Đề thi tránh học “tủ”
Kỳ thi vào lớp 10 năm học 2025-2026 là kỳ tuyển sinh đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, sẽ có một số điểm thí sinh cần lưu ý:
Thứ nhất, cách tính điểm sẽ không nhân hệ số 2 đối với các môn Toán và Ngữ văn. Điều này bảo đảm công bằng cho tất cả các thí sinh. Với cách tính điểm cũ, thí sinh có thế mạnh ở ngoại ngữ sẽ bị thiệt hơn thí sinh có thế mạnh ở môn Toán, Ngữ văn.
Thứ hai, điểm thi và điểm chuẩn công bố cùng thời điểm: Việc công bố điểm chuẩn được thực hiện đồng thời với công bố điểm thi. Do đó, bắt đầu từ năm nay, học sinh sẽ được biết điểm thi và kết quả trúng tuyển vào lớp 10 trong cùng một ngày. Ở những năm trước, Hà Nội công bố điểm chuẩn sau ngày công bố điểm thi từ 1 đến 7 ngày.
Thứ ba, học sinh phải viết bài văn, bỏ ngữ liệu sách giáo khoa: Kể từ năm 2025, học sinh không còn “tủ” để ôn thi môn Ngữ văn. Đề minh họa vào lớp 10 môn Ngữ văn của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội cũng thể hiện điều này. Để có thể làm được bài thi với những ngữ liệu hoàn toàn mới mẻ, thí sinh buộc phải nắm chắc đặc trưng các thể loại, ghi nhớ và nắm vững kiến thức về tiếng Việt, có kỹ năng đọc hiểu tốt. Ngoài ra, cũng từ kỳ thi lớp 10 tới, học sinh Hà Nội sẽ phải học kỹ năng viết bài văn chứ không chỉ viết đoạn văn. Câu hỏi nghị luận xã hội chiếm 40% tổng điểm chính là một bài văn có độ dài khoảng 400 chữ. Bài văn và đoạn văn có sự khác biệt rõ rệt về yêu cầu, kết cấu, đặc trưng dạng bài. Thí sinh nếu không rèn kỹ năng viết bài văn sẽ gặp lúng túng và xử lý không đầy đủ yêu cầu đề bài.
Thứ tư, đề trắc nghiệm thay đổi, thêm định dạng trắc nghiệm mới: Theo cấu trúc định dạng đề thi mà Sở GD&ĐT công bố, các môn thi trắc nghiệm được thay đổi theo định dạng của đề thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, ngoài dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn truyền thống, đề thi sẽ có thêm trắc nghiệm đúng - sai và trắc nghiệm trả lời ngắn với cách tính điểm mới. Thí sinh phải thật sự có khả năng lập luận, phân tích và nắm chắc kiến thức nền tảng để trả lời được câu hỏi trắc nghiệm mới, không thể khoanh bừa vẫn đạt điểm như trước đây. Đáng lưu ý, ở dạng thức đúng - sai, mỗi câu hỏi có 4 ý, nếu trả lời được 3 trong 4 ý, thí sinh chỉ được một nửa số điểm.
Cân nhắc nguyện vọng khi đăng ký dự thi
Ông Nghiêm Văn Bình, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Hà Nội) chia sẻ tại Ngày hội tự tin vào lớp 10: Học sinh có 3 nguyện vọng vào lớp 10 công lập. Trong đó nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 phải trong cùng một khu vực tuyển sinh, phù hợp với nơi đăng ký thường trú hoặc nơi cư trú thực tế. Nguyện vọng 3 đăng ký trong một khu vực tuyển sinh bất kỳ của 12 khu vực tuyển sinh tại Hà Nội.
Khi đăng ký các nguyện vọng, học sinh cần cân nhắc không đăng ký nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 vào cùng một tốp trường (có sức hút tương tự nhau, thể hiện ở số lượng đăng ký, điểm chuẩn những năm gần đây). “Các em hãy cân nhắc kỹ khi sắp xếp nguyện vọng bởi khi đã đỗ nguyện vọng 1, học sinh sẽ không được xét tiếp nguyện vọng 2 và 3. Sở GD&ĐT Hà Nội không cho phép điều chỉnh nguyện vọng sau khi đã quá hạn đăng ký nguyện vọng”, ông Bình cho biết.
Cách tính điểm chuẩn của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay có thay đổi, vì thế, tổng điểm chuẩn có thể sẽ hạ so với các năm trước, nhưng không có nghĩa đề thi khó hơn hay kết quả thi sẽ giảm, mà do thay đổi cách tính điểm. Liên quan đến điểm chuẩn, thầy Lưu Văn Thông, Hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, căn cứ vào điểm chuẩn các năm có thể tính được điểm trung bình mỗi môn thi vào trường mình muốn đăng ký nguyện vọng là bao nhiêu. Từ đó, soi chiếu lại trong quá trình ôn tập, các bài kiểm tra, các bài thi thử của học sinh đạt được đến mức nào. Thí dụ, điểm trung bình trong các bài kiểm tra, thi thử chỉ đạt 6-7 thì nên cân nhắc khi đăng ký vào trường thường có điểm trung bình môn thi là 8-9 điểm. Dĩ nhiên, nếu học sinh có quyết tâm, cha mẹ nên cùng con xây dựng lộ trình cố gắng.
Tại thời điểm này, ghi nhận tại các trường cho thấy, việc triển khai kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 9 đang được ưu tiên. Khác với các năm trước, năm nay, trong bối cảnh thực hiện Thông tư số 29 của Bộ GD&ĐT về Dạy thêm, học thêm, trong đó có quy định chỉ được tổ chức ôn tập không thu tiền không quá 2 tiết/môn/tuần, các trường đã chủ động, linh hoạt để không “phạm quy” và hỗ trợ học sinh hiệu quả nhất.
Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) khởi động việc ôn tập cho hơn 400 học sinh lớp 9 bằng các “tiết 0” đầu giờ sáng hằng ngày. Tùy tình hình cụ thể, giáo viên của ba môn Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ chủ động sắp xếp “tiết 0” vào các ngày phù hợp, bảo đảm không quá 2 tiết/tuần. “Đây là mô hình được triển khai nhiều năm nay, chủ yếu dành cho những học sinh chưa thật sự tự tin về học lực bước vào kỳ thi. Trong bối cảnh thực hiện quy định mới về dạy thêm, bên cạnh việc hướng dẫn học sinh ôn tập, ở “tiết 0” này, giáo viên tăng cường hướng dẫn học sinh kỹ năng làm bài, kỹ năng tự học ở nhà”, Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương Nguyễn Thị Thu Hà thông tin.
Còn thầy giáo Bùi Xuân Oanh, giáo viên Trường THCS An Khánh (huyện Hoài Đức) chia sẻ, kế hoạch giáo dục của trường là học tới đâu, ôn tới đó, giúp học sinh củng cố kiến thức và đặc biệt là rèn ý thức, kỹ năng tự học ở nhà. Thông qua đó, giúp các em xây dựng thời gian biểu hợp lý để tự học hiệu quả và tránh áp lực. Trong từng giờ học, học sinh được hướng dẫn tự đánh giá mức độ đạt được của mình, qua đó giáo viên kịp thời củng cố, bổ trợ ngay.
Giải đáp băn khoăn của nhiều học sinh về việc học tìm ngữ liệu môn Văn ở đâu và học thế nào hiệu quả, Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT Hà Nội) Trần Đăng Nghĩa cho biết, ngoài các tác phẩm trong sách giáo khoa, học sinh nên đọc thêm tài liệu chính thống, tuyển tập tác phẩm của nhiều tác giả uy tín để mở rộng vốn từ, cảm xúc… Học sinh cần lưu ý, thí dụ đề minh họa môn Ngữ văn là thơ (hoặc đoạn văn) không có nghĩa là đề thi chính thức cũng sẽ là thơ (hoặc đoạn văn)...
Thông tin về đề thi, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2025-2026 bao gồm các câu hỏi phù hợp với yêu cầu cần đạt của môn học và mục tiêu cấp THCS thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9. Toàn thành phố có khoảng 127.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS, trong đó các trường công lập sẽ tuyển khoảng 79.000 em, số còn lại được tuyển vào các trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể của từng trường dự kiến sẽ được công bố vào tháng 4/2025. “Hà Nội bảo đảm 100% số học sinh đã tốt nghiệp THCS có nguyện vọng tiếp tục đi học đều được tuyển vào các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và cơ sở giáo dục nghề nghiệp”, ông Trần Thế Cương khẳng định.