Sổ tay công nghệ hỗ trợ người khuyết tật

Trung tâm Nghiên cứu và phát triển năng lực người khuyết tật (DRD) vừa cho ra mắt “Sổ tay các ứng dụng công nghệ hỗ trợ người khuyết tật học tập và làm việc” với hơn 20 ứng dụng trên nền tảng số. Công cụ này được kỳ vọng sẽ giảm bớt rào cản, giúp người khuyết tật (NKT) chủ động hòa nhập cộng đồng và có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm, phát triển bản thân.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Nguyễn Minh Hảo giới thiệu về “Sổ tay các ứng dụng công nghệ hỗ trợ người khuyết tật học tập và làm việc”.
Anh Nguyễn Minh Hảo giới thiệu về “Sổ tay các ứng dụng công nghệ hỗ trợ người khuyết tật học tập và làm việc”.

Lắng nghe để hỗ trợ

Đảm nhận vai trò quản lý công nghệ tại DRD hơn 10 năm nay, anh Nguyễn Minh Hảo tiếp xúc, làm việc với nhiều cá nhân có các dạng tật khác nhau. Bản thân cũng bị khuyết tật vận động, phải ngồi xe lăn, anh Hảo thấu hiểu trở ngại của những người đồng cảnh. Thời gian qua, anh đề xuất trung tâm tổ chức nhiều chương trình đào tạo trực tuyến, các lớp phổ cập công nghệ cho NKT trên mọi miền đất nước, được phản hồi tích cực. Từ những khóa học “0 đồng” về digital marketing, thiết kế đồ họa, tin học văn phòng, kinh doanh trực tuyến của DRD, ngày càng nhiều NKT tự tin nâng cấp chuyên môn, chọn lựa những công việc có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống.

Nhận thấy việc ứng dụng công nghệ mở ra nhiều cơ hội phát triển, hòa nhập cho NKT, anh Hảo khảo sát nhu cầu thực tế của từng dạng tật trong lĩnh vực này. Cách đây 3 tháng, khi cùng nhóm giáo viên tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia khóa đào tạo giảng viên hỗ trợ học viên khuyết tật, anh đưa ra ý tưởng, bản nháp và thuyết phục mọi người cùng triển khai dự án thiết thực này. “Lắng nghe, ghi nhận nhu cầu thực tế của NKT, tôi lên bản nháp, tìm kiếm ứng dụng, thiết kế sổ tay, mời chuyên gia góp ý để hoàn thành bản demo. Từng bước được thực hiện kỹ càng”.

Sổ tay cung cấp 21 ứng dụng hỗ trợ tối đa việc sinh hoạt, tương tác, tiếp cận kiến thức, tăng cơ hội việc làm và giao tiếp cộng đồng cho NKT. Người khiếm thị sẽ được bổ sung nhiều tiện ích cuộc sống với phần mềm đọc màn hình JAWS, VoiceOver hay dịch vụ trợ năng Google TalkBack, phần mềm Lookout giúp nhận biết các vật chung quanh…

Trong khi đó, Live Transcribe (phần mềm tạo nội dung cho các đoạn hội thoại, ghi âm bằng trí tuệ nhân tạo) hay HandTalk (ứng dụng dịch ngôn ngữ nói hoặc văn bản sang ngôn ngữ ký hiệu qua hình ảnh nhân vật hoạt hình) có thể trở thành công cụ hỗ trợ giao tiếp hữu hiệu cho người khiếm thính. Người tay yếu, cụt tay hay khuyết tật đặc biệt cũng có thể tìm thấy rất nhiều ứng dụng cần thiết trong cuốn sổ tay. Không chỉ giới thiệu tính năng, nhóm thực hiện còn hướng dẫn cụ thể cách cài đặt, sử dụng, kết nối để NKT dễ dàng sử dụng.

Sử dụng AI có đạo đức

Hiện anh Hảo đang cùng nhóm nghiên cứu Trường đại học Công nghệ thông tin (Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) thử nghiệm một số ứng dụng “made in Việt Nam”, thân thiện với đa dạng tật, chi phí không quá cao để triển khai đại trà. Ý tưởng cho phiên bản nâng cao của sổ tay công nghệ cũng đã hình thành, hứa hẹn mở ra nhiều nền tảng mới phục vụ nhu cầu tìm hiểu sâu hơn của NKT.

Phó Giám đốc DRD Nguyễn Văn Cử cho biết, việc ứng dụng công nghệ không chỉ tạo điều kiện tốt hơn cho NKT hòa nhập mà còn giúp trung tâm tiết kiệm chi phí vận hành, kết nối, đào tạo. Thông qua mạng lưới hợp tác với hơn 200 doanh nghiệp và khoảng 100 cơ sở giáo dục nghề nghiệp khắp cả nước, thời gian tới DRD sẽ tập trung quảng bá, chia sẻ nội dung sổ tay công nghệ này. Mục tiêu là để NKT, các cơ sở giáo dục, đào tạo và các doanh nghiệp đều nắm rõ những ứng dụng cần thiết cho từng dạng tật. Các sổ tay nghề nghiệp cho NKT mà DRD đã cung cấp trước kia cùng sổ tay công nghệ mới sẽ tạo thành hệ sinh thái giúp NKT được hỗ trợ toàn diện từ học tập, sinh hoạt đến tham gia thị trường lao động.

Hiện nay khó khăn lớn nhất trong việc sử dụng sổ tay công nghệ là thiếu đồng đều về năng lực tiếp nhận của NKT. Điều tra quốc gia về NKT năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy, có tới 91,2% NKT từ 15 tuổi trở lên không có trình độ tay nghề. Vậy nên phần lớn NKT cần thêm thời gian làm quen, thực hành để tối ưu chức năng của sổ tay công nghệ hay tiếp cận các ứng dụng mới. Ngay sau giai đoạn giới thiệu, DRD sẽ dành thời gian tập huấn cho nhiều nhóm NKT nhằm giúp các cá nhân, tổ chức tự tin ứng dụng sổ tay công nghệ vào thực tế.

“Chúng tôi sẽ triển khai các chương trình đào tạo nâng cao năng lực sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho NKT nhằm giúp họ biết cách viết câu lệnh, ứng dụng AI trong lập kế hoạch nghề nghiệp, sáng tạo nội dung. Chúng tôi cũng đồng thời nhấn mạnh việc sử dụng AI một cách có đạo đức, tôn trọng quyền riêng tư và tránh lạm dụng. Thời gian tới, khi công nghệ được ứng dụng tối đa, NKT sẽ thấy mọi thứ thuận tiện, dễ dàng hơn, chất lượng cuộc sống cũng có thể tốt hơn rất nhiều”, ông Cử nhìn nhận.

Đường sách Nguyễn Đổng Chi được xây dựng tại đường Nguyễn Đổng Chi, từ giao lộ Nguyễn Văn Linh đến Nguyễn Lương Bằng có chiều dài gần 300 m. Đoạn đường này là nơi tọa lạc của Nhà văn hóa Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở 2), tiếp giáp nhiều công trình văn hóa, nhiều trường đại học. Dự án chính thức khởi công vào ngày 15/4, chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và kỷ niệm 28 năm thành lập Quận 7 (1/4/1997 - 1/4/2025).