Băn khoăn địa bàn rộng, khó sát dân, gần dân
Sáng 14/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với việc sửa đổi các nội dung liên quan tổ chức đơn vị hành chính và mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) thống nhất cao với sửa đổi các quy định phân cấp, phân quyền, phân rõ nhiệm vụ, quyền hạn giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh với cấp xã.
Đại biểu cho rằng, việc chuyển đổi tổ chức đơn vị hành chính, hướng tới mô hình chính quyền 2 cấp sẽ góp phần tinh gọn bộ máy, giảm cấp trung gian, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng nền hành chính phục vụ người dân tốt hơn. Đây có thể xem là một “cuộc cách mạng” trong cải cách hành chính, và đại biểu tin tưởng vào sự thành công của bước cải cách này.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận phát biểu. (Ảnh: BÙI GIANG) |
Tuy nhiên, ông cũng chỉ rõ, sự thay đổi này là quá lớn, ảnh hưởng sâu rộng tới tất cả các mặt đời sống xã hội, từ kinh tế xã hội cho đến tâm tư nguyện vọng của người dân.
Đại biểu phân tích, việc sáp nhập đơn vị hành chính có thể khiến nhiều địa danh gắn liền với lịch sử, ký ức người dân mai một. Bộ máy cũ chấm dứt tồn tại, hàng loạt cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách buộc phải nghỉ việc, đối mặt với không ít khó khăn khi tái hòa nhập thị trường lao động. Một bộ phận chưa rõ nơi ăn chốn ở, việc làm ra sao.
“Người dân băn khoăn lo lắng vì địa bàn rộng, xa trung tâm hành chính của tỉnh, liệu có ảnh hưởng việc thực hiện quyền nghĩa vụ công dân? Cán bộ cấp xã có tăng nhưng vẫn ít hơn khi còn cấp huyện và với địa bàn rộng thì liệu có đủ sức sát dân, gần dân? Tương tự với lực lượng công an xã, liệu địa bàn rộng có bảo đảm quản lý tốt khi có tình huống xảy ra?”, đại biểu đặt câu hỏi.
Với một vài dẫn chứng kể trên, đại biểu đề nghị các ngành, các cấp cần sớm có câu trả lời, có giải pháp để đạt được mục tiêu sau khi sáp nhập đó là: Bộ máy hoạt động thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, không bị gián đoạn, không ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đến hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm quốc phòng an ninh, an toàn xã hội trên địa bàn.
![]() |
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: BÙI GIANG) |
Đại biểu Hận cũng thống nhất cao với sửa đổi các quy định phân cấp, phân quyền, phân rõ nhiệm vụ, quyền hạn giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh với cấp xã.
Theo đại biểu, sau khi sáp nhập tỉnh, có những xã cách trung tâm hành chính tỉnh hàng trăm km, với hạ tầng giao thông hạn chế ở nhiều xã vùng sâu vùng xa, vùng miền núi, sẽ tốn nhiều thời gian, kinh phí. Do vậy, việc phân cấp này sẽ hết sức cần thiết.
Bên cạnh việc phân cấp mạnh, giao quyền tự quyết cho cấp xã thì cũng cần có cơ chế phối hợp giữa các xã, phường giáp ranh một cách hiệu quả. Thí dụ trên cùng tuyến đường nhưng cùng thuộc quản lý của 2 phường, xã, thậm chí là nhiều hơn, việc đầu tư là của Ủy ban nhân dân tỉnh, nhưng những nội dung như cây xanh, vỉa hè thì cần có sự thống nhất, mà ở đó Ủy ban nhân dân tỉnh không cần tham gia, ông Hận nêu quan điểm.
Do đó, đại biểu kiến nghị, cần tăng cường công tác tuyên truyền, đặc biệt trên môi trường mạng, đồng thời phân quyền mạnh mẽ hơn nữa và ứng dụng công nghệ thông tin cho cấp xã để giải quyết công việc tại chỗ cho người dân.
Bên cạnh đó, tăng cường số lượng cán bộ công chức cấp xã phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn và theo phân loại đơn vị hành chính xã, phường, tận tụy với nhân dân; cùng với đẩy mạnh kinh tế tư nhân, quy hoạch, đầu tư mỗi tỉnh có ít nhất một khu công nghiệp tập trung để thu hút, giải quyết nhu cầu lao động tại chỗ cho công chức dôi dư sau sắp xếp tổ chức bộ máy và nhân dân ở địa phương; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông thông suốt từ xã đến tỉnh.
Bổ sung các điều kiện, nguồn lực bảo đảm thực hiện phân cấp
![]() |
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu. (Ảnh: BÙI GIANG) |
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cũng cho rằng, dự thảo luật đã thể hiện tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ và đề cao trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, đặc biệt là trách nhiệm của chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, nhất là cấp xã, cấp phường.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần tăng cường số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, cũng như tăng cường hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, nhất là cấp địa phương vì khối lượng công việc cũng như trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã là rất lớn.
“Hiện nay chỉ có 3 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã chuyên trách là chưa phù hợp, cần tăng lên 4-5 đại biểu”, ông Trịnh Xuân An kiến nghị.
Cũng thống nhất cao với nội dung phân cấp, phân quyền tại dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) phân tích, dự kiến sẽ có 90/99 nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện được chuyển giao cho cấp xã; 9 nhiệm vụ, quyền hạn còn lại của cấp huyện sẽ được giao cho cấp tỉnh.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh phát biểu. (Ảnh: BÙI GIANG) |
Do đó, nữ đại biểu cho rằng, cần cân nhắc bổ sung thêm điều kiện, nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm phân cấp Trung ương cho chính quyền địa phương và các cấp chính quyền địa phương; cũng như quy định rõ trách nhiệm giải trình của các cấp thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) đề nghị, tại khoản 9 Điều 15 (Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân tỉnh), Ban soạn thảo cần rà soát, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân tỉnh trong “Giám sát hoạt động của cơ quan thi hành án tỉnh và giám sát hoạt động của các cơ quan ngành dọc trên địa bàn tỉnh” nhằm hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước tại địa phương.
Tại khoản 15 Điều 16, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị bổ sung thêm phân cấp, ủy quyền cho các sở, ngành tại Ủy ban nhân dân tỉnh. Theo nữ đại biểu, nếu chỉ phân cấp xuống dưới thì chưa đủ, phải phân cấp cho chính sở, ngành tương tự như đơn vị chuyên môn của sở, ngành.
Thiết lập cơ chế điều hành sáng tạo, linh hoạt cho chính quyền địa phương
![]() |
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: BÙI GIANG) |
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, đây được coi là dấu mốc lịch sử của công tác lập pháp Việt Nam, vì lần đầu tiên sau gần 80 năm kể từ ngày thành lập nước, trên cơ sở chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội xem xét và sẽ quyết định thay đổi mô hình chính quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp.
Đây là một cuộc cải cách thể chế và hành chính toàn diện mang tính kiến tạo sâu sắc, tầm nhìn chiến lược và quyết tâm đổi mới của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương của đồng chí Tổng Bí thư, của Quốc hội, của Chính phủ để đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, Bộ trưởng khẳng định.
Cũng theo bà Trà, dự thảo đã xác lập một cách rất đầy đủ về nguyên tắc, phạm vi, chủ thể, nội dung, hình thức, điều kiện để phân cấp, phân quyền và ủy quyền, kèm theo cơ chế kiểm soát để bảo đảm việc phát huy vai trò chủ thể của chính quyền địa phương trong quyết định, trong tổ chức thực hiện và trong chịu trách nhiệm mọi công việc thuộc thẩm quyền được giao.
![[Video] Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp - tạo đà cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới](https://image.nhandan.vn/200x130/Uploaded/2025/exlpvekyzhlpeyyfr/2025_05_07/avatar-of-video-655673-7833-8768-4959-1857.png.webp)
[Video] Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp - tạo đà cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Nguyên tắc phân định thẩm quyền tiếp theo, Bộ trưởng Nội vụ nêu rõ, phải bảo đảm phù hợp với tinh thần Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương về quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công phù hợp giữa các cơ quan, tổ chức thực hiện về lập pháp, hành pháp và tư pháp, đặc biệt là giữa Trung ương với địa phương.
Bộ trưởng khẳng định, các nguyên tắc này đã được rà soát thận trọng, kỹ lưỡng và cũng đã dự liệu cả những vấn đề có thể phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện liên quan phân cấp, phân quyền để thiết lập một cơ chế điều hành sáng tạo, năng động, linh hoạt cho chính quyền địa phương.
“Ngay sau đây, Chính phủ sẽ ban hành 25 nghị định để triển khai kịp thời cho việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp khi dự thảo luật được bấm nút thông qua, và đồng thời cũng kịp thời triển khai phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho chính quyền địa phương”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết.
Những quyết sách lớn, hợp lòng dân
Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này cũng như thay đổi trong tổ chức đơn vị chính quyền địa phương là công việc rất quan trọng và hợp lòng dân. Tôi thấy rằng, thực hiện chủ trương này sẽ bớt được khâu trung gian, có như thế chính quyền mới thật sự gần dân, sát dân. Việc tinh giản bộ máy, thay đổi tổ chức đơn vị chính quyền địa phương cần có những tiêu chí rõ ràng, công khai, minh bạch; cần gắn với việc thay đổi thực chất của đội ngũ công chức cả về trình độ, năng lực và đạo đức, trách nhiệm.
Chủ trương này sẽ góp phần phát huy nguồn lực con người; đưa người tài, người có trách nhiệm vào những vị trí xứng đáng, đúng với năng lực. Người dân chúng tôi kỳ vọng sự đổi mới sẽ giúp đất nước chúng ta kiến tạo thành công hệ thống chính quyền liêm chính, vì nhân dân phục vụ.
Anh Trần Văn Bích, cử tri quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội
Góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước
Cử tri kỳ vọng Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận kỹ lưỡng để hoàn thiện dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) trong quá trình sắp xếp lại bộ máy hành chính địa phương. Qua đó, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về ngân sách, bảo đảm quy định của luật, tuân thủ Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với các luật, nghị quyết của Quốc hội; bảo đảm tính khả thi, không vướng mắc khi áp dụng, phù hợp với các thông lệ quốc tế.
Chúng tôi cho rằng đây là đạo luật lớn, quan trọng, do đó cần có nguyên tắc ổn định nhất định. Khi sửa đổi luật phải tháo gỡ các điểm nghẽn hiện nay và tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, nhất là lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Cử tri mong khi được thông qua, luật này góp phần tăng cường tính chủ động cho ngân sách địa phương gắn với phân cấp nhiệm vụ và trách nhiệm của các cấp chính quyền; tăng cường kỷ luật tài chính, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.
Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân, Chuyên gia kinh tế cao cấp
Sắp xếp cán bộ đúng người, đúng việc phục vụ nhân dân
Tôi cho rằng, việc đầu tiên và rất quan trọng trong vận hành mô hình chính quyền hai cấp là tái sắp xếp đội ngũ cán bộ. Chúng ta cần rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức tinh gọn, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Rõ ràng, khi triển khai cải cách mô hình sẽ dẫn đến thay đổi về chức năng, nhiệm vụ của từng cấp.
Với cấp xã (cấp cơ sở), cấp thực thi các chủ trương, chính sách; cấp chính quyền gần dân, sát dân nên cần bố trí “đúng người, đúng việc”; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực thực tiễn và tinh thần phục vụ nhân dân. Cần trao thẩm quyền tự chủ mạnh hơn cho cấp xã, hình thành các đơn vị hành chính có quy mô tối ưu, tập trung và hiệu quả hơn trong cung cấp dịch vụ công để phục vụ nhân dân một cách tốt nhất.
Một yếu tố then chốt nữa là cơ cấu quản trị địa phương phải bảo đảm sự phân công rõ ràng, tỉnh quản lý chiến lược, xã bám dân là nền tảng gia tăng sức mạnh cho hệ thống Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ.
Ông Lê Văn Tâm, Cử tri phường 9, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
Lan tỏa thông điệp Việt Nam vì hòa bình thế giới
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Đây là sự kiện pháp lý có ý nghĩa quan trọng, thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược và tinh thần trách nhiệm quốc tế của Đảng, Nhà nước ta trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Tôi đồng tình với chủ trương mở rộng lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình, trong đó có cả lực lượng dân sự và phụ nữ. Đây là bước đi phù hợp thông lệ quốc tế, đồng thời khẳng định cách tiếp cận nhân văn, toàn diện của Việt Nam. Qua đó, hình ảnh một đất nước chủ động, tích cực và có trách nhiệm ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế.
Đại tá Võ Tấn Dũng, nguyên Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cần Thơ-nay là Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Cần Thơ