Ban đầu, dịch bệnh chỉ gây ảnh hưởng nhỏ trên một số cây nên người dân không để ý. Tuy nhiên, sau một thời gian, dịch bệnh đã lây lan trên diện rộng, số diện tích cây cao su bị nhiễm bệnh ngày càng tăng lên.
Nhiều hộ gia đình ở thôn Trại Cá, xã Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh) có diện tích cây cao su bị nhiễm bệnh như hộ ông Nguyễn văn Luật có 7ha, hộ ông Lê Văn Thìn 5ha…
Cây cao su bị nhiễm bệnh tập trung ở các diện tích cây có độ tuổi từ ba đến năm năm, chuẩn bị bước vào thời kỳ khai thác.
Trước tình hình cây cao su bị bệnh và chết, huyện Vĩnh Linh đã tổ chức kiểm tra và chỉ đạo các địa phương kịp thời xử lý đối với những diện tích cây bị nhiễm bệnh nặng, hạn chế lây lan trên diện rộng. Các hộ gia đình tiến hành các bước xử lý mầm bệnh theo hướng dẫn của Trạm bảo vệ thực vật như cạo bỏ lớp vỏ khô bị bệnh, sử dụng các loại thuốc Ridomin, Agrifos 400 để bôi vào vết cạo, quét vôi lên thân cây đề phòng sự xâm nhập của mầm bệnh...
Tình trạng cây cao su bị nhiễm bệnh hàng loạt ở huyện Vĩnh Linh đã làm cho các hộ gia đình hết sức lo lắng, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan chức năng để người trồng cao su yên tâm sản xuất.