Giờ thứ 9+ nhằm giới thiệu hình ảnh người công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa, năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường, nhiều ước mơ, khát vọng, làm việc giỏi, có lối sống đẹp.
Sân khấu hóa đời sống công nhân, lao động
Mong muốn thiết kế một sân chơi dành cho công nhân, lao động được ấp ủ từ đầu năm 2020, tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các khu công nghiệp và chế xuất cũng là nơi chịu tác động đầu tiên, nên việc tập trung đông người rất khó khăn. Do đó, ngay khi cuộc sống trở lại bình thường mới, Ban tổ chức quyết định khởi động chương trình. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Chương trình là diễn đàn để công nhân, lao động nói lên tâm tư, nguyện vọng việc làm, đời sống; thể hiện tài năng cá nhân, kỹ năng nghề nghiệp, hiểu biết pháp luật và trách nhiệm công dân với xã hội.
Chương trình nhằm khẳng định sự chăm lo toàn diện của tổ chức Công đoàn đối với công nhân, lao động, giúp công nhân nâng cao đời sống tinh thần sau giờ làm việc vất vả.
Giờ thứ 9+ không chỉ là nơi công nhân, lao động ca hát, cười vui, mà còn “lột tả” được những giá trị lao động cốt lõi trong cuộc sống của họ, từ đời sống vật chất đến tinh thần chân thực, đậm chất công nhân. Chương trình được chia làm ba phần. Phần “Vào ca” là phần thi tay nghề, được lựa chọn từ quy trình sản xuất thực tế của các ngành, nghề. Đây là giây phút thi đấu gay cấn, thử thách “bàn tay vàng” của những công nhân giỏi; tái hiện những công việc hằng ngày bằng chính các máy móc, công cụ quen thuộc tại nhà máy.
Phần “Giải lao” là lúc các đội chơi thể hiện tài năng cá nhân, sự sáng tạo, trí tuệ EQ. Đó là những câu chuyện từ thực tế lao động, sinh hoạt của công nhân được chia sẻ, với nhiều hình thức thể hiện độc đáo, sáng tạo, tràn đầy cảm xúc. Những trò chơi tay nghề dành cho khán giả, nghệ sĩ khách mời được sân khấu hóa sôi nổi, bất ngờ. Phần “Tan ca”, thêm một lần nữa, công nhân, lao động được tiếp cận thêm các thông tin hữu ích cho cuộc sống, lao động sản xuất. Đó có thể là những câu hỏi về chế độ, quyền lợi, chính sách cho người lao động được xây dựng từ câu chuyện thực tế mà công nhân đang trải qua nên dễ tiếp cận, dễ nhớ, dễ hiểu. Một sự thú vị mà người chơi và đông đảo công nhân, lao động rất hào hứng tham gia chơi và cổ vũ đồng đội đó là sự xuất hiện của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Vũ Mạnh Tiêm, cố vấn chương trình cho hay: Tìm ra công đoạn sản xuất để có thể sân khấu hóa phần thi tay nghề là khó khăn nhất. Nhiều ngành, nghề đặc thù rất khó để sân khấu hóa như: Điện lực, hàn, lắp đặt giàn khoan-dầu khí, Ban tổ chức đã dày công phối hợp các đơn vị nghiên cứu cách thức thực hiện linh hoạt. Có đơn vị ghi hình tại thực địa, dùng các máy quay trên cao (flycam) như thi tay nghề thay quả sứ trên cột điện, hàn mối hàn đúng kỹ thuật tại xưởng; làm mô hình thu nhỏ để thi lắp đặt giàn khoan, mô hình bảng điện cuốn dây điện... Bước ra khỏi sân chơi, đội chơi từ miền nam như Liên đoàn Lao động tỉnh
Đồng Nai đã kết hợp tổ chức nhiều chương trình thực tế ý nghĩa cho người lao động như: Lễ báo công tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều công nhân lần đầu được đến Hà Nội, được tham gia ghi hình, được nói về chính đời sống, việc làm, tâm tư tình cảm của mình đã rất xúc động, mong muốn chương trình được tiếp tục thực hiện.
Sân chơi không chỉ thu hút đông đảo công nhân, lao động, cán bộ công đoàn, mà còn nhận được nhiều sự động viên, cổ vũ từ cấp ủy, chuyên môn, doanh nghiệp. Đầu tháng 6 vừa qua, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Xuân Nam và Phó Chủ tịch Công đoàn Điện lực
Việt Nam Nguyễn Kim Thanh đã tới Trường cao đẳng Điện lực miền bắc, nơi ghi hình phần thi “Tay nghề” động viên, cổ vũ ba đội thi đến từ Công ty Điện lực miền bắc, Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội, đội thợ cả của Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh. Phát biểu tại buổi đến thăm, đồng chí Nguyễn Xuân Nam khích lệ: “Các thí sinh dự thi chương trình là những gương mặt đại diện cho Tập đoàn. Đây không chỉ là một cuộc chơi đơn thuần, mà còn là cơ hội đưa hình ảnh của EVN đến với người dân một cách gần gũi và chân thực nhất. Từ đó, xã hội sẽ cảm nhận và chia sẻ sâu sắc hơn về vai trò của EVN”.
Những gương mặt xuất sắc
Những đội chơi tuy đến từ các ngành, nghề khác nhau nhưng đều có điểm chung là quy tụ những gương mặt công nhân xuất sắc của ngành. Đào Minh Tuyến, công nhân Xí nghiệp Dịch vụ Điện lực Thái Bình, Công ty Dịch vụ Điện lực miền bắc, thành viên đội chơi Nguồn sáng là một minh chứng sống động. Trong một trận mưa đá từng xảy ra tại Mường Khương, Lào Cai khi ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh, con người nhỏ bé trước thiên tai hung dữ, nhưng Tuyến và đồng nghiệp vẫn lao mình vào đêm trong cuộc chiến với thiên tai, giữ vững nguồn điện sáng. Lên sân khấu, ngoài những phút giây thi đấu căng thẳng, những câu chuyện đời thường vốn nhọc nhằn, vất vả của người thợ điện vùng sâu, vùng xa được Tuyến chia sẻ, khiến ai cũng xúc động.
Tuyến nói: Phần thi “Tan ca” có lẽ khó khăn nhất, vì không có chủ đề cụ thể, không có giới hạn kiến thức, cũng chẳng có câu hỏi. Đòi hỏi người chơi phải hiểu biết khối lượng rất nhiều kiến thức các bộ luật như: Bộ luật Lao động, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Quy trình An toàn, Quy trình Kinh doanh, Sổ tay nghiệp vụ Công đoàn. Dù thời gian ôn luyện không dài nhưng được sự giúp đỡ tận tình của các cán bộ công đoàn, cùng chuyên môn sát sao động viên, chúng tôi đã tự tin bước lên sân khấu với tâm thế: “Trái tim người thợ điện còn đập thì dòng điện không bao giờ tắt”.
Tại gương lò thuộc Công ty Than Mạo Khê (Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam) diễn ra phần thi “Vào ca” của hai đội Than Mạo Khê và Than Thống Nhất. Cũng vẫn là tay khoan, tay cuốc, bốn công nhân độ tuổi còn trẻ nhưng tay nghề giỏi của hai đội bước vào cuộc tranh tài. Thợ lò Đỗ Ngọc Túy (Công ty Than Mạo Khê) cho biết: Em cảm thấy vinh dự và tự hào khi được tham gia cuộc chơi. Cũng là công việc hằng ngày nhưng hôm nay cảm xúc thật đặc biệt. Hai đội thi vừa có cơ hội thể hiện tay nghề tốt nhất, vừa thể hiện được sự tự hào, tri ân lớp người đi trước. Phần thi tại gương lò có một thợ lò “đặc biệt”.
Đó là Anh hùng Lao động ngành than thời kỳ đổi mới Nguyễn Trọng Thái, Tổ trưởng sản xuất Công trường Kiến thiết cơ bản 1, Công ty cổ phần Than Hà Lầm, được Ban tổ chức mời làm giám khảo. Phần thi kết thúc, lên cửa giếng chính, anh Thái nở nụ cười rạng rỡ nói: Làm thợ lò dễ hơn làm giám khảo rất nhiều. Gần 30 năm nay, chỉ quen với công việc trong hầm lò, lần đầu được làm nhiệm vụ mới thấy thật khó, thật hồi hộp, tự hào. Còn MC Hoàng Linh chia sẻ: Tôi từng dẫn nhiều chương trình ở mọi “mặt trận” nhưng đứng dẫn trong hầm lò thế này là lần đầu tiên trong suốt 19 năm sự nghiệp. Tôi mong sẽ chuyển tải được đầy đủ và rõ ràng nhất trên sân khấu chương trình Giờ thứ 9+ để công chúng thấu hiểu và chia sẻ với thợ lò, một nghề nghiệp đặc thù đầy vất vả, nguy hiểm nhưng cũng vinh quang.
Đến nay, chương trình đã ghi hình, phát sóng được 10 số, với sự tham gia của sáu liên đoàn lao động tỉnh và bốn công đoàn ngành trung ương, ngày càng nhận được sự chờ đón của khán giả. Sau khi chương trình lên sóng, nhiều đơn vị đã đăng ký tham gia mùa tiếp theo.