Ngày 18/5, Trường Đại học Ngoại ngữ-Đại học Quốc gia Hà Nội chính thức ra mắt chương trình đào tạo cử nhân Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ, thuộc ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam.
Đây là chương trình đầu tiên tại Việt Nam chuyên biệt về phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, kết hợp đào tạo ngôn ngữ, văn hóa và kỹ năng thực hành, hướng đến nhu cầu ngày càng lớn về tiếng Việt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Phát biểu tại lễ ra mắt, TS Đỗ Tuấn Minh, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Ngoại ngữ, nhấn mạnh, bề dày 70 năm đào tạo và nghiên cứu về giáo dục ngoại ngữ, cùng mạng lưới hợp tác quốc tế sâu rộng, đã tạo cơ sở vững chắc để nhà trường tiên phong trong lĩnh vực này.
Chương trình mới là một phần trong chiến lược dài hạn nhằm đưa tiếng Việt trở thành một ngoại ngữ được giảng dạy và học tập bài bản trên toàn cầu, đồng thời quảng bá văn hóa Việt Nam một cách chuyên nghiệp, hiệu quả.
Theo TS Nguyễn Thúy Lan, Phó Trưởng phòng Đào tạo và Người học, chương trình ra đời trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập, thu hút sinh viên quốc tế và lan tỏa tiếng Việt ra thế giới, đồng thời đáp ứng nhu cầu thực tế từ chuyên gia nước ngoài, kiều bào và doanh nghiệp quốc tế.
![]() |
Các đại biểu tham dự lễ ra mắt. |
Chương trình không chỉ đào tạo kiến thức ngôn ngữ và phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, mà còn lồng ghép các học phần khám phá văn hóa như “Lịch sử Việt Nam qua ảnh”, “Khám phá Việt Nam”, “Cơ sở văn hóa Việt Nam”, cùng các buổi thực địa giúp sinh viên học tập thông qua trải nghiệm thực tế.
Một điểm nổi bật khác là chương trình yêu cầu sinh viên quốc tế đạt trình độ tiếng Việt bậc 5, trong khi sinh viên Việt Nam phải đạt bậc 4 một trong 4 ngoại ngữ Anh, Nhật, Hàn, Trung, nhằm bảo đảm năng lực giao tiếp, so sánh liên văn hóa và giảng dạy trong môi trường quốc tế.
Theo TS Trần Hữu Trí, Trưởng khoa Ngôn ngữ-Văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á, mục tiêu của chương trình là đào tạo những giáo viên có năng lực chuyên môn cao, hiểu sâu về văn hóa-con người Việt Nam, có thể kết nối Việt Nam với thế giới thông qua ngôn ngữ.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận các vai trò đa dạng như giáo viên tiếng Việt trong nước và quốc tế, chuyên viên đào tạo, biên-phiên dịch viên, biên tập viên, cán bộ văn phòng trong môi trường đa ngôn ngữ...

Thúc đẩy phong trào dạy và học tiếng Việt
Phát biểu tại sự kiện, ông Joohee Park, Tổng Giám đốc Công ty Hyundai E&C Vietnam, nhận định: Nguồn nhân lực am hiểu tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, đồng thời sử dụng tốt các ngoại ngữ khác, là một lợi thế lớn trong bối cảnh làm việc toàn cầu hiện nay.
Ông bày tỏ tin tưởng sinh viên tốt nghiệp chương trình này sẽ rất được các doanh nghiệp quốc tế, tổ chức phi chính phủ và cơ quan ngoại giao quan tâm.
Bên cạnh chương trình đào tạo chính thức, lễ ra mắt cũng giới thiệu Câu lạc bộ ULIS Vietnamese, nơi sinh viên trong và ngoài nước giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm học-dạy tiếng Việt.
Cựu sinh viên quốc tế từng học tại Trường cũng trao học bổng cho các bạn tân sinh viên, tiếp thêm động lực cho hành trình theo đuổi ngành học mới.