Đến thăm Trường Dục Thanh trong những ngày tháng 5 lịch sử này, lại trào dâng cảm xúc như đang được nghe thầy giáo Nguyễn Tất Thành giảng bài về tình yêu quê hương, đất nước, lòng yêu thương con người. Dường như trong mỗi người càng cảm thấy kính yêu Bác hơn, tự nhủ phải sống tốt hơn, làm việc tốt hơn.
Lần đầu tiên được đến thăm Trường Dục Thanh, chị Nguyễn Thị Huệ, công tác tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Hoàng Mai (Hà Nội) xúc động ghi trong sổ cảm tưởng: "Chúng cháu hứa sẽ phấn đấu hết tâm sức để sự nghiệp “trồng người” ngày càng phát triển như lời Người đã căn dặn; góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng phồn thịnh, văn minh và hạnh phúc”. Ông Trần Minh Giang, cán bộ Trường Chính trị Phạm Hùng (Vĩnh Long) bày tỏ suy nghĩ: “Đến thăm Trường Dục Thanh, chúng cháu càng thấm thía hơn lời Bác dạy: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân,… ”. Trong sổ ghi cảm tưởng của Khu Di tích Dục Thanh có rất nhiều những cảm xúc như thế. Trong đó có một người đã nhiều lần đến thăm Trường Dục Thanh, Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, đã ghi: “Chúng cháu nguyện suốt đời đi theo con đường mà Bác đã chọn, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của chúng ta”.
Được trùng tu, phục chế từ năm 1978 và khánh thành năm 1980, Khu Di tích Dục Thanh trở thành trung tâm sinh hoạt chính trị - văn hóa - du lịch của tỉnh Bình Thuận. Hằng năm, Khu Di tích đón hàng trăm nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu, học tập, tìm hiểu về Bác Hồ. Mỗi hiện vật ở đây đều chứa đựng ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Được chiêm ngưỡng những kỷ vật vô giá đó, mọi người càng hiểu sâu sắc hơn về phong cách sống giản dị, hòa mình với quần chúng nhân dân, về cuộc đời hoạt động cách mạng, về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Những năm gần đây, công tác tuyên truyền, giáo dục tại Khu Di tích Dục Thanh được đa dạng hóa với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn. Đặc biệt, từ khi thực hiện Chỉ thị 06 của Bộ Chính trị (khóa X) và tiếp theo là Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trên khắp mọi miền của đất nước xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu dám nghĩ, dám làm, vượt lên hoàn cảnh khó khăn, đóng góp công sức và trí tuệ vì lợi ích của cộng đồng, vì sự phát triển của quê hương, đất nước. Và Trường Dục Thanh trở thành địa chỉ tuyên truyền, giáo dục chính trị, văn hóa, góp phần tích cực trong thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Kỷ niệm 126 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại nhà Ngư trong quần thể Khu Di tích Dục Thanh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh Bình Thuận tổ chức triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, lựa chọn và giới thiệu 110 tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ của toàn quốc và tỉnh Bình Thuận. Đó là những tấm gương: tập thể Hội Cựu chiến binh huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, học theo gương Bác về “nói đi đôi với làm”; thầy giáo Trần Văn Trọng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề xuất nhiều mô hình hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường và học tập tốt; bác sĩ Ngô Văn Hùng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đác Lắc tiên phong trong khám, chữa bệnh từ thiện cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa; anh Nguyễn Thế Hiển, Khu phố trưởng khu phố 1, phường Bình Hưng, TP Phan Thiết (Bình Thuận) đã 45 lần hiến máu cứu người…
Đồng chí Nguyễn Văn Quỳ, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh Bình Thuận cho biết, đây là lần đầu tiên tại Khu Di tích Dục Thanh tổ chức triển lãm giới thiệu những tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thông qua những tấm gương điển hình này, giúp cho khách đến tham quan hiểu việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ một cách sinh động, có hiệu quả và kết quả cụ thể. “Những tấm gương bình dị mà cao quý” trưng bày trong Khu di tích Dục Thanh như những bông hoa rực rỡ dâng lên kỷ niệm 126 năm Ngày sinh của Người.