Đại lễ tưởng niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân - tổ sư ni đầu tiên của Việt Nam viên tịch

TTXVN - Sáng 27-10, Phân ban Ni giới T.Ư, Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam tổ chức Đại lễ tưởng niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân viên tịch và chư vị tổ sư ni tiền bối hữu công.

Tới dự, có: Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ GHPG Việt Nam; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; đại diện các bộ, ban, ngành, MTTQ Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ.

Tại Đại lễ, các chư tôn đức giáo phẩm GHPG Việt Nam, đại biểu, phật tử cùng dâng hương tưởng niệm và ôn lại cuộc đời, đức độ, quá trình tu hành của Ni sư Diệu Nhân trong việc lan tỏa đạo lý, đức hạnh tốt đẹp tới các phật tử, khẳng định những đóng góp to lớn của nữ phật tử trong việc phát triển Phật giáo tại Việt Nam.

Ni sư Diệu Nhân, thế danh Lý Ngọc Kiều, sinh năm 1042 tại Thăng Long, thuộc Hoàng tộc nhà Lý, là trưởng nữ của Phụng Kiền Vương - Lý Nhật Trung, cháu nội của Vua Lý Thái Tông, Vua Lý Thánh Tông nhận làm con nuôi, được nuôi dạy từ nhỏ trong Hoàng cung và phong là Thụy Thánh công chúa. Công chúa sống thuần hậu, ngôn hạnh đoan trang, kính tín Phật pháp, thuận tòng bề trên, ai cũng mến mộ yêu quý. Đến tuổi trưởng thành, Lý Ngọc Kiều được vua cha đem gả cho người họ Lê làm Châu mục châu Chân Đăng (nay thuộc các huyện: Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ), nhằm cố kết nhân tâm, đoàn kết các châu mục vùng núi và đồng bào các dân tộc thiểu số. Chồng mất sớm, bà thủ tiết, quyết không tái giá, dốc hết tư trang gia sản, bố thí dân nghèo vùng khó, xuất gia tầm sư học đạo, cứu độ quần sinh. Ngày mồng 1 tháng 6 âm lịch năm Hội Tường Đại Khánh thứ 4 (tức ngày 15-7-1113), đời Vua Lý Nhân Tông, Ni sư viên tịch.

Tại Đại lễ, Ban Tổ chức trao 100 triệu đồng tặng quỹ khuyến học; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam, thay mặt Hội nhận món quà nêu trên.