Những bước đột phá của y tế Lào Cai

NDO - Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới, công tác truyên truyền nâng cao nhận thức, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh và nâng cao chất lượng dân số còn gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, với nỗ lực lớn trong giai đoạn 2020-2025, ngành y tế Lào Cai đã có nhiều bước đột phá, chuyển biến lớn; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân từng bước được nâng cao.
0:00 / 0:00
0:00
Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Lào Cai được đầu tư hiện đại.
Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Lào Cai được đầu tư hiện đại.

Cơ sở hạ tầng y tế được chăm lo

Đồng chí Hoàng Quốc Hương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế Lào Cai cho rằng, một trong những thành tựu nổi bật là mặc dù ở tại một địa bàn miền núi khó khăn như vậy nhưng vấn đề tổ chức bộ máy, khâu then chốt luôn duy trì ổn định và phát triển. Ngành Y tế Lào Cai vừa tiếp tục sắp xếp các phòng chức năng sở Y tế, các chi cục theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu quả; tiếp nhận một số chức năng nhiệm vụ công tác bảo trợ, trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội sau khi giải thể Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.

Phát triển các bệnh viện tuyến tỉnh theo hướng chuyên sâu, chuyển các trung tâm y tế huyện, trạm y tế về Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý... Đội ngũ cán bộ liên tục được tăng cường và đào tạo nâng cao.Tổng số cán bộ y tế toàn tỉnh đến nay có 5.443 người, có 1.157 bác sĩ, đạt 14,5 bác sĩ/vạn dân; 320 dược sĩ đại học, đạt 3,9 dược sĩ/vạn dân. Tổng số nhân viên y tế thôn, bản là 1.092/1.215 (đạt 90,37%), cô đỡ thôn bản là 144…Triển khai mạnh phân cấp, phân quyền công tác cán bộ cho y tế cơ sở để tăng tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ.

 Những bước đột phá của y tế Lào Cai ảnh 1

Đồng bào dân tộc đi khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa huyện Mường Khương (Lào Cai).

Đặc biệt, cơ sở vật chất dành cho ngành y tế Lào Cai tiếp tục được quan tâm đầu tư, giai đoạn 2020-2025, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đầu tư nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh giai đoạn II với quy mô nhà 9 tầng, diện tích sàn lên tới 29.630m2. Đồng thời xây mới 7 Bệnh viện đa khoa tại các huyện Mường Khương, Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn, Si Ma Cai. Xây mới 5 trung tâm y tế các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Yên, Văn Bàn, Bảo Thắng, qui mô khối nhà 3 tầng, diện tích sàn từ 1.700 đến 1.800m2…Tổng kinh phí đầu tư cơ sở giai đoạn 2020-2025 là hơn 2.100 tỷ đồng.

Đồng thời, trang thiết bị y tế tiếp tục được đầu tư và hiện đại, các nguồn kinh phí tỉnh đã cấp để mua sắm trong giai đoạn 2020-2025 là hơn 1.400 tỷ đồng. Các bệnh viện cơ bản có các trang thiết bị triển khai thực hiện nhiệm vụ theo phân tuyến. Một số thiết bị hiện đại đã được lắp đặt như hệ thống chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp, tim phổi nhân tạo, ô-xi cao áp...chụp mạch số hóa (DSA), hệ thống thiết bị cho thụ tinh nhân tạo (IVF), hệ thống xạ trị…. Có 7/9 bệnh viện tuyến huyện có hệ thống chụp cắt lớp16 dãy 32 lát cắt; Bảy bệnh viện đã chạy thận nhân tạo và nhiều thiết bị khác như máy chụp X-quang, siêu âm, nội soi, máy xét nghiệm, hệ thống phẫu thuật....Các trạm y tế tuyến xã cơ bản đủ danh mục theo Thông tư số 28/2020/TT-BYT ngày 31/21/2020 của Bộ Y tế.

Chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao

Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai là bệnh viện chuyên sâu hạng 1, là bệnh viện thực hiện chức năng “vùng” khu vực Trung du miền núi phía Bắc (Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 27/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ). Thực hiện hiệu quả các chương trình hợp tác y tế với 12 bệnh viện tuyến Trung ương, trong đó có 4 bệnh viện do Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp ký chương trình hợp tác (Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện TW quân đội 108, Bệnh viện Phổi Hà nội), qua đó tăng cường chuyển giao kỹ thuật, khám chữa bệnh từ xa, đặc biệt là luân phiên, cử chuyên gia, bác sĩ có trình độ cao về khám chữa bệnh cho nhân dân.

 Những bước đột phá của y tế Lào Cai ảnh 2

Hệ thống chụp CT Scanner đa dãy hiện đại tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai.

Bác sĩ Phạm Văn Thinh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai cho biết: Trong những năm qua, các chỉ số chuyên môn đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, phản ánh hiệu quả hoạt động và chất lượng khám chữa bệnh ngày càng nâng cao. Cụ thể: Những năm sau kết quả thực hiện kế hoạch đều đạt vượt so với năm trước liền kề như: Năm 2024 tổng số lượt khám bệnh đạt 161.807 lượt, tăng 6,8% so với năm 2023 và vượt 106,8% kế hoạch năm. Số lượt bệnh nhân điều trị nội trú đạt 36.530 lượt, tăng 5,2%. Công suất sử dụng giường bệnh đạt 90,5%, tăng 5,14%, Các dịch vụ kỹ thuật được thực hiện nhiều với 344.541 ca thủ thuật, tăng 12,4%. MRI tăng 32%, CT Scanner tăng 9,4%.

Hiện bệnh viện đã được phê duyệt 12.939 dịch vụ kỹ thuật, đạt 82% tổng số kỹ thuật theo phân tuyến của Bộ Y tế, trong đó có 4.121 kỹ thuật loại I và đặc biệt. Bệnh viện đã và đang làm chủ nhiều kỹ thuật chuyên sâu, hiện đại như: Phẫu thuật ung thư tiêu hóa (nội soi cắt dạ dày, cắt gan, cắt phổi,…)…

Đặc biệt, kỹ thuật ghép thận đang được triển khai và từng bước làm chủ, đánh dấu bước tiến quan trọng trong điều trị chuyên sâu tại tuyến tỉnh. Cuối năm 2024, dưới sự hỗ trợ của tuyến Trung ương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai đã thực hiện thành công ca ghép tạng đầu tiên cho người bệnh suy thận giai đoạn cuối, mở ra những bước tiến mới, tạo tiền đề phát triển nền y tế chất lượng cao tại tỉnh. Ngày 14/5/2025, Bộ Y tế đã công nhận Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai đủ điều kiện để thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận từ người hiến sống và từ người hiến chết não.

Một đơn vị khác là Bệnh viện Y học cổ truyền Lào Cai cũng có những bước tiến lớn trong chất lượng khám chữa bệnh trên địa bàn. Theo bác sĩ CK1 Mai Xuân Trung, Giám đốc đơn vị, thời gian qua Lào Cai đã quan tâm, chú trọng đầu tư nâng cấp Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, đầu tư trang thiết bị, đồng thời tăng cường số giường bệnh cho khoa y học cổ truyền tại bệnh viện đa khoa tỉnh, huyện. Ngoài đầu tư thiết bị hiện đại, các cơ sở y tế cũng tạo điều kiện thuận lợi để các y, bác sĩ học tập nâng cao chuyên môn, ứng dụng kiến thức đông y và tây y một cách nhuần nhuyễn trong công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Cùng với đó, Bệnh viện Y học cổ truyền Lào Cai đủ điều kiện chế biến, bào chế thuốc cổ truyền dạng bào chế truyền thống như: cao thuốc, hoàn cứng, hoàn mềm, bột thuốc, trà thuốc, cồn thuốc, rượu thuốc… theo quy định hiện hành của Bộ Y tế. Những nỗ lực này nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, cũng như kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại để nâng cao hiệu quả điều trị cho nhân dân. Nhiều bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, cao huyết áp, đau thần kinh tọa, các bệnh lý cơ xương khớp (thoái hóa khớp, đau khớp, thoát vị đĩa đệm)... khi đến đây điều trị đã đem lại hiệu quả tích cực.

Bác sĩ Vũ Thị Nguyệt - Giám đốc Bệnh viện Nội tiết tỉnh Lào Cai cho biết, là bệnh viện chuyên khoa hạng II tuyến tỉnh, có quy mô 130 giường bệnh. Hằng tháng, bệnh viện tiếp nhận khoảng 5.000 bệnh nhân đến khám bệnh và 300 bệnh nhân điều trị nội trú mắc các bệnh lý nội tiết, hô hấp, tim mạch hoặc cơ xương khớp…

Theo đó, giai đoạn từ 2020-2025, Bệnh viện Nội tiết tỉnh Lào Cai đã có những bước tiến lớn trong lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh, góp phần làm tỉ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến của bệnh viện giảm đáng kể, tiết kiệm chi phí điều trị cho người bệnh và góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trung ương...

 Những bước đột phá của y tế Lào Cai ảnh 3

Người dân khám bệnh tại Bệnh viện Nội tiết Lào Cai.

Phấn đầu trở thành “trung tâm y tế vùng”

Đồng chí Hoàng Quốc Hương, Giám đốc Sở Y tế Lào Cai cho biết: Lãnh đạo tỉnh Lào Cai luôn quan tâm, chỉ đạo, đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; các sở, ban, ngành tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp đã phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trên mọi lĩnh vực hoạt động. Hệ thống y tế hoạt động ổn định, hiệu quả, đội ngũ cán bộ tiếp tục được đào tạo nâng cao; tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ y tế ngày càng tốt hơn, khắc phục khó khăn, thực hiện nhiệm vụ được giao. Nhiều chương trình, chính sách lớn của Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội đã được triển khai; Hội đồng Nhân dân tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ công tác y tế-dân số, chính sách thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2025.

Cùng với đó, Bộ Y tế, các Vụ, Cục, Bệnh viện tuyến Trung ương cũng rất quan tâm, hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tỉnh Lào Cai thông qua các chương trình hợp tác, hỗ trợ y tế; hỗ trợ trang thiết bị từ các nguồn dự án.

Tuy nhiên, ngành y tế Lào Cai vẫn còn gặp nhiều khó khăn: Cơ sở vật chất mặc dù đã được quan tâm lớn, nhưng vẫn còn một số cơ sở qui mô nhỏ, hoạt động khó khăn; Một số trạm y tế, phòng khám được xây đã lâu (2007-2008) đã xuống cấp, cần xây mới, nâng cấp. Các thiết bị y tế còn thiếu so định mức, một số thiết bị lớn tuyến tỉnh (máy Spect, máy chụp cắt lớp vi tính, máy chụp cộng hưởng từ...) được mua sắm từ lâu, hoạt động không ổn định, cần sửa chữa lớn.

Đội ngũ cán bộ còn thiếu, y tế cơ sở còn thiếu cán bộ chuyên sâu, tuyến xã thiếu bác sĩ. Giá dịch vụ tại các bệnh viện chưa được tính đúng, tính đủ; nguồn thu các bệnh viện thấp, ảnh hưởng đến hoạt động tài chính và tự chủ các bệnh viện…

Để ngành y tế Lào Cai phát triển nhanh, mạnh và bền vững xứng đáng là “trung tâm y tế vùng” cần triển khai một loạt nhóm giải pháp chính sau: Đẩy mạnh việc quán triệt, nâng cao nhận thức của công chức, viên chức chủ trương của Đảng, Chính phủ về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh việc sắp xếp tổ chức, điều chuyển cán bộ về trung tâm hành chính mới của tỉnh; phối hợp sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ y tế tuyến xã.

 Những bước đột phá của y tế Lào Cai ảnh 4

Khu vực đón tiếp bệnh nhân thông thoáng hiện đại tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai.

Tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo tỉnh Lào Cai về sắp xếp cơ sở vật chất theo hướng: Bố trí sử dụng hiệu quả các cơ sở tuyến tỉnh, huyện, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí; tiếp tục tham mưu các dự án trọng điểm, cơ sở vật chất tuyến xã; tiếp tục chỉ đạo việc rà soát thiết bị, phương tiện, đề nghị cấp kinh phí mua sắm, bổ sung.

Tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế; đào tạo chuyên sâu, đào tạo sau đại học, đào tạo bác sĩ, ưu tiên đào tạo theo hình thức cầm tay chỉ việc; đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn kết hợp đào tạo về lý luận chính trị, quản lý Nhà nước về y tế.

Tăng cường công tác dự phòng; quản lý chặt chẽ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phát hiện, xử lý kịp thời dịch bệnh, không để diễn biến nặng; Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng cường hợp tác y tế với các bệnh viện tuyến trên; phát triển dịch vụ tuyến cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu.