Phát triển quan hệ Việt Nam-Pháp đi vào chiều sâu, hiệu quả

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường, Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 25-27/5.
0:00 / 0:00
0:00
Tối 25/5, Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ 25-27/5/2025, theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Tối 25/5, Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ 25-27/5/2025, theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Đây là chuyến thăm thứ 5 của Tổng thống Pháp tới Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, cũng là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Emmanuel Macron kể từ khi nhậm chức.

Chuyến thăm thể hiện sự coi trọng của Pháp đối với vai trò, vị thế và quan hệ với Việt Nam, đối tác quan trọng của Pháp tại khu vực Đông Nam Á và trong tổng thể chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Việc đón tiếp Tổng thống Pháp và Phu nhân thăm cấp Nhà nước cũng khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Pháp đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Pháp tiếp tục phát triển tốt đẹp. Kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây hơn 50 năm, mối quan hệ Việt Nam-Pháp đã ghi dấu nhiều mốc son trên chặng đường đồng hành cùng phát triển. Việt Nam và Pháp nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược vào năm 2013 và Đối tác chiến lược toàn diện năm 2024, đưa Pháp trở thành nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) có mức quan hệ cao nhất với Việt Nam. Kể từ khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, hoạt động trao đổi đoàn các cấp giữa hai nước tăng mạnh.

Chỉ trong vòng 6 tháng sau khi nâng cấp, đã có 10 đoàn Pháp thăm Việt Nam, trong đó có 4 đoàn đại biểu cấp Chính phủ, cấp Bộ và 6 đoàn doanh nghiệp trong các lĩnh vực thế mạnh hàng đầu của Pháp.

Về hợp tác kênh đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp có quan hệ truyền thống gắn bó. Mối quan hệ tốt đẹp đó được xây dựng trên nền tảng vững chắc khi Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

Hai nước duy trì nhiều cơ chế đối thoại, hợp tác như Đối thoại chiến lược an ninh, quốc phòng; Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế; Đối thoại chiến lược và hợp tác quốc phòng; Hội nghị hợp tác địa phương; Tham vấn chính trị và Đối thoại Biển. Việt Nam và Pháp cũng chia sẻ nhiều quan điểm tương đồng về các vấn đề quốc tế và khu vực, ủng hộ chủ nghĩa đa phương, phối hợp chặt chẽ tại các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN-EU, Cộng đồng Pháp ngữ. Trong vấn đề Biển Đông, Pháp ủng hộ quan điểm của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), ủng hộ tự do hàng hải, hàng không tại khu vực.

Về kinh tế, thương mại, đầu tư và hợp tác phát triển, Pháp là một trong những đối tác châu Âu hàng đầu và là nhà tài trợ ODA song phương lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương tăng 53% trong 10 năm qua, đạt hơn 5,4 tỷ USD trong năm 2024, tăng khoảng 12% so với mức năm 2023. Trong giai đoạn 1993-2022, Pháp đã cung cấp cho Việt Nam các khoản vay ưu đãi trị giá 16,7 tỷ euro. Trong lĩnh vực đầu tư, nhiều tập đoàn hàng đầu của Pháp mong muốn tham gia đầu tư vào các dự án tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng hạt nhân, hạ tầng chiến lược, giao thông đô thị, đường sắt, hàng không vũ trụ, năng lượng tái tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, công nghệ cao, khoáng sản thiết yếu.

Hợp tác quốc phòng, an ninh là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước, thể hiện qua các cuộc họp tham mưu, đối thoại an ninh, đào tạo sĩ quan. Đáng chú ý, năm 2024, lần đầu tiên một Bộ trưởng Quân đội Pháp tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, là dấu mốc quan trọng khẳng định mong muốn của Pháp trong việc cùng Việt Nam gác lại quá khứ, hướng tới tương lai.

Hợp tác song phương trong các lĩnh vực khác như văn hóa, giáo dục-đào tạo, y tế, tư pháp, khoa học-kỹ thuật... diễn ra sôi động và ngày càng phát triển, thông qua các trung tâm văn hóa đặt tại mỗi nước; các sự kiện như Tuần lễ văn hóa, du lịch; các viện Pasteur tại Việt Nam; các dự án đào tạo, giảng dạy tiếng Pháp và trao đổi sinh viên. Hiện có khoảng 7.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Pháp. Trong khi đó, hợp tác địa phương là lĩnh vực đặc thù trong quan hệ hai nước, với việc Pháp là nước duy nhất mà Việt Nam có cơ chế họp thường kỳ với quy mô toàn quốc. Hai bên đang chuẩn bị cho Hội nghị hợp tác giữa các địa phương lần thứ 13, dự kiến được tổ chức tại Pháp vào năm 2026.

Một trong những cầu nối quan trọng cho tình hữu nghị giữa hai nước là cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, hiện có khoảng 350.000 người, trong đó có hơn 50.000 người trong đội ngũ trí thức và hàng nghìn doanh nhân, được biết đến là cộng đồng người Việt lớn nhất ở châu Âu. Đa phần kiều bào sinh sống, làm ăn, học tập ổn định, có ý thức giữ gìn văn hóa dân tộc, là nhân tố quan trọng, đóng góp vào nỗ lực thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Pháp ngày càng phát triển tốt đẹp.

Việc Việt Nam đón Tổng thống Pháp và Phu nhân thăm cấp Nhà nước là bước triển khai tích cực đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng về độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Đây cũng là dấu ấn quan trọng trong quan hệ hai nước, góp phần tiếp tục thực hiện hiệu quả các kết quả chuyến thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào tháng 10/2024. Chuyến thăm là cơ hội để Việt Nam và Pháp thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống như thương mại, đầu tư, du lịch; đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực phù hợp với mục tiêu phát triển của Việt Nam như năng lượng hạt nhân, khoa học, công nghệ, trí tuệ nhân tạo. Chúc chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Emmanuel Macron và Phu nhân thành công tốt đẹp, đưa quan hệ Việt Nam-Pháp tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.