Bức tranh còn nhiều gam xám
Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế - xã hội vùng TĐC thủy điện Sơn La sau hơn 15 năm thực hiện dự án, đời sống, sản xuất của đồng bào các dân tộc đã ổn định. Một số nơi xuất hiện những mô hình sản xuất mới, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào đã bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Tuy vậy, quá trình thực hiện chính sách dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La mới tập trung giải quyết được mục tiêu di chuyển dân ra khỏi vùng ngập, chưa giải quyết được vấn đề đời sống, sản xuất, chưa có phương án hỗ trợ sản xuất giúp người dân ổn định lâu dài. Hiện nay, phần lớn các hộ dân vẫn theo tập quán sản xuất cũ, năng suất thấp, thu nhập chưa cao. Nhiều điểm TĐC do thiếu đất sản xuất, hạ tầng cơ sở xuống cấp, chưa được duy tu, bảo dưỡng, hư hỏng đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.
Chúng tôi đến thăm các điểm TĐC trên địa bàn tỉnh Sơn La được cho là những mô hình tốt, như: Mô Cổng, Phỏng Lái (Thuận Châu), Noong Lay, Bó Hạc (Mai Sơn), Yên Sơn (Yên Châu), Tân Lập (Mộc Châu),... Đây đều là những điểm TĐC được quy hoạch tốt, đất đai màu mỡ, diện tích đất sản xuất giao cho người dân bảo đảm theo quy định, vì vậy đời sống của người dân đều khấm khá. Tuy nhiên, trong số 276 điểm TĐC của tỉnh Sơn La thì những nơi người dân có cuộc sống ổn định và phát triển như thế không nhiều. Phần lớn các điểm TĐC còn lại đều ở mức tạm ổn định, đang từng bước vượt khó vươn lên.
Bên cạnh đó, còn khá nhiều điểm TĐC do những nguyên nhân khác nhau, như: không đủ đất sản xuất, đất dốc, đất xấu, điều kiện khó khăn cho nên đời sống còn chật vật. Đề cập vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Chiềng Bằng (huyện Quỳnh Nhai, Sơn La) Ngần Văn Đưa cho biết: Theo quy hoạch ban đầu, xã Chiềng Bằng chỉ bố trí 320 hộ dân TĐC ở lại xã. Nhưng thực tế tại xã hiện có gần 1.000 hộ dân sinh sống, trong đó, có 420 hộ dân của tám bản không chịu di chuyển theo quy hoạch, đã làm cho việc bố trí diện tích đất sản xuất nông nghiệp mỗi hộ chỉ còn vài nghìn mét vuông. Thí dụ như ở các bản Hậu, Xe, Púa, một nhân khẩu được chia chưa đầy 500 m2 đất sản xuất, trong đó phần lớn là đất dốc, đất ven hồ bạc màu. Đất ở đây chỉ có thể trồng cây cao-su cho nên khi di dân, huyện Quỳnh Nhai vận động nhân dân góp đất trồng hơn 950 ha cây cao-su. Sau gần 10 năm kiên trì với cây cao-su, khi chia lợi tức ở xã Chiềng Bằng vừa qua, hộ nhiều nhất được nhận 700 nghìn đồng, hộ ít chỉ nhận có 35 nghìn đồng. Với một gia đình góp đất trồng cao-su, số tiền này không thấm vào đâu.
Chúng tôi đến thăm 11 hộ dân di chuyển hình thức xen ghép ở bản Củ Pe, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn (Sơn La). Cách đây 10 năm, 11 hộ dân ở bản Giang Lò, xã Cà Nàng (huyện Quỳnh Nhai) làm cam kết di chuyển về sinh sống chung cùng với người dân bản Củ Pe. Khi đó, cả 11 hộ dân góp toàn bộ diện tích đất sản xuất được giao để trồng cây cao-su. Những năm đầu khi cây cao-su chưa khép tán thì trồng xen được ít cây màu, nhưng sáu đến bảy năm nay, 11 hộ dân không có đất sản xuất. Phần lớn người dân phải đi lao động làm thuê để kiếm sống qua ngày. Câu chuyện thiếu đất sản xuất không chỉ xảy ra ở tỉnh Sơn La mà ngay tại thị xã Mường Lay (Điện Biên) với hơn 1.000 hộ dân nông nghiệp, chỉ quen sản xuất nương rẫy nay bỗng nhiên được bố trí sinh sống ở giữa phố, bươn chải kiếm sống, dở khóc, dở cười…
Ngoài vấn đề đất sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các khu, điểm TĐC sau nhiều năm không được duy tu bảo dưỡng nay xuống cấp, hư hỏng là điều dễ nhận thấy. Trong đó, công trình nước sinh hoạt của phần lớn điểm TĐC đều không còn sử dụng được, người dân phải tự kéo nước hoặc phải hứng nước mưa để dùng. Tại huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) quy hoạch bố trí đầu tư 72 công trình nước, với số vốn 181,8 tỷ đồng, thì đến nay 90% đã hư hỏng như công trình nước sinh hoạt ở các điểm TĐC Pháo phòng không, Co Líu, Lọng Mấc, Phiêng Mựt, Pom Sinh 1, 2,...
Cần thêm những chính sách hỗ trợ người dân
Vấn đề hậu TĐC thủy điện Sơn La đã được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đặt ra ngay từ khi hình thành dự án, thực hiện công tác di dân, nhằm sớm ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội. Cách đây hai năm khi hoàn thành dự án, Trung ương đã tổng kết đánh giá toàn bộ kết quả công tác di dân TĐC thủy điện Sơn La. Đó là dấu mốc quan trọng khép lại giai đoạn 1 chuyển dân ra khỏi vùng ngập để bước vào giai đoạn 2 thời kỳ hậu thủy điện Sơn La. Chính phủ đã yêu cầu các tỉnh trong vùng dự án phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án “Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng TĐC thủy điện Sơn La”. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, qua ba lần rà soát trình thẩm định, phê duyệt, đến nay đề án vẫn chưa được phê duyệt.
Làm việc với các đồng chí lãnh đạo ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, chúng tôi được biết, thực tế nhu cầu vốn để có thể thiết kế và thực hiện đề án là rất lớn. Kết quả rà soát, đề xuất ban đầu theo hướng tính đúng, tính đủ của cả ba tỉnh lên tới hơn 13 nghìn tỷ đồng. Sau đó, theo yêu cầu, đã rút xuống còn hơn 9.000 tỷ đồng và hiện nay điều chỉnh lại đề án còn một nửa con số ban đầu.
Đề án “Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng TĐC thủy điện Sơn La” đã phải cắt gọt nhiều hạng mục quan trọng. Chủ yếu tập trung giải quyết hai tiểu dự án sửa chữa cơ sở hạ tầng đã bị hư hỏng và tiểu dự án hỗ trợ những hộ dân TĐC nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Do khó khăn về nguồn vốn, hình hài của đề án đến nay đã không còn bám sát được mục tiêu ban đầu đặt ra là giải quyết thấu đáo, toàn diện, phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng TĐC thủy điện Sơn La.
Thực tế, khi xây dựng đề án, công tác rà soát, đánh giá thực trạng có thể chưa sát thực tế, đề án chưa tính toán tới việc có gần 380 hộ đã phải di chuyển lần 2 và sẽ còn biến động, nhất là 11 hộ TĐC bản Củ Pe đề nghị xin di chuyển lần 2 suốt gần 10 năm qua chưa được giải quyết. Phương án hỗ trợ sản xuất trong quá trình hình thành đề án chưa được quan tâm nghiên cứu kỹ, còn khá chung chung với việc hỗ trợ cây, con, tập huấn kỹ thuật cho người dân...
Trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, so đo cắt gọt đề án hoặc dễ dãi trong sử dụng nguồn vốn đều không phù hợp. Việc xây dựng đề án “Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng TĐC thủy điện Sơn La” không chỉ đơn giản là những con số, mà cần sự nhìn nhận thấu đáo, chia sẻ sâu sắc, có nghĩa, có tình. Do vậy, cần một thái độ nghiêm túc, cẩn trọng và trách nhiệm nhằm hỗ trợ hiệu quả sản xuất cũng như chăm lo thật sự đời sống của người dân vùng dự án TĐC thủy điện Sơn La.
* Bài 1: Bài học thuận lòng dân
-------------------------
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 14-5-2018.