Theo chân anh Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), chúng tôi về thăm gia đình nạn nhân chất độc da cam là ông Lê Ðình Dểnh sinh năm 1954, thương binh mất 61% sức khỏe, ở thôn Ngọc Trà 1, xã Quảng Trung.
Dù đã được giới thiệu về hoàn cảnh rất đặc biệt của gia đình trước đó, nhưng khi được chứng kiến trực tiếp mọi sinh hoạt và những gì mà họ đã kiên trì vượt qua trong những năm tháng đã làm cho chúng tôi thật sự xúc động, bất ngờ và cảm phục tinh thần vượt lên nỗi đau tật nguyền ác nghiệt, có lúc tưởng chừng như không thể nào vượt qua.
Ông Dểnh nghẹn ngào tâm sự với chúng tôi: “Tháng 2/1974 tôi nhập ngũ, thuộc đơn vị C4, D7, E3, F9, Quân đoàn 4. Bao nhiêu lần chiến đấu vào sinh, ra tử với quân thù trong khó khăn, ác liệt trên các địa danh Bến Cát, Tây Ninh, Bình Phước, Quốc lộ 13 và trên đất nước bạn Cam-pu-chia... tôi không nhớ hết các trận chiến đấu mà mình đã trải qua.
Những địa danh chiến đấu tôi trải qua đều là những nơi mà kẻ thù đã rải thảm chất độc da cam (dioxin). Những cánh rừng trơ trụi, cây cối chết khô. Mọi sinh hoạt hằng ngày của người lính từ ăn uống, tắm giặt, ngủ nghỉ... đều phụ thuộc vào môi trường sống chung quanh.
Ðây chính là nguyên nhân khiến những người lính trên chiến trường như chúng tôi bị phơi nhiễm với chất độc hóa học mà quân đội Mỹ đã sử dụng tại Việt Nam. Lấy vợ, sinh con là quy luật của cuộc đời. Nào đâu có ngờ chất độc quái ác đã ngấm sâu vào cơ thể của tôi, để lại hậu quả chính là những đứa con sinh ra và lớn lên trong tật nguyền, dị dạng...”.
Nhớ về những ngày tháng cơ cực, không giấu nổi niềm xúc động, bà Ngô Thị Ðàm, sinh năm 1958 là người bạn đời thủy chung của ông Dểnh tâm sự: “Vợ chồng tôi cưới nhau năm 1980, sau đó từ năm 1983 lần lượt sinh ra bốn đứa con.
Niềm vui chưa tày gang, bốn cô con gái đều lớn lên trong ốm đau, bệnh tật, chậm phát triển; gia đình lâm vào cảnh khó khăn, thiếu thốn đủ bề nên không có đủ kinh phí để đưa các con đi khám, điều trị và sớm phát hiện việc các cháu đã bị nhiễm chất độc da cam. Sau này, các con tôi được sự quan tâm của chính quyền địa phương và người thân đưa đi khám, xét nghiệm và được hưởng chế độ theo quy định của Nhà nước, khó khăn lúc này cũng vơi đi đôi chút...
Sức khỏe của chồng tôi cũng ngày một yếu đi, hiện nay phải thường xuyên dùng máy thở để chống chọi với căn bệnh suy tim, suy đường hô hấp cấp và hen co thắt... Nén chịu nỗi đau cũng như chia sẻ với chồng, tôi chỉ biết khóc thầm nuốt nước mắt vào trong để cùng với chồng chăm sóc các con và nuôi sống gia đình...”.
Ðã nhiều năm nay, vẫn biết bản thân mình và các con đang mang nặng nỗi đau tật nguyền, nhưng không vì thế mà nhụt chí, thiếu cố gắng trong cuộc sống. Vượt lên nỗi đau, vợ chồng ông Dểnh luôn quan tâm động viên nhau hòa nhập cộng đồng.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quảng Trung cho biết: “Gia đình nạn nhân chất độc da cam Lê Ðình Dểnh là một gia đình đặc biệt khó khăn do hậu quả của cuộc chiến tranh để lại. Tuy nhiên, gia đình ông luôn biết vươn lên để chiến thắng vết thương tật nguyền.
Không những vậy, gia đình ông luôn phát huy tốt truyền thống cách mạng, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước; trong phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao của địa phương, gia đình ông đã tự nguyện hiến đất để xây dựng đường giao thông nông thôn. Gia đình ông Dểnh thật sự là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, vượt lên nỗi đau để sống có ích trong xã hội”.
Chia tay gia đình ông Dểnh khi chiều đã muộn. Tiếng cười nói líu lo từ cảm xúc ngây ngô của bốn cô con gái khiến lòng chúng tôi thêm trĩu nặng. Nỗi đau mang tên da cam vẫn còn nặng nề, dai dẳng. Song, với sự quan tâm, hỗ trợ của những đôi bàn tay ấm áp tình người từ các cơ quan chức năng, các nhà hảo tâm và cả cộng đồng, cùng với sự nỗ lực vươn của mỗi gia đình, chắc chắn nỗi đau sẽ phần nào được xoa dịu.