Trong bối cảnh đó, ngành logistics đang ngày càng khẳng định vai trò là “bệ đỡ” quan trọng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Tại khu vực phía bắc, thành phố Hải Phòng khẳng định vị thế là trung tâm logistics, công nghiệp và cảng biển hàng đầu cả nước, với hệ sinh thái hạ tầng ngày càng hoàn thiện, thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước. Ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, cho biết: Với thế liên hoàn giữa khu kinh tế, khu công nghiệp và hệ thống cảng biển hiện đại, Hải Phòng đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư toàn cầu trong chiến lược dịch chuyển chuỗi cung ứng sang khu vực Đông Nam Á.
Để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí vận chuyển, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 221/ QĐ-TTg ngày 22/2/2021 phê duyệt Kế hoạch hành động phát triển logistics giai đoạn 2022-2025, đặt mục tiêu giảm tỷ trọng chi phí logistics xuống dưới 16% GDP vào năm 2025. Cùng với đó, các chính sách như Nghị quyết số 163/NQ-CP ngày 16/12/2022 và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia định hướng doanh nghiệp logistics tăng cường ứng dụng công nghệ, đổi mới mô hình quản trị chuỗi cung ứng.
Theo khảo sát của Vietnam Report năm 2024, hơn 70% doanh nghiệp logistics tại Việt Nam đã triển khai các công nghệ tiên tiến như hệ thống quản lý vận tải (TMS), quản lý kho bãi (WMS), Internet vạn vật (IoT), nhằm cắt giảm thời gian vận hành và tối ưu chi phí. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số đang mở ra hướng đi mới trong việc xây dựng hệ thống logistics thông minh, đồng bộ và hiệu quả.
Tại Cảng container quốc tế Hateco Hải Phòng (HHIT) - cảng nước sâu đầu tiên do doanh nghiệp tư nhân trong nước đầu tư tại khu vực Lạch Huyện - các giải pháp công nghệ hiện đại đang được triển khai toàn diện. Trung tâm vận hành (Operations Center) giám sát toàn bộ hoạt động theo thời gian thực, bảo đảm kiểm soát an ninh, an toàn và minh bạch. Toàn bộ hệ thống vận hành được quản lý đồng bộ qua phần mềm TOS, tích hợp công nghệ nhận diện tự động (OCR), camera giám sát (CCTV), kiểm soát QR, kết hợp các cảnh báo thông minh.
Theo ông Trần Văn Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hateco, doanh nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, đơn vị tư vấn trong và ngoài nước triển khai đồng bộ các hạng mục công trình, tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật. Cảng HHIT cũng là đơn vị tiên phong tại Việt Nam triển khai hệ thống đặt lịch hẹn xe container (TAS), giúp tài xế chủ động thời gian giao nhận hàng hóa, giảm thiểu ùn tắc và chi phí vận hành.
Sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống cảng biển và dịch vụ logistics đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng xuất khẩu của thành phố Hải Phòng. Theo Sở Tài chính thành phố, trong quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,58 tỷ USD; sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 39,16 triệu tấn, trong đó phần lớn là hàng xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ và châu Âu. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Đức Thọ khẳng định, thành phố tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng logistics và hàng hải tại các khu vực trọng điểm như Lạch Huyện và nam Đồ Sơn.
Theo Báo cáo thường niên Logistics Việt Nam năm 2024 của Bộ Công thương, ngành logistics đang đóng góp khoảng 4-5% GDP, với tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 14-16%/ năm trong giai đoạn 2018-2023. Tuy nhiên, chi phí logistics hiện vẫn ở mức cao, chiếm khoảng 16-20% GDP - cao hơn đáng kể so với mức trung bình 8-10% tại các quốc gia phát triển và 12- 14% tại khu vực ASEAN. Đây là một trong những rào cản lớn ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu.
Trong ngắn hạn, nhiều doanh nghiệp logistics đang chịu áp lực từ biến động giá nhiên liệu, lãi suất và tỷ giá. Song về lâu dài, việc xây dựng hệ sinh thái logistics hiện đại, gắn với chuyển đổi số và hoàn thiện kết nối hạ tầng sẽ là yếu tố then chốt để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển xuất khẩu bền vững trong giai đoạn mới.