Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cho rằng “Cán bộ là gốc của mọi công việc, công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” [1] . Nhận thức được tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, thời gian qua, các cấp công đoàn đã luôn đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên một cách toàn diện về bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực và phong cách công tác.
Trong những năm tới, trước tình hình thế giới và khu vực vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng quốc tế hoá nguồn nhân lực vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với Việt Nam. Sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, phát triển đất nước nhanh và bền vững đang chuyển sang giai đoạn mới, cao hơn, ngày càng đi vào chiều sâu, khó khăn và phức tạp hơn.
Tình hình đó tác động mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc đến công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ; đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín. Vì vậy, tăng cường vai trò của tổ chức công đoàn trong việc tham gia nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngang tầm nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của tổ chức công đoàn.
Góp phần cụ thể hoá nội dung Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” và để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngang tầm nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới; trong thời gian tới, các cấp công đoàn cần tập trung vào những nội dung sau:
Một là, nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, công chức, viên chức
Chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động học tập, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị.
Các cấp công đoàn cần phát huy vai trò gương mẫu, tích cực, chủ động phấn đấu, tu dưỡng của từng cán bộ, công chức trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị chung của cơ quan, đơn vị. Khuyến khích, động viên cán bộ, công chức nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành hoàn thành nhiệm vụ chung của cơ quan, đơn vị. Phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Hai là, tiếp tục đổi mới hoạt động, nâng cao vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong việc tham gia vào công tác cán bộ của cơ quan, đơn vị.
Các cấp công đoàn cần tích cực phát hiện, giới thiệu cho cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị về những cán bộ có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, năng lực chuyên môn tốt để cơ quan, đơn vị xem xét, có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ cho tương lai. Hằng năm, thông qua các cuộc họp, hội nghị về đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, các cấp công đoàn cần chủ động giới thiệu những cán bộ có năng lực, uy tín, trách nhiệm trong công việc để đề xuất với lãnh đạo cơ quan, đơn vị đưa vào danh sách quy hoạch, bổ nhiệm; khách quan, công tâm trong việc tham gia ý kiến đánh giá, bỏ phiếu quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ; bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, triển khai việc thực hiện phong trào “Xây dựng văn hóa công sở” thiết thực, hiệu quả nhằm xây dựng môi trường lao động an toàn, quan hệ lao động hài hoà, tiến bộ trong cơ quan, đơn vị; tạo tâm lý ổn định cho cán bộ, công chức, viên chức an tâm công tác.
Ba là, các cấp công đoàn cần tổ chức tốt các phong trào thi đua gắn với Cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành-Trách nhiệm-Liêm chính-Sáng tạo”.
Cần nghiên cứu, gắn việc rèn luyện, nâng cao ý thức cán bộ, công chức với việc thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước do công đoàn các cấp phát động, với Cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành-Trách nhiệm-Liêm chính-Sáng tạo” . Việc thực hiện Cuộc vận động và các phong trào thi đua cần hướng đến mục đích nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khi tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, tham mưu, đề xuất, thực thi công vụ khi triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Qua đó, xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; có cách thức, phương pháp phù hợp, kịp thời đề xuất với lãnh đạo cơ quan, đơn vị có hình thức khen thưởng, động viên kịp thời.
Bốn là, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của công đoàn cần tập trung vào việc giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt.
Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ và Văn kiện Đại hội của Đảng lần thứ XIII đã nhấn mạnh: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Xây dựng, hoàn thiện chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài; có cơ chế bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, … đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”. Điều này đòi hỏi tổ chức công đoàn thời gian tới cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; chủ động nắm tình hình, phản ánh, báo cáo khi có biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên để cấp ủy, chính quyền cùng cấp kịp thời chỉ đạo, xem xét, giải quyết, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Năm là, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của công đoàn các cấp trong việc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động.
Công đoàn là với vai trò là “cầu nối” giữa người sử dụng lao động với người lao động, vừa thực hiện vai trò tổ chức đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, vừa thực hiện vai trò là một tổ chức chính trị-xã hội dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng, thì việc phát huy vai trò, trách nhiệm của công đoàn các cấp trong việc xây dựng, hoàn thiện chế độ công chức, công vụ, lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động… liên quan trực tiếp tới quyền, nghĩa vụ của người lao động tạo tâm lý an tâm công tác, môi trường lao động an toàn cho người lao động.
Do đó, đòi hỏi các cấp công đoàn cần phát huy tinh thần trách nhiệm tham gia góp ý có chất lượng trong quá trình hoàn thiện các nội quy, quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị hoặc các dự án luật, pháp lệnh có liên quan trực tiếp tới tới quyền, nghĩa vụ của người lao động.
Xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và các tổ chức chính trị-xã hội phải quan tâm thực hiện. Do đó, công đoàn các cấp cần coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục trong hoạt động của tổ chức công đoàn để được xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
------------------
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr.313.