Sự chậm trễ này không chỉ gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quản lý, kiểm soát và xử lý vi phạm mà còn tạo kẽ hở để các hành vi sử dụng thuốc lá thế hệ mới, hoạt động kinh doanh tiếp diễn, đặc biệt trên các nền tảng trực tuyến, gây bức xúc trong dư luận.
Bất cập trong quản lý
Thuốc lá điện tử là thiết bị sử dụng pin để làm nóng dung dịch chứa nicotine, propylene glycol, glycerin và hương liệu, tạo ra hơi nước cho người dùng hít vào. Sản phẩm này thường được quảng bá là "ít độc hại hơn" thuốc lá truyền thống, nhưng các nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ ra rằng thuốc lá điện tử gây tổn thương phổi, bệnh tim mạch và nguy cơ ung thư cao.
Sản phẩm này hiện nay được đánh giá nguy hiểm nhất do dễ bị người dùng lợi dụng bổ sung thêm các chất kích thích không được kiểm soát như ma túy vào dung dịch khi sử dụng, đặc biệt dễ tiếp cận với giới trẻ do giá rẻ, thiết kế hấp dẫn và sự phổ biến trên mạng xã hội.
Thuốc lá nung nóng là sản phẩm thuốc lá dạng điếu, với nguyên liệu chính là sợi thuốc lá và người dùng cũng không thể tự ý bổ sung thêm nguyên liệu hay các chất khác vào điếu thuốc. Đây là sản phẩm dạng "đóng" chỉ sử dụng điếu thuốc được sản xuất sẵn, không cho phép người dùng can thiệp vào thành phần. Điều này giảm nguy cơ bổ sung chất độc hại hoặc ma túy vào thuốc.
Với công nghệ mới, thay vì dùng bật lửa để đốt điếu thuốc thì dùng thiết bị điện tử chuyên dụng để nung nóng điếu thuốc ở nhiệt độ thấp hơn so với đốt cháy, tạo thành hơi chứa nicotine để hút. Sau khi hút hết thì điếu thuốc không bị cháy đi như thuốc lá truyền thống, mà vẫn còn nguyên lõi thuốc và vỏ cuốn bên ngoài.
Dù được cho là sản phẩm ít độc hại hơn so với thuốc lá truyền thống, nhưng thuốc lá nung nóng vẫn chứa các chất gây nghiện, nicotine và có nguy cơ gây hại sức khỏe tương tự thuốc lá truyền thống.
Với sự đa dạng về kiểu dáng, kích thước, thành phần và cách thức hoạt động của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đang khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc xác định vi phạm do có nhiều khác biệt về cơ chế hoạt động và tác hại.
Theo đánh giá của các lực lượng chức năng, tình trạng sử dụng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vẫn tràn lan thông qua kênh mua không chính thống, bất chấp Nghị quyết 173/2024/QH15 đã có hiệu lực, khiến việc giảm tỷ lệ người hút thuốc và ngăn chặn buôn lậu thuốc lá mới ngày càng khó khăn.
![[Video] Thuốc lá điện tử vẫn mua, bán online dù đã có lệnh cấm](https://image.nhandan.vn/200x130/Uploaded/2025/cajwqddcd/2025_03_04/tt-600x338-34-8034-9453.png.webp)
[Video] Thuốc lá điện tử vẫn mua, bán online dù đã có lệnh cấm
Trong công tác phòng chống buôn lậu liên quan đến ngành hải quan, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Điều tra chống buôn lậu Cục Hải quan (Bộ Tài Chính) Phan Quốc Đông cho biết, cơ quan điều tra chống buôn lậu hải quan phát hiện các vụ vi phạm trong lĩnh vực thuốc lá có chiều hướng gia tăng, riêng với mặt hàng thuốc lá điện tử hơn 30 nghìn vụ.
Nguyên nhân của tình trạng này được một số chuyên gia và các cơ quan quản lý nhận định do chậm trễ ban hành các chế tài xử phạt, quy định cụ thể liên quan. Việc thiếu các văn bản hướng dẫn chi tiết khiến lực lượng chức năng, như quản lý thị trường hay hải quan gặp khó khăn trong việc nhận diện và xử lý vi phạm.
Chẳng hạn, khi phát hiện người sử dụng thuốc lá mới ở nơi công cộng hoặc người buôn bán, nhưng do chưa có chế tài, quy định cụ thể để xử phạt nên tình trạng kinh doanh, mua bán và sử dụng vẫn diễn ra công khai, nhất trên các hội nhóm online, gây bức xúc trong xã hội.
Thêm vào đó, thiếu sự phân biệt thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử, các văn bản hướng dẫn trong luật, chỉ quy định với thuốc lá điếu đang làm các cơ quan chức năng lúng túng trong xử lý vi phạm.
Theo Phó Vụ trưởng Pháp luật dân sự-Kinh tế (Bộ Tư pháp) Lê Đại Hải, sự khác biệt về cấu tạo, cơ chế hoạt động và thành phần giữa thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đòi hỏi khi ban hành chế tài quản lý, các quy định pháp lý phải rõ ràng.
Trong Báo cáo thẩm định số 68/BCTĐ-BTP ngày 4/3/2025, Bộ Tư pháp nhấn mạnh rằng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng khác nhau về cấu tạo, cơ chế hoạt động, thành phần, tác hại và đối tượng sử dụng. Do đó, cần bổ sung định nghĩa cụ thể của hai sản phẩm này vào Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 và Nghị định 67/2013/NĐ-CP để tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Do đó, ông Đông cho rằng, cần sớm thích ứng với sự thay đổi để đưa ra vấn đề về quản lý, nhất là trong thời gian tới, với sự phát triển của thương mại điện tử, thuốc lá điện tử sẽ tiếp tục là mặt hàng được các nhóm đối tượng lợi dụng để tăng cường hoạt động buôn bán tích trữ, thực hiện các hành vi buôn lậu.
Cần phân biệt rõ nhóm đối tượng áp dụng
Theo quy trình soạn thảo văn bản pháp luật, với dự thảo nghị định xử phạt liên quan đến thuốc lá mới, cơ quan soạn thảo phải thực hiện đánh giá tác động chính sách trước khi ban hành. Trong đó, cần nhận diện rõ vấn đề Nghị quyết 173/2024/QH15 cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng thuốc lá mới sẽ ảnh hưởng ra sao đến các nhóm đối tượng liên quan.
Cụ thể, cần phân tích tác động trực tiếp đến doanh nghiệp sản xuất, người tiêu dùng và cả những người liên quan gián tiếp như ngành logistics hay y tế. Có đánh giá chính sách này ảnh hưởng thế nào đến kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh, du lịch, sức khỏe cộng đồng, người lao động. Các vấn đề này cần phải được đặt ra và trả lời rõ ràng, bảo đảm văn bản được xây dựng trên cơ sở cân nhắc toàn diện hài hòa các lợi ích và mục tiêu.
![]() |
Các sản phẩm thuốc lá mới với đa dạng kiểu dáng vẫn đang được bày bán tại một số khu phố của Thủ đô Bangkok (Thái Lan), bất chấp lệnh cấm của nước này được ban hành từ hơn 10 năm trước. (Ảnh: MINH DŨNG) |
Bởi có một vấn đề đáng suy ngẫm, liệu chúng ta sẽ áp dụng chế tài nào với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có mang theo thuốc lá mới? Sẽ tịch thu ngay tại cửa khẩu, sân bay rồi phạt tiền hay chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở khi có nhiều du khách quốc tế khi đến Việt Nam không biết rằng các sản phẩm thuốc lá mới mà họ đang sử dụng bị cấm tại Việt Nam do đây là sản phẩm hợp pháp tại nước của họ và không phải mặt hàng cấm triệt để như ma túy hay các chất gây nghiện khác.
Chính điều này gây khó khăn cho lực lượng quản lý thị trường khi phải phân biệt giữa hành vi cố ý và vô tình vi phạm. Phó Trưởng phòng Tổng hợp nghiệp vụ, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Phùng Danh Tuyến thừa nhận, Nghị quyết 173/2024/QH15 nêu rõ cấm mọi hành vi sử dụng, tàng trữ các sản phẩm thuốc lá mới, nhưng trên thực tế, việc xử lý những trường hợp này không phải là điều đơn giản do đây vẫn là sản phẩm hợp pháp tại quốc gia của họ, khi tới Việt Nam, nếu có mang theo lại trở thành bất hợp pháp mà không được thông báo trước. Từ đó có thể làm ảnh hưởng tới hình ảnh thân thiện, mến khách của ngành du lịch của Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thu hút vốn đầu tư FDI, hình ảnh về môi trường đầu tư kinh doanh, tính ổn định trong chính sách pháp luật cũng là một khía cạnh có thể chịu ảnh hưởng.
Trước khi Nghị quyết 173/2024/QH15 được thông qua, Việt Nam không cấm nhưng cũng không thừa nhận các sản phẩm thuốc lá mới, có không ít doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam đầu tư, lắp ráp dây chuyền máy móc hiện đại để sản xuất thuốc lá nung nóng và được các cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Công thương cấp phép hoạt động phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường hợp pháp, không tiêu thụ trong nước.
Pháp luật về đầu tư thời điểm đó có quy định rằng thời điểm đó ngành nghề sản xuất kinh doanh là ngành nghề kinh doanh có điều kiện chứ không phải là danh mục cấm kinh doanh. Thế nhưng, sau khi nghị quyết này có hiệu lực, theo Công văn số 17/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan, từ ngày 1/1/2025, các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá mới tại Việt Nam không được nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất, đồng thời bị cấm xuất khẩu sản phẩm.

Xây dựng cơ chế hiệu quả thu hút dòng FDI
Vì vậy, những dây chuyền sản xuất thuốc lá nung nóng trị giá hàng chục triệu USD của nhiều doanh nghiệp FDI đã đầu tư sản xuất tại Việt Nam đang buộc phải tạm dừng hoạt động nhiều tháng nay. Theo tìm hiểu của phóng viên, trước khi Nghị quyết 173/2024/QH15 của Quốc hội có hiệu lực và Công văn số 17/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan được ban hành, có 8 doanh nghiệp được cấp giấy phép gia công thuốc lá mới, 100% sản phẩm đều xuất khẩu, không tiêu thụ trong nước.
Nhưng sau ngày 1/1/2025, theo thống kê thì hiện các doanh nghiệp này đã tạm dừng sản xuất với 214 triệu sản phẩm có liên quan đến linh kiện, thành phẩm xuất khẩu chờ hướng dẫn. Do đó, nếu không có giải pháp, hướng dẫn cụ thể, phân biệt rõ sản xuất phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, những dự án của các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá mới tại Việt Nam có nguy cơ “đắp chiếu” hoàn toàn.
Điều này không chỉ gây lãng phí nguồn lực đã đầu tư mà còn tạo ra chuỗi thiệt hại kinh tế lên tới hàng chục triệu USD. Thậm chí dẫn tới việc doanh nghiệp sẽ bị khởi kiện quốc tế và buộc đền bù hàng triệu USD do vi phạm các hợp đồng cung ứng đã ký kết trước đó. Về lâu dài, sự bất nhất trong chính sách có thể làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào tính ổn định pháp lý của Việt Nam.
Hài hòa mục tiêu, lợi ích
Vẫn phải khẳng định một lần nữa, việc ban hành Nghị quyết 173/2024/QH15 là một chủ trương đúng đắn, nhưng trong thực tiễn quá trình cụ thể hóa đang bộc lộ những bất cập cần các cơ quan quản lý, đặc biệt là Bộ Y tế nắm bắt nhằm khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ ban hành các văn bản cụ thể hóa chế tài xử phạt.
![]() |
Một số sản phẩm thuốc lá điện tử được lực lượng quản lý thị trường thành phố Hà Nội thu giữ. (Ảnh: QUYÊN LƯU) |
Để triển khai và cụ thể hóa hiệu quả Nghị quyết 173/2024/QH15, điều kiện tiên quyết là phải có những đánh giá toàn diện về thực trạng sử dụng thuốc lá mới, mức độ ảnh hưởng tới các nhóm đối tượng, từ người tiêu dùng, lực lượng thực thi, đến các doanh nghiệp FDI và khách du lịch.
Các mức xử phạt phải đủ sức răn đe, áp dụng cho mọi hành vi, có hướng dẫn rõ ràng về cách xử lý với từng nhóm đối tượng, bao gồm cả việc tuyên truyền với khách du lịch nước ngoài về các quy định của Việt Nam với thuốc lá mới để tránh xử lý thiếu thống nhất hoặc gặp phải những phản ứng tiêu cực, khiến hình ảnh thân thiện của Việt Nam bị ảnh hưởng trong mắt bạn bè quốc tế.
Đặc biệt, cần có sự phân biệt rõ ràng giữa việc cấm sử dụng, kinh doanh trong nước với việc tiếp tục cho phép sản xuất để xuất khẩu, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư hiện hữu. Chỉ khi có hướng dẫn cụ thể, đồng bộ và phù hợp với thực tiễn, Nghị quyết 173/2024/QH15 mới thực sự đi vào cuộc sống và đạt được mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà vẫn không gây xáo trộn quá lớn cho môi trường đầu tư và hội nhập.
Việc xây dựng chính sách, cần sự thận trọng, có thời gian chuyển tiếp, đi kèm đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của thuốc lá, hỗ trợ để các chủ thể liên quan thích nghi.
Chỉ khi có một khung pháp lý chặt chẽ, minh bạch và cân nhắc đầy đủ các đối tượng chịu ảnh hưởng, Nghị quyết 173/2024/QH15 mới có thể phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng một môi trường sống lành mạnh, an toàn cho cộng đồng, đồng thời duy trì hình ảnh Việt Nam là điểm đến thân thiện và ổn định về pháp lý, môi trường đầu tư kinh doanh.