VỚI lợi thế sẵn có trong sản xuất nông nghiệp, kinh nghiệm canh tác lâu đời, Đồng bằng sông Hồng có tiềm năng to lớn và nhiều lợi thế vượt trội so với nhiều vùng kinh tế-xã hội khác, trong đó có sản xuất nông nghiệp. Từ nhiều năm qua, các giống cây trồng, vật nuôi trong vùng được tạo lập tốt, hình thành các vùng lúa xuất khẩu và vùng sản xuất lúa, ngô, rau thực phẩm, cây ăn quả, cây công nghiệp tại các tỉnh Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc. Bên cạnh đó, chăn nuôi gà, lợn hiện đang chiếm tỷ lệ 40% sản lượng của cả nước. Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp, nông thôn của vùng cũng tồn tại nhiều hạn chế, mặc dù đã xuất hiện các mô hình sản xuất lớn nhưng còn thiếu tính liên kết, chưa tương xứng với nhu cầu và tiềm năng. Cụ thể, sản xuất nông nghiệp còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, các mô hình sản xuất lớn chưa được kết nối hiệu quả.
Việc tích tụ, tập trung ruộng đất đã được thực hiện, phát triển thông qua mô hình “cánh đồng lớn”; tuy nhiên, diện tích đất sản xuất nông nghiệp phân tán dẫn đến khó ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất. Xây dựng nông nghiệp công nghệ cao chưa tạo được đột phá để nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị gia tăng. Ngoài ra, chưa có nhiều doanh nghiệp đóng vai trò đầu tàu trong xây dựng khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp chế biến nông sản, kết cấu hạ tầng bảo quản, chế biến chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất quy mô lớn gắn với vùng nguyên liệu tập trung. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, khó khăn như ô nhiễm môi trường làng nghề, bãi rác tập trung chôn lấp.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, phát triển nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư vào các mô hình sản xuất bền vững, công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn, giá trị cao gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, nông dân văn minh. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế nông nghiệp phải gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn và thúc đẩy quá trình đô thị hóa. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi để hình thành các khu sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, hiệu quả.