Sắp có giống cà chua đạt năng suất 100 tấn/ha

Công trình này được các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu từ tháng 11-2002 và chính thức hoàn thành vào tháng 4-2004, với nhiều tiến bộ nổi bật mà không có giống cà chua nào có được từ trước đến nay.

Cà chua được lai ghép như thế nào?

Theo TS. Ngô Quang Vinh - Trưởng nhóm nghiên cứu công trình, trong số các loại sâu bệnh gây hại cho cây cà chua, bệnh héo rũ vi khuẩn (còn gọi là bệnh chết nhát) thường gây chết cây với tỷ lệ cao nhất từ 20-30%, thậm chí có ruộng lên đến 100%. Vì thế, việc phòng trừ và làm "sạch" loại bệnh này không chỉ giảm tỷ lệ cà chua bị chết, mà còn giúp cho cà chua đạt năng suất cực cao.

Để thực hiện việc ghép cà chua, các nhà khoa học đã sử dụng dụng cụ để ghép là ống cao su thay cho các biện pháp ghép bằng kim, kẹp hoặc ống nhựa cứng như của Nhật Bản.

Ống cao su có đặc điểm nổi bật là rất vừa vặn với cây cà chua đủ tuổi ghép, có độ mềm thích hợp để ôm chặt vết ghép, có khả năng giãn nở và cách nhiệt tự nhiên, giá thành cũng rẻ hơn. Dùng biện pháp này vừa có thể giữ chặt vết ghép, vừa tăng tỷ lệ cây sống, lại phù hợp với điều kiện canh tác trong nước.

Một ưu điểm nổi bật khác của biện pháp lai ghép là không phải dùng đến các loại hóa chất, nên rất an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Một ha có thể đạt năng suất hơn 100 tấn

Ngay sau khi lai tạo thành công giống cà chua trên, từ tháng 8-2003, Viện khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền nam đã đưa vào trồng thử nghiệm những cây cà chua giống đầu tiên tại hai huyện Đơn Dương và Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng). Chỉ sau 2 năm, diện tích gieo trồng tại đây đã đạt tới 1.500ha, với 30 trang trại sản xuất cây cà chua ghép, mỗi trại có khả năng sản xuất từ 2-4 triệu cây ghép/năm.

TS. Ngô Quang Vinh khẳng định: "Giống cà chua này cho năng suất cao hơn hẳn so với những giống thông thường, sản lượng thường tăng từ 20-30%, nếu canh tác tốt có thể đạt 50-70%, thậm chí có nơi tăng 100%". Sở dĩ cà chua có thể đạt năng suất cao như trên vì khi đất nhiễm bệnh, trồng cây không ghép chết bao nhiêu phần trăm, thì sản lượng tăng bấy nhiêu phần trăm (do cây không chết).

Sau nhiều vụ đưa vào trồng thử nghiệm và trồng đại trà đến nay 1.000m2 cà chua ghép đã đạt sản lượng tới 10 tấn, như vậy trung bình 1 ha sẽ cho năng suất tới 100 tấn (đạt giá trị 150-200 triệu đồng, tăng hơn 35 triệu đồng).

Được biết, sau thành công trên ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đang có kế hoạch phối hợp với Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam để tăng diện tích gieo trồng lên 4.000- 5.000ha/năm.

GS-TS: Nguyễn Ngọc Kính -Tổng thư ký, kiêm Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam cho biết: "Ngoài Lâm Đồng, giống cà chua này còn có thể trồng ở nhiều vùng trồng cà chua trong cả nước, những vùng nào đã từng trồng cà chua, đều có thể trồng được cà chua ghép. Song để sản xuất được cây ghép cần phải lựa chọn vùng khí hậu thích hợp đồng thời cần tạo nhiệt độ, ẩm độ ở khu vực ghép và bảo dưỡng cây sau ghép cho thích hợp".

Không dừng lại ở Lâm Đồng, hiện các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu sản xuất cây ghép ở quy mô hộ gia đình cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, với mục tiêu sẽ tiếp tục đưa giống cà chua này ra sản xuất trên diện rộng.

Tuy giá bán của một cây cà chua giống này cao hơn so với cây cà chua bình thường từ 100 - 200 đồng/cây (giá hiện tại khoảng 300 - 320 đồng/cây), nhưng nhiều nông dân khẳng định, họ sẵn sàng sử dụng các cây giống mới này để thay thế cho các giống cà chua cũ. Đây là một triển vọng rất lớn cho giống cà chua ghép này.

Đặc biệt, với những thành công đã đạt được, công trình nghiên cứu trên đã được Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam trao giải nhất trong lĩnh vực sinh học phục vụ đời sống và sản xuất tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc lần thứ 18 (2004-2005).