả về chiều sâu địa tầng, chiều rộng không gian một cách cẩn trọng và bài bản tại Mái Đá Ngườm để tìm kiếm, nghiên cứu thông tin mới của di chỉ khảo cổ nổi tiếng này.

Có thể bạn quan tâm

back to top