Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, tăng lợi nhuận trong sản xuất

NDO - Ngày 9/4, tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, Công ty TNHH Map Pacific Singapore (Công ty MPS) tổ chức tổng kết mô hình "Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trên lúa".
0:00 / 0:00
0:00
Ruộng mô hình "Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trên lúa". (Ảnh: HỮU NGHĨA)
Ruộng mô hình "Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trên lúa". (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Thực hiện “Cam kết phối hợp thực hiện Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” giữa Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và Công ty MPS, trong quý I/2025, Công ty MPS đã thực hiện các hoạt động tập huấn cho nông dân và triển khai mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trên lúa.

Mô hình được thực hiện tại 6,4ha lúa OM18 trong vụ Hè Thu của hộ anh Nguyễn Thanh Xuân, ngụ ấp 4, xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười trong thời gian từ 15/1 và dự kiến thu hoạch 25/4.

Anh Nguyễn Thanh Xuân cho biết, thực hiện mô hình, trong quá trình sản xuất lúa, anh chú trọng nhiều đến sức khỏe của đất, sạ thưa, bón phân cân đối, thăm đồng thường xuyên. Anh chỉ áp dụng các giải pháp phòng trừ sâu bệnh hại vào các giai đoạn thực sự cần thiết, ưu tiên sử dụng các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ, sinh học.

Anh quản lý bệnh bạc lá do vi khuẩn bằng các sản phẩm sinh học Map Strong 3WP luân phiên với Map Oni 2SL vừa hiệu quả cao vừa thân thiện với môi trường.

Đặc biệt, anh quản lý tuyến trùng trên lúa bằng giải pháp sinh học (thuốc Map Logic 90WP). Sản phẩm giúp cân bằng pH đất, bổ sung các khoáng chất, giúp hệ thống rễ lúa phát triển tốt.

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, tăng lợi nhuận trong sản xuất ảnh 1
Nông dân các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long thăm quan ruộng mô hình của gia đình anh Nguyễn Thanh Xuân. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Tuy chưa thu hoạch nhưng sau khi thăm quan ruộng lúa, anh Xuân và nhiều nông dân tham dự buổi tổng kết ước tính năng suất ruộng lúa của anh đạt khoảng 8 tấn/ha, với giá lúa khoảng 7.100 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sẽ thu lời khoảng 33 triệu đồng/ha.

Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp Trần Thanh Tâm cho biết: Mô hình đã giúp nông dân tiết kiệm khoảng 2,6 triệu đồng/ha, lợi nhuận khá cao hơn so với ngoài mô hình. Ông hy vọng mô hình sẽ ứng dụng tốt vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, tăng lợi nhuận trong sản xuất ảnh 2
Các đại biểu dự hội nghị thăm quan ruộng mô hình của hộ anh Nguyễn Thanh Xuân, ngụ ấp 4, xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Trước khi tổng kết mô hình "Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trên lúa", Công ty MPS đã tổ chức cho hơn 300 đại lý, nông dân các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long tới thăm quan ruộng mô hình của gia đình anh Nguyễn Thanh Xuân.