Từ năm 1992, UNESCO đã phát động Chương trình Ký ức Thế giới, nhằm phòng ngừa nguy cơ những di sản tư liệu vô giá của nhân loại bị lãng quên, đồng thời, khuyến khích các quốc gia bảo quản tốt hơn, qua đó, quảng bá rộng rãi hơn giá trị của các di sản này trên toàn cầu.
Đến nay, 238 di sản tư liệu của các nước trên thế giới đã được đưa vào Danh sách Ký ức Thế giới của UNESCO. Các di sản được đưa vào Danh sách Ký ức Thế giới rất đa dạng bao gồm các di sản bằng đá, chất dẻo, da động vật, băng audio.
Thêm một lần, văn hiến Thăng Long, văn hiến Việt Nam được khẳng định ở tầm thế giới. Nhưng bảo vệ những tấm bia đá này đã và đang là vấn đề cấp bách của Hà Nội, khi hàng ngày có rất đông du khách trong nước và quốc tế tới tham quan…và “xoa đầu rùa” và những tấm bia đá, mong lấy may trong thi cử. Ban quản lý Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng “xoa đầu rùa”, tuy nhiên đến nay vẫn chưa tìm được biện pháp nào hữu hiệu nhất. Hy vọng, khi 82 tấm bia được chính thức đưa vào Danh sách Ký ức Thế giới của UNESCO sẽ nhận được sự hưởng ứng, tự giác của người dân và du khách.
Việc Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO công nhận Di sản tư liệu thế giới cho bia đá ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội là sự khẳng định chính thức giá trị những di sản này ở tầm quốc tế. Ngoài giá trị về văn học, mỹ thuật..., có thể coi đây còn là sự ghi nhận của quốc tế về tư tưởng nhân văn của người Việt truyền tải qua những thông điệp đá.