Quyết liệt chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng

Tình trạng hàng giả thương hiệu, hàng nhái kém chất lượng không chỉ gây bức xúc cho người tiêu dùng, mà còn tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp chân chính, ảnh hưởng tới uy tín của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa trên địa bàn Hà Nội.
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa trên địa bàn Hà Nội.

Tổng Công ty May 10- CTCP là một trong những thương hiệu thời trang trong nước có tiếng từ lâu. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Hoàng Thế Nhu cho biết, thời gian gần đây, doanh nghiệp đã phát hiện và ghi nhận rất nhiều trường hợp các tổ chức, cá nhân lợi dụng, giả mạo thương hiệu Tổng công ty May 10 với nhiều mục đích khác nhau.

Các đối tượng này lập công ty, cửa hàng có tên gần giống như “May Mười”, “May 10 Hà Nội”, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, để từ đó chào hàng các đơn đồng phục, may mặc giá rẻ, hàng xả kho, hàng xuất dư… kém chất lượng, khiến người tiêu dùng lầm tưởng là đang làm việc với thương hiệu thời trang May 10.

Tình trạng này gia tăng đáng kể từ đầu năm 2022 đến nay. Tương tự, PGS, TS Nguyễn Thị Chính, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, đồng thời là Giám đốc Công ty TNHH Nấm Linh Chi cho biết, vấn đề thực phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm, thuốc, một số sản phẩm nấm dược liệu bị làm giả, làm nhái đang là một thách thức lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng và uy tín của cả một ngành công nghiệp cũng như những doanh nghiệp có nghiên cứu khoa học chân chính.

Ông Dương Mạnh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, trong sáu tháng đầu năm, Chi cục đã kiểm tra, xử lý 2.068 vụ việc về buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; chuyển cơ quan điều tra 37 vụ việc. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước sáu tháng đầu năm 2025 là 53,3 tỷ đồng; trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là 41,2 tỷ đồng. Ông Lại Hoàng Dương, Giám đốc Công ty CP Truyền thông Máy tính Thánh Gióng cho rằng, nguyên nhân lớn nhất khiến hàng giả, hàng nhái vẫn tồn tại và len lỏi trên môi trường số hiện nay xuất phát từ hai yếu tố, đó là nhu cầu thị trường và lỗ hổng nhận thức của người tiêu dùng.

Một bộ phận người tiêu dùng vẫn bị hấp dẫn bởi giá rẻ, thiếu thông tin để phân biệt sản phẩm chính hãng, đồng thời, công tác quản lý trên nền tảng số còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp tốc độ phát triển của thương mại điện tử. Để bảo vệ thương hiệu Việt trên thị trường, ông Lại Hoàng Dương chia sẻ: “Trong nhiều năm đồng hành cùng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, doanh nghiệp đã triển khai mô hình Truyền thông-Trải nghiệm-Tin tưởng. Cụ thể, đơn vị đẩy mạnh các chiến dịch quảng bá hình ảnh, giá trị hàng Việt; phối hợp tham gia các hội chợ, gian hàng trực tuyến, nơi người tiêu dùng được trực tiếp so sánh, kiểm tra chất lượng hàng Việt; Xây dựng chuyên trang điện tử xác thực thông tin, giúp người tiêu dùng yên tâm lựa chọn”.

Đại diện Tổng công ty May 10-CTCP kiến nghị, để có một thị trường lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý, giám sát các hoạt động kinh doanh trên không gian mạng, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok và Zalo. PGS, TS Nguyễn Thị Chính nhìn nhận, khi mua phải hàng giả, người tiêu dùng sẽ mất lòng tin vào các sản phẩm nói chung.

Do đó, cần xây dựng và bắt buộc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm để người tiêu dùng có thể dễ dàng kiểm tra thông tin về nguồn gốc, quy trình sản xuất của sản phẩm. Công bố công khai các sản phẩm đạt chuẩn chất lượng, các cơ sở sản xuất uy tín trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng có cơ sở lựa chọn.

Có thể bạn quan tâm

back to top