Phát huy vai trò giáo viên cốt cán tại huyện Tam Dương

Những năm gần đây, ngành giáo dục và đào tạo huyện Tam Dương giữ được vị trí khá cao của tỉnh Vĩnh Phúc nhờ phát triển đồng đều các bậc học, phát huy trách nhiệm và chuyên môn của đội ngũ giáo viên giỏi, củng cố uy tín của các trường.
0:00 / 0:00
0:00
Phòng học của Trường tiểu học Hướng Ðạo được trang trí đẹp mắt, tạo hứng thú cho học sinh.
Phòng học của Trường tiểu học Hướng Ðạo được trang trí đẹp mắt, tạo hứng thú cho học sinh.

Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Tam Dương chỉ đạo sát sao hoạt động giao lưu chuyên môn cụm trường và các hội thi, tạo điều kiện cho thầy cô giáo trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau.

Phòng sử dụng đội ngũ giáo viên cốt cán của các bộ môn trong công tác tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật và nâng cao chuyên môn. Hoạt động ôn thi vào lớp 10 được tổ chức bài bản thành các chuyên đề, mời cả giáo viên khối Trung học phổ thông hướng dẫn, nhất là các bộ môn thiếu giáo viên ở khối Trung học cơ sở.

Ðối với học sinh lớp 5, đến cuối năm học 2024-2025, phòng sẽ tổ chức kiểm tra để có kết quả chính xác, làm cơ sở đánh giá kết quả dạy học của từng trường.

Các trường thường xuyên sinh hoạt chuyên môn ở cấp tổ, cấp trường. Thầy Phạm Kiên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hướng Ðạo cho biết: Mặc dù điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương còn khó khăn, song chính quyền và nhân dân ngày càng quan tâm đến giáo dục.

Trường phân công một giáo viên giỏi theo học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, làm nòng cốt để tích lũy kinh nghiệm giảng dạy Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Giáo viên của trường tích cực tham gia các hoạt động tập huấn, sinh hoạt chuyên môn. Thời gian qua, trường tăng cường khảo sát chất lượng học sinh, qua đó điều chỉnh phương pháp giảng dạy cho phù hợp.

Thầy Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở An Hòa chia sẻ: Ðội ngũ cán bộ, giáo viên của trường rất tâm huyết, yêu nghề. Các cuộc sinh hoạt chuyên môn của từng môn học, khối lớp diễn ra nghiêm túc, đem lại hiệu quả thiết thực. Là trường có hai cấp học, do đó, hiệu trưởng phải họp riêng với từng cấp và công việc điều hành cũng có sự độc lập nhất định.

Năm học 2024-2025, huyện Tam Dương có 44 trường, trong đó có hai trường liên cấp tiểu học và trung học cơ sở, 12 trường trung học cơ sở, 14 trường tiểu học, 16 trường mầm non và 34 cơ sở mầm non độc lập tư thục. Các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện các chuyên đề lấy trẻ làm trung tâm về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.

Ðến nay, có 16 cơ sở tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh. Ðánh giá học kỳ 1 năm học này, các trường tiểu học đều thực hiện nghiêm túc, thực chất công tác kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh, coi trọng sự tiến bộ của học sinh trong học tập và rèn luyện.

Các trường trung học cơ sở tăng cường sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học, tổ chức các hội thảo, tọa đàm trao đổi về tổ chức dạy học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Những nỗ lực đó củng cố chất lượng giáo dục của toàn huyện. Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Nguyễn Văn Kiên cho biết: Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 năm học 2024-2025 cấp tỉnh, huyện Tam Dương có 67 thí sinh đạt giải, trong đó có bốn Giải nhất, 11 Giải nhì, 24 Giải ba và 28 Giải khuyến khích (tăng một Giải nhất, bốn Giải nhì, hai Giải ba so với năm học 2023-2024). Tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, huyện đạt bốn Giải nhì, ba Giải ba và một Giải tư. Học sinh của huyện còn đạt nhiều giải trong các cuộc thi khác.

Ðến tháng 1/2025, huyện Tam Dương có 35/42 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 83,33%; trong đó có 18 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, đạt tỷ lệ 42,85%. Ðội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên cơ bản bảo đảm về cơ cấu, chuẩn hóa về chuyên môn. Tất cả hồ sơ dịch vụ công lĩnh vực giáo dục-đào tạo đạt mức độ 3 và 4, như chuyển trường, cấp bản sao bằng tốt nghiệp, chỉnh sửa nội dung văn bằng.

Năm 2024, nhiều sáng kiến của giáo viên Tam Dương được công nhận sáng kiến cấp tỉnh như các đề tài: Một số biện pháp nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động góc cho trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi trong trường mầm non của cô giáo Nguyễn Thị Tâm, Trường mầm non Tam Dương; Giáo dục kỹ năng sống cơ bản cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi trong trường mầm non của cô giáo Nguyễn Thị Ðương, Trường mầm non Hướng Ðạo; Một số giải pháp giúp phát triển năng lực tư duy hình học cho học sinh khi giảng dạy môn Toán 6 của cô giáo Nguyễn Thị Cẩm Lệ, Trường trung học cơ sở Ðạo Tú…

Có những sáng kiến hết sức công phu, thực hiện cả điều tra xã hội học như đề tài "Tư vấn, hỗ trợ giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên cho nữ sinh trung học cơ sở" của cô giáo Bùi Thị Thúy Nga, Trường tiểu học và trung học cơ sở An Hòa. Sáng kiến này sử dụng số liệu khảo sát ngẫu nhiên mức độ hiểu biết của học sinh nữ về sức khỏe sinh sản vị thành niên của nhiều trường trên địa bàn huyện.

Cô Nga phân tích: Các phụ huynh ngại, không muốn nói với con về vấn đề này vì họ không biết "nên bắt đầu từ đâu và bắt đầu như thế nào?" Ðối với nhiều gia đình ở nông thôn, vấn đề sức khỏe sinh sản vị thành niên trên còn xa lạ. Do đó việc tư vấn, hỗ trợ giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh trung học cơ sở, nhất là nữ sinh, là rất cần thiết.

Giáo dục Tam Dương còn nhiều mô hình hay có thể nhân rộng, rất thiết thực trong hoạt động giáo dục. Ðể tạo thuận lợi cho ngành giáo dục, huyện Tam Dương cần nghiên cứu xóa bỏ mô hình trường liên cấp đối với trường công, hỗ trợ xây dựng phòng học ở các xã khó khăn. Sở Giáo dục và Ðào tạo Vĩnh Phúc cần có hướng dẫn cụ thể về phân loại, tách nhóm trẻ có biểu hiện chậm phát triển trí tuệ, tăng động nhưng chưa được coi là đối tượng khuyết tật, tạo thuận lợi cho công tác dạy học của giáo viên.