Phát triển du lịch ở huyện miền núi Minh Long

Minh Long là huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng, lợi thế để đầu tư phát triển du lịch. Trong đó, có các di tích lịch sử cách mạng, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng như: Thác Trắng gắn với hồ Đồng Cần, hồ Biều Qua gắn với thác Sa Van và những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Hrê...

Khách du lịch tham quan Khu du lịch sinh thái Thác Trắng.
Khách du lịch tham quan Khu du lịch sinh thái Thác Trắng.

Nằm cách trung tâm tỉnh lỵ Quảng Ngãi khoảng 45 km về hướng tây nam với dân số chủ yếu người Hrê chiếm hơn 80%, Minh Long là một đô thị loại 4 miền núi vừa được công nhận gắn với nhiều danh lam thắng cảnh, có lợi thế làm du lịch.

Hiện, Minh Long đang có những doanh nhân trong và ngoài tỉnh xin đầu tư dự án du lịch sinh thái. Chủ tịch UBND huyện Minh Long Nguyễn Văn Thuần cho biết: Gần đây, huyện đã có những chính sách khuyến khích hợp lý cho các nhà đầu tư vào tại địa phương. Có doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư một số dự án, bước đầu tạo được điểm nhấn du lịch trên địa bàn. Đặc biệt, khu vực Thác Trắng gắn với hồ Đồng Cần đã được huyện quy hoạch khu du lịch sinh thái với hơn 57 ha. Nơi đây, ngoài nét văn hóa truyền thống của người Hrê, các di tích lịch sử cách mạng, còn có dòng thác trắng xóa quyện chặt con suối trong xanh chảy róc rách mãi về xuôi gắn với phong cảnh rừng đầu nguồn Thác Trắng có nhiều gỗ quý lâu năm đã tạo nên điểm du lịch khá hấp dẫn. Nhờ đó, lượng khách trong và ngoài nước tham quan, nghỉ mát ngày một đông. Trong dịp hè, những ngày nghỉ lễ và ngày Tết, lượng khách đến đây đã tăng đột biến (trung bình có ngày lên đến hơn hai nghìn người). Tuy nhiên, cái khó hiện nay là huyện không có nguồn kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng để giao đất cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư. Nguồn nhân lực làm du lịch còn hạn chế. Hiện, hai tuyến đường từ Thanh An đi Ba Tơ (nối tỉnh lộ 624) và Thanh An đi Sơn Kỳ (nối tỉnh lộ 628) đến TP Quảng Ngãi đã được tỉnh quy hoạch đầu tư xây dựng, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai, gây khó khăn đi lại cho người dân và khách tham quan, du lịch...

Đến khu du lịch sinh thái Thác Trắng - Minh Long trong những ngày giữa tháng 7 này, thả tầm mắt xa xa, chúng tôi luôn bị cuốn hút bởi cánh rừng bạt ngàn xanh tươi, những ngôi nhà sàn độc đáo của đồng bào Hrê, những ruộng bậc thang trải dài đẹp như tranh. Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thác Trắng Nguyễn Khánh Phương vui vẻ chia sẻ: Khi huyện mời gọi đầu tư vào các khu du lịch này chúng tôi rất lo lắng, vì khi đến đây khảo sát thấy núi rừng âm u, cảnh làng hoang sơ, đường sá đi lại khó khăn.

Tuy nhiên, nhờ "cơ chế" mở của huyện đã động viên, thúc đẩy chúng tôi vào cuộc. Khi huyện quy hoạch và cho phép tiến hành lập dự án đầu tư, doanh nghiệp chúng tôi đã tập trung triển khai các bước rất nhanh chóng. Với dự án có tổng mức đầu tư hơn 75 tỷ đồng, nhưng chỉ sau một năm, đến nay, công ty đã đầu tư khoảng hơn 30 tỷ đồng xây dựng các hạng mục gồm: Bãi tắm dưới chân thác, nhà hàng ăn uống, khu nhà nghỉ, khu trò chơi dưới nước, vườn thú, vườn cây ăn quả và lâm viên gỗ quý..., từng bước đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách.

Công ty sẽ tiếp tục đầu tư hàng chục tỷ đồng tại khu du lịch Thác Trắng và hồ Đồng Cần, trong đó chủ yếu xây dựng thêm 15 nhà nghỉ theo mẫu nhà sàn, khu vui chơi dưới nước và sớm hình thành khu du lịch nghỉ dưỡng gắn với làng văn hóa vùng cao mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào Hrê.

Rảo bước vào trong các bản, làng người Hrê, chúng tôi được một số già làng ở đây giới thiệu về nét văn hóa dân gian giàu bản sắc, các nhạc cụ độc đáo Broóc, đàn môi, sáo và các lễ hội cầu mưa, lễ ăn mừng lúa mới và cấu trúc nhà sàn. Ở đây, chúng tôi đã bắt gặp các cô gái trẻ Hrê đang múa hát du dương trong ánh lửa bập bùng tại điểm sinh hoạt văn hóa thôn như quyến rũ du khách ở lại qua đêm. Nghỉ lại nhà sàn... Chúng tôi được thưởng thức rượu cần cùng món cá niên nướng, chiên xù và rau ranh nấu với ốc đá, nét văn hóa ẩm thực rất riêng của người Hrê Minh Long. Nhờ những nét văn hóa độc đáo và những khu du lịch sinh thái hình thành nên nhiều du khách đến đây ngày càng đông."Nhất là các đối tượng đoàn viên, thanh niên, các em học sinh trong và ngoài tỉnh thường xuyên tổ chức những chuyến du lịch dã ngoại về Minh Long để thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên như: Khu du lịch sinh thái Thác Trắng, hồ Đồng Cầm, Thác Sa Van, hồ Biều Qua..."- một già làng ở thôn Hanh An khẳng định.

Để phát triển du lịch miền núi Minh Long giai đoạn 2015 - 2020, huyện đã mạnh dạn đưa ra "cơ chế" thoáng, bằng cách tạo mối quan hệ bình đẳng, thân thiện, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cho thuê đất dài hạn, miễn thuế sử dụng đất và thuế thu nhập... Trước mắt, tại các điểm du lịch trọng yếu, huyện tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ; đồng thời phát triển mạnh hệ thống cơ sở lưu trú gắn với các dịch vụ theo các tuyến, điểm du lịch, đáp ứng nhu cầu cho khách tham quan, du lịch. Đề nghị tỉnh hỗ trợ nguồn vốn cho công tác quy hoạch phát triển du lịch, đền bù nhà cửa, đất rừng cho người dân và mở lớp đào tạo nghề, giải quyết việc làm nông thôn. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án bảo tồn văn hóa dân tộc Hrê và lồng ghép các chương trình đầu tư cho miền núi, có như vậy mới bảo đảm phát triển du lịch sinh thái, làng nghề và văn hóa truyền thống theo hướng bền vững.