Doanh nghiệp nỗ lực giữ kế hoạch kinh doanh

Bước vào quý II với nhiều biến số về chính sách thuế quan từ Mỹ, bên cạnh một số ngành hàng chủ lực khá dè dặt cho mục tiêu tăng trưởng năm nay, thì một số lĩnh vực khác lại thể hiện sự tự tin rõ nét về kế hoạch năm nay bất chấp những diễn biến khó đoán từ tình hình thuế quan.
0:00 / 0:00
0:00
Dây chuyền sản xuất ô-tô tại Nhà máy VinFast (Hải Phòng).
Dây chuyền sản xuất ô-tô tại Nhà máy VinFast (Hải Phòng).

Ngành gỗ, dệt may rụt rè

Năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Mỹ đạt gần 9,1 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2023. Đây là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu ngành này vượt mốc 9 tỷ USD, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong thương mại song phương giữa hai nước.

Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành gỗ Việt Nam, chiếm khoảng 55,5% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2024. Sự tăng trưởng này phản ánh nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ cao tại Mỹ và khả năng thích ứng linh hoạt của doanh nghiệp Việt Nam trước các yêu cầu kỹ thuật và thị hiếu tiêu dùng.

Thế nhưng, chính sách thuế đối ứng với ngưỡng đề xuất 46% từ Mỹ khiến không ít doanh nghiệp ngành này thấp thỏm, dù hiện chính sách này đang được phía Mỹ tạm hoãn 90 ngày để đàm phán từ ngày 9/4.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, chủ một công ty xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ tại Bình Dương cho hay, ông đã phải hạ kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2025 trong bối cảnh thị trường xuất khẩu sụt giảm, đặc biệt tại các thị trường chủ lực như Mỹ và EU. Theo đó, mục tiêu doanh thu 35 triệu USD và lợi nhuận 11 tỷ đồng năm 2025, giảm chỉ còn 30 triệu USD và 9 tỷ đồng. Quyết định này được ông Tuấn đưa ra trong tháng 4, sau 5 tháng vẫn tự tin ấn định con số tăng trưởng 10% so với năm 2024.

Thực tế, số liệu từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cũng cho thấy, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ trong quý I/2025 chỉ đạt khoảng 3,1 tỷ USD, giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thị trường Mỹ (chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu) tiếp tục thu hẹp do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, cùng với chính sách áp thuế đối ứng của Washington.

Đại diện Viforest cho biết, nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân sự hoặc tạm dừng hoạt động do thiếu đơn hàng. "Một số nhà nhập khẩu Mỹ đã hủy hoặc hoãn hợp đồng vì lo ngại chi phí tăng cao từ các chính sách thuế mới. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước lại gặp khó khi tiếp cận vốn vay ưu đãi để duy trì hoạt động", đại diện Viforest nói.

Tương tự, một số doanh nghiệp dệt may cũng chủ động hạ kế hoạch tăng trưởng của năm nay, khi đây cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu sang thị trường Mỹ. Đơn cử, Tổng công ty May Hưng Yên - CTCP (Hugaco) đặt kế hoạch doanh thu 2025 ở mức 616 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 50 tỷ đồng. So với năm trước, kế hoạch này giảm mạnh - doanh thu giảm hơn 62 tỷ đồng, lợi nhuận giảm 23 tỷ đồng.

Doanh nghiệp nỗ lực giữ kế hoạch kinh doanh ảnh 1

Các doanh nghiệp sản xuất gỗ đầu tư máy móc để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Ảnh: SONG ANH

Bất động sản, ngân hàng, hàng tiêu dùng không thiết yếu… sẽ khởi sắc

Ở một góc độ khác, theo báo cáo từ SSI Research, các doanh nghiệp niêm yết lớn vẫn cho thấy tâm lý lạc quan trong bối cảnh môi trường kinh doanh đầy biến động, bao gồm cả rủi ro từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ.

Cụ thể, kế hoạch tổng doanh thu năm 2025 của 104 doanh nghiệp lớn (chiếm khoảng 70% vốn hóa thị trường) dự kiến tăng 13,6% so thực hiện năm 2024. Về lợi nhuận, có tới 67% số doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng, với tổng lợi nhuận kế hoạch dự kiến tăng 13,3%.

Xét theo ngành nghề, các lĩnh vực được kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2025 gồm: Bất động sản, ngân hàng, hàng tiêu dùng không thiết yếu, công nghệ thông tin, tài nguyên cơ bản, xây dựng và vật liệu xây dựng, chủ yếu là các ngành phục vụ thị trường nội địa và được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Động lực chính đến từ nhóm bất động sản, với mức tăng lợi nhuận 139%, đóng góp tới 63% mức tăng trưởng chung, theo SSI, chủ yếu đến từ các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Vingroup như VIC, VHM, VEF và VRE, với mức tăng lợi nhuận gộp 157%, chiếm 87% mức tăng của toàn ngành.

Ngành ngân hàng tiếp tục là trụ cột lợi nhuận của thị trường, đóng góp khoảng 45% tổng lợi nhuận, dù tốc độ tăng trưởng đã chậm lại còn 14% so với quý IV/2024. Tăng trưởng tín dụng đạt mức 3,4% kể từ đầu năm, cho thấy sự phục hồi tích cực.

Nỗ lực từ Nhà nước, doanh nghiệp

Theo SSI, các yếu tố nền tảng tiếp tục hỗ trợ thị trường: Chính sách kinh tế linh hoạt từ Chính phủ, quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng và hệ thống KRX vận hành ổn định - mở đường cho việc nâng hạng thị trường chứng khoán.

Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn mong muốn, trong bối cảnh "nước sôi lửa bỏng" hiện nay, các chính sách từ Nhà nước cần thực chất hơn.

Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2025, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững trước những thách thức từ thị trường quốc tế và biến động kinh tế toàn cầu.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã công bố gói hỗ trợ doanh nghiệp trị giá 900.000 tỷ đồng, bao gồm các chính sách như: Tiếp tục giảm 2% thuế VAT cho nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ trong sáu tháng đầu năm và đang đề xuất kéo dài cho sáu tháng cuối năm; miễn 100% lệ phí trước bạ cho ô-tô điện chạy pin đến hết ngày 28/2/2027; tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn; duy trì giảm mức thu phí, lệ phí từ 10% đến 50% cho dịch vụ công trực tuyến đến hết năm 2025; đề xuất giảm 30% tiền thuê đất năm 2025 cho người sử dụng đất, không áp dụng cho tiền thuê đất nợ các năm trước và tiền chậm nộp…

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đặt mục tiêu cắt giảm tối thiểu 30% thủ tục hành chính cho doanh nghiệp trong năm 2025, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và đầu tư. Bộ này cũng đang xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm việc đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và hỗ trợ tiếp cận vốn, nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để "cởi trói" các quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế và thúc đẩy đầu tư.

Ngoài chính sách từ Nhà nước, các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp nên tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, như EVFTA, CPTPP, UKVFTA, để mở rộng xuất khẩu sang các thị trường như EU, Nhật Bản, Australia, ASEAN, Trung Đông và châu Phi. Việc này giúp giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ và tận dụng các ưu đãi thuế quan từ các FTA.

Bên cạnh đó, cần tái cấu trúc theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại và phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế mà còn tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực đàm phán với Mỹ nhằm giảm mức thuế đối ứng. Doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, cung cấp thông tin minh bạch về hoạt động xuất khẩu và tuân thủ các quy định quốc tế để hỗ trợ quá trình đàm phán. Doanh nghiệp cần bảo đảm minh bạch trong nguồn gốc nguyên liệu, tuân thủ các quy định về xuất xứ hàng hóa và tránh các hành vi gian lận thương mại. Việc này giúp xây dựng uy tín và giảm thiểu rủi ro bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ các đối tác.

Trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn, việc phát triển thị trường nội địa là một hướng đi chiến lược. Doanh nghiệp nên tập trung vào nghiên cứu nhu cầu tiêu dùng trong nước, cải tiến sản phẩm và mở rộng kênh phân phối để tăng doanh số bán hàng trong nước.