Bài 1: Thành công từ những giá trị khác biệt
Khu vực nông thôn ở miền trung sở hữu đa dạng các di sản văn hóa, thiên nhiên đặc sắc với nhiều giá trị đặc trưng khác biệt với khu vực đô thị. Đây là những tài nguyên quý giá cung cấp các giá trị trải nghiệm khác biệt, góp phần thu hút khách du lịch về khu vực nông thôn và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, phần lớn các mô hình du lịch nông thôn có quy mô nhỏ, lẻ, nằm ở vùng sâu, vùng xa; cơ sở hạ tầng giao thông, nguồn lực đầu tư, nguồn nhân lực; ứng dụng công nghệ thông tin và khả năng kết nối thị trường... còn hạn chế, chưa đồng bộ; chưa bảo đảm điều kiện để thu hút, phục vụ và “níu chân” du khách.
Biến tiềm năng thành sản phẩm du lịch
Ngay sau khi ban hành Quyết định số 922/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 2/8/2022 về phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, các địa phương ở miền trung đã nhanh chóng ban hành kế hoạch thực hiện, coi phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm.
Nhiều địa phương như: Quảng Bình, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa...đã khai thác tốt thế mạnh, phát triển hệ thống điểm đến du lịch nông thôn đa dạng với nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, đặc sắc, hấp dẫn du khách. Trong đó, nhiều làng du lịch đã được công nhận theo tiêu chí ASEAN. Làng Tân Hóa (Quảng Bình) và Làng rau Trà Quế (Quảng Nam) được Tổ chức du lịch Liên hợp quốc vinh danh là Làng du lịch tốt nhất. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết, Quảng Nam sở hữu hơn 460 di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh; trong đó, hơn 300 di tích ở khu vực nông thôn.
Với 128 điểm du lịch nông nghiệp nông thôn phân bổ hầu hết các địa phương trên toàn tỉnh, hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp nông thôn tỉnh Quảng Nam đã thu hút khoảng 1.000 hộ tham gia, với hơn 3.000 lao động trực tiếp và 3.500 lao động gián tiếp. Mức doanh thu từ du lịch cộng đồng năm 2024 đạt hơn 150 tỷ đồng, đây là mức thu nhập tăng thêm từ khu vực nông nghiệp nông thôn cho người dân tham gia hoạt động du lịch.
Ước tính hơn 30% lượt khách đến Quảng Nam có trải nghiệm sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tiêu biểu phải kể đến điểm du lịch Rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh (Hội An), thu hút hơn 1 triệu lượt khách vào năm 2024, với doanh thu từ việc bán vé tham quan 30 tỷ đồng, tỷ lệ lao động trong ngành dịch vụ du lịch của người dân xã Cẩm Thanh chiếm hơn 65%.
Còn Làng rau Trà Quế, năm 2024, đón hơn 34.000 lượt du khách, tăng 36% so với năm 2023 (gấp gần 6 lần so với năm 2022); doanh thu từ vé tham quan hơn 1.215 triệu đồng, tăng 36% so với năm 2023.
Từ vùng khó khăn thành làng du lịch
Dòng sông Rào Nan khởi nguồn từ vùng núi giáp biên giới Việt Nam-Lào, chảy ngầm khoảng 3km vào hang Rục, xã Trung Hóa rồi chảy về làng Tân Hóa, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Mùa mưa lũ, nước thượng nguồn đổ về xã Tân Hóa.
Để khai thác tiềm năng du lịch của xã Tân Hóa, năm 2014, Công ty Chua Me Đất (Oxalis) tiến hành khai thác các tour du lịch mạo hiểm khám phá hệ thống hang động Tú Làn. Và từ đó, vùng lũ Tân Hóa có tên trên bản đồ du lịch Quảng Bình. Tháng 11/2022, Oxalis phối hợp Sở Du lịch (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Quảng Bình và chính quyền địa phương thực hiện đề án phát triển Tân Hóa thành làng du lịch cộng đồng do người dân tự vận hành, với các mô hình homestay, nhà hàng ẩm thực phục vụ các món ăn địa phương và các tour du lịch tham quan nét đẹp văn hóa của cộng đồng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Hóa Trương Thanh Duẫn cho biết, hoạt động du lịch nông thôn đã làm thay đổi cơ bản nhận thức và nghề nghiệp của người dân. Từ chỗ người dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, đến nay, họ biết làm du lịch cộng đồng bằng cách đón khách tại nhà, từ lưu trú đến phục vụ ăn uống bằng các sản vật địa phương.
Anh Trương Anh Hùng, chủ homestay Hùng Liên nói: “Từ khi có hoạt động du lịch, chúng tôi rất vui khi được đón và phục vụ du khách mỗi ngày. Tôi hy vọng có nhiều du khách đến đây hơn để trải nghiệm vẻ đẹp và sự độc đáo của làng Tân Hóa”.
Theo đại diện Oxalis, đến nay doanh nghiệp đã tạo việc làm ổn định cho 120 lao động địa phương thông qua hoạt động du lịch, với mức thu nhập bình quân từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Bình Đặng Đông Hà nhìn nhận, du lịch đã làm thay đổi Tân Hóa, giúp người dân hiểu rằng, chỉ có bảo vệ tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường và góp phần chống biến đổi khí hậu thì mới phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, bão lụt.
Tháng 10/2023, Làng Tân Hóa được Tổ chức Du lịch Thế giới (UN Tourism) vinh danh là Làng du lịch tốt nhất thế giới.
Cùng với Làng Tân Hóa, Làng rau Trà Quế, nằm ở khu vực vùng đệm của khu phố cổ Hội An (Quảng Nam) đã được UN Tourism công nhận là Làng du lịch Tốt nhất (năm 2024).
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết, năm 2001, Hội An đã quy hoạch Làng rau Trà Quế thành vùng rau chuyên canh. Sau đó, 2 năm, thành phố chính thức khai trương tour du lịch Làng rau Trà Quế với nhiều hoạt động hấp dẫn. Đến năm 2019, thành phố đã ban hành quyết định phê duyệt phương án phát triển du lịch cộng đồng tại Làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà) và đến tháng 4/2022, Tri thức dân gian, Nghề thủ công truyền thống nghề trồng rau Trà Quế được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quyết định công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Làng rau Trà Quế hiện có hơn 200 hộ tham gia trồng trọt, 23 cơ sở lưu trú, 16 nhà hàng và nhiều loại hình dịch vụ bổ sung khác đem đến cơ hội việc làm cho hơn 320 người dân, với thu nhập bình quân đầu người ước đạt gần 60 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, người dân tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch như: Phục vụ du khách trải nghiệm làm nông dân trồng rau, tổ chức các homestay cho du khách, tổ chức dịch vụ nấu ăn tại nhà để khách thưởng thức ẩm thực địa phương, bán các sản phẩm địa phương cho du khách, tổ chức các tour du lịch xanh, tour du lịch trải nghiệm sản xuất..