Tính đến nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài (tính chung vốn cấp mới, đầu tư tăng thêm, góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp) của Thành phố Hồ Chí Minh đạt hơn 88,68 tỷ USD. Trong đó, doanh nghiệp Hàn Quốc đứng thứ ba trong tổng số 127 quốc gia, vùng lãnh thổ đang đầu tư tại địa phương này, với 2.286 dự án, tổng vốn đầu tư 5,5 tỷ USD, chiếm 9,38% tổng vốn FDI tại thành phố. Trong bối cảnh thành phố thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, thu hút đầu tư và phục hồi tăng trưởng kinh tế, địa phương này luôn nỗ lực tối đa để bảo đảm môi trường kinh doanh ổn định, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động ổn định, lâu dài và hiệu quả.
Đề cập đến định hướng thu hút đầu tư của thành phố, ông Đỗ Đăng Ái, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Thành phố đã ban hành Quyết định số 5878/ QĐ-UBND ngày 22/12/2023 về phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023- 2025, tầm nhìn 2030. Trong đó, thành phố hướng đến trung tâm công nghiệp công nghệ cao với bốn ngành công nghiệp trọng điểm; năm ngành công nghiệp công nghệ cao mới và sáu ngành dịch vụ hỗ trợ nhiều tiềm năng. Đồng thời, định hướng huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư phát triển toàn vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, trở thành trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh; tập trung vào thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, thị trường vốn, thị trường hàng hóa. Thành phố cũng hướng đến trung tâm công nghệ số và công nghệ thông tin để tập trung phát triển phần mềm ứng dụng, trung tâm phát triển phần mềm và dịch vụ cơ sở hạ tầng cao, trung tâm quốc gia về hạ tầng dịch vụ điện toán đám mây…
Để thực hiện điều này, thành phố đang thực hiện các giải pháp nhằm thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức đối tác công tư (PPP) để tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội quan trọng, nhất là đối với các dự án có sức lan tỏa rộng và tác động lớn tới phát triển kinh tế. Trong năm nay, địa phương này dự kiến sẽ tổ chức thực hiện 10 dự án theo phương thức đối tác công tư với tổng mức đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng. Cụ thể là các dự án vành đai 4 đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh với 15.120 tỷ đồng; dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài 19.650 tỷ đồng; năm dự án BOT cửa ngõ đường hiện hữu 44.592 tỷ đồng; cầu Thủ Thiêm 4 với tổng vốn 5.300 tỷ đồng; cầu Cần Giờ 9.982 tỷ đồng; Nhà máy xử lý chất thải rắn Tây Bắc 5.064 tỷ đồng. Cùng đó, thành phố tiếp tục thúc đẩy thu hút đầu tư vào lĩnh vực y tế, giáo dục, thể thao và văn hóa với danh mục 41 dự án kêu gọi đầu tư…
Hàn Quốc là một trong những đối tác hàng đầu của Thành phố Hồ Chí Minh về thương mại, đầu tư và du lịch, với hơn 2.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại thành phố, là một nguồn lực quan trọng đóng góp vào sự phát triển của thành phố và là cầu nối tăng cường liên kết giữa hai nước. Theo ông Kim Nyoun Ho, Chủ tịch Hiệp hội thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM), tính đến nay, đầu tư trực tiếp từ Hàn Quốc vào Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu, mở ra một bước ngoặt mới trong hợp tác kinh tế giữa hai nước. Điều này cho thấy, Việt Nam và Hàn Quốc đang hợp tác chặt chẽ hơn nữa để hiện thực hóa mục tiêu thịnh vượng chung của hai nước. Tuy nhiên, để xây dựng đòn bẩy cho sự hợp tác bền vững và phát triển thì vẫn còn một số vấn đề cần được giải quyết; trong đó, cần thiết lập hệ thống quản lý hành chính tích hợp dành cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế hiện nay, khi thực hiện các thủ tục xin cấp phép đầu tư và các thủ tục hành chính tại Việt Nam, nhà đầu tư cần phải nhận được sự phê duyệt từ nhiều bộ, ngành khác nhau; sự liên thông giữa các hệ thống của các bộ, ngành chưa thật sự hiệu quả, dẫn đến tình trạng thường xuyên phát sinh sự chậm trễ trong thủ tục hành chính, có thể gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Việt Nam.
Để cải thiện môi trường đầu tư theo hướng tinh gọn nhất, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, loại bỏ thủ tục hành chính rườm ra; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tính minh bạch để giảm thời gian, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; phấn đấu đưa tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến toàn trình đạt 95% trở lên. Đồng thời, triển khai các giải pháp về hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, triển khai các nội dung đã thông qua tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh hoạt động các tổ công tác của thành phố kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh làm tổ trưởng. Tăng cường công tác trao đổi, thông tin về các chủ trương, chính sách hỗ trợ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, kết nối doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển (R&D) trong doanh nghiệp. Cùng với đó, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giám sát, thực hiện các dự án đầu tư, bảo đảm minh bạch, giảm thiểu rủi ro về pháp lý cho doanh nghiệp.