Trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện có 12 dân tộc cùng chung sống, trong đó chiếm đa số là các dân tộc Thái, Kinh, H’Mông, Mường. Đây được xem như nguồn lực, tài nguyên du lịch nhân văn đặc thù có thể khai thác để tạo thành những sản phẩm du lịch giá trị.
Do vậy, Sơn La xác định phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc địa phương là yêu cầu cấp thiết để thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành. Nhiều sản phẩm đang được khai thác như du lịch trải nghiệm các hoạt động văn hóa, cuộc sống của người dân địa phương, du lịch làng nghề, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, sinh thái và văn hóa ẩm thực…
Sơn La luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó, những lễ hội, ngày hội truyền thống văn hóa, lịch sử được tổ chức hiệu quả; nhiều nghi lễ, lễ hội được phục dựng thành công, bài bản, đúng bản sắc truyền thống của dân tộc như các lễ hội mùa hoa ban, mừng cơm mới...
Một số nghi lễ, lễ hội được xây dựng thành sản phẩm văn hóa nhằm phục vụ phát triển du lịch, như: Lễ hội đua thuyền, lễ Hết Chá, lễ hội cầu mưa... Các lễ hội này đã tạo ra không gian văn hóa đặc sắc để người dân, du khách có cơ hội được sinh hoạt, tìm hiểu, lan tỏa, quảng bá và góp sức bảo tồn, gìn giữ kho tàng văn hóa độc đáo, đặc trưng của mỗi vùng miền trong tỉnh.
Tỉnh cũng hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch có chất lượng, giá trị cao, khai thác được những thế mạnh, điểm hấp dẫn của địa phương; trong đó, các yếu tố quan trọng như tài nguyên văn hóa, lối sống, phong tục, tập quán, thói quen canh tác nông nghiệp được coi là những yếu tố cơ bản tạo nên sự khác biệt, góp phần nâng cao thu nhập của người dân từ dịch vụ du lịch.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La Phạm Hồng Thu cho biết: Trên cơ sở các quy hoạch được phê duyệt, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh đã phối hợp các sở, ngành và ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố rà soát chi tiết từng khu, điểm; chú trọng các yếu tố bền vững, giữ nguyên tắc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nhất là giá trị các di sản, bản sắc văn hóa dân tộc và những sắc thái văn hóa đa dạng của cộng đồng dân cư tại chỗ.
Lợi thế của tỉnh là văn hóa và nông nghiệp gắn với phong tục tập quán và văn hóa của người dân địa phương, cho nên dựa vào đó để phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, khác biệt; quan tâm, chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phát triển du lịch; xây dựng các khu, điểm, bản du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, bảo tồn hệ sinh thái nông nghiệp đặc trưng.
Tỉnh Sơn La cũng có nhiều giải pháp, chỉ đạo các sở, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, như: Hỗ trợ phục dựng lễ hội truyền thống, xây dựng các đội văn nghệ mang bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển du lịch cộng đồng…
Đồng chí Tòng Văn Yên, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Hùn, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La cho biết: Năm 2005, đội văn nghệ của bản được thành lập và đi vào hoạt động, chỉ có 1 đội với 12 thành viên; đến nay đã có 10 đội thuộc các tổ chức, đoàn thể. Ngoài biểu diễn vào những ngày lễ, Tết, sự kiện của bản, các đội văn nghệ còn biểu diễn phục vụ các đoàn khách du lịch đến tham quan.
Qua đó không chỉ lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình mà còn có thêm thu nhập. Để duy trì, phát huy, hằng năm, các đội văn nghệ được hỗ trợ một khoản kinh phí; đồng thời, kêu gọi xã hội hóa, huy động người dân hỗ trợ thêm kinh phí thuê đạo cụ, trang phục duy trì hoạt động, tham gia biểu diễn, giao lưu tại hội thi, hội diễn…
Hiện nay, Sơn La đã xây dựng và lập 19 hồ sơ khoa học di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc thiểu số, trong đó có 17 di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đáng chú ý như “Nghệ thuật xòe Thái” được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại điện của nhân loại.
Tỉnh cũng xây dựng và thực hiện các kế hoạch Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa sách chữ Thái cổ; nghiên cứu, sưu tầm và phổ cập một số điệu xòe mang bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La; nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa và truyền dạy một số loại hình di sản văn hóa các dân tộc thiểu số.