Quản lý, khai thác hiệu quả cầu Vĩnh Tuy

Thành phố Hà Nội vừa khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, tăng đáng kể năng lực giao thông kết nối giữa hai quận Long Biên-Hoàng Mai, giúp giao thông từ các tỉnh phía bắc và đông bắc vào nội đô trở nên thuận lợi hơn.
0:00 / 0:00
0:00

Tuy nhiên, kể từ ngày cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 thông xe, đưa vào sử dụng, thì tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao Cổ Linh (trên địa bàn quận Long Biên) và đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy càng trầm trọng hơn. Ðây là một nút giao thông lớn, đã được thành phố đầu tư xây dựng cầu vượt trên tuyến đường Cổ Linh. Lâu nay, tình trạng ùn tắc tại khu vực nút giao thông này vẫn thường xảy ra, do đường Cổ Linh là tuyến kết nối với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Cầu Vĩnh Tuy 2 hoàn thành, số phương tiện đi qua nút giao này càng lớn, xung đột giao thông khiến tình trạng ùn tắc xảy ra phức tạp hơn trước. Nhiều người chưa kịp mừng vì có cầu mới, đã phải lo vì tình trạng ùn tắc.

Ðể giải quyết tình trạng này, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa giao các đơn vị có liên quan lên phương án xây hầm chui tại nút giao Cổ Linh - đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy. Dự kiến, tổng mức đầu tư xây dựng hầm chui này khoảng từ 500-700 tỷ đồng, thời gian thực hiện giai đoạn 2023-2024. Hầm được xây dựng với kết cấu bê-tông cốt thép theo hướng Vĩnh Tuy-Long Biên và ngược lại. Phần xây lắp gồm hầm kín, hầm hở, tường chắn hai bên, đường dẫn và gờ chắn ở hai đầu xuống hầm. Chiều dài hầm khoảng 500 m, chiều rộng mặt cắt ngang mỗi chiều hầm khoảng 7,75 m (tương đương hai làn xe cơ giới mỗi chiều đường). Sau khi hầm thông xe, nút giao Cổ Linh-đường dẫn cầu Vĩnh Tuy sẽ là nút giao hiện đại, có ba tầng đường, gồm cầu vượt, đường ở nút giao hiện hữu và hầm chui.

Nút giao đường Cổ Linh-đường lên cầu Vĩnh Tuy được kỳ vọng sẽ giúp giao thông khu vực này trở nên thuận tiện hơn. Song, việc chuẩn bị triển khai xây dựng hầm chui này cũng để lại bài học kinh nghiệm. Vấn đề ùn tắc ở nút giao đã tồn tại từ khá lâu. Hầu như ai cũng nhận thấy, khi cầu Vĩnh Tuy 2 được khánh thành, tình trạng ùn tắc còn có thể phức tạp hơn. Ðáng ra, ngay từ khi triển khai xây dựng cầu Vĩnh Tuy 2, các cơ quan chức năng cần tính luôn phương án hạ tầng giao thông kết nối với cây cầu. Như vậy, việc quản lý, khai thác cầu Vĩnh Tuy khi đó mới thật sự hiệu quả. Còn hiện giờ, người dân vẫn phải chờ đợi hàng năm nữa và hy vọng việc xây dựng hầm chui diễn ra đúng tiến độ. Ðây cũng là bài học về tầm nhìn trong quy hoạch, xây dựng hạ tầng nói chung, chứ không riêng cầu Vĩnh Tuy.