Trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng Việt Nam, hoạt động xuất bản luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trên mặt trận tư tưởng, lý luận và văn hóa, công cụ sắc bén để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch.
Ngay từ thời kỳ hoạt động cách mạng bí mật, khi đất nước còn chìm trong bóng tối nô lệ, hoạt động xuất bản đã sớm trở thành một vũ khí tư tưởng quan trọng của phong trào cách mạng, cổ vũ tinh thần yêu nước, phản ánh khát vọng độc lập dân tộc.
Các ấn phẩm như “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (dịch từ Mác-Ăngghen), “Những vấn đề dân tộc và thuộc địa”, “Lịch sử giai cấp công nhân”,... không chỉ truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam mà còn góp phần giác ngộ giai cấp công nhân, thắp lên khát vọng giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới.
Dù điều kiện in ấn vô cùng thiếu thốn, các cơ sở in bí mật của Đảng ở cả ba miền vẫn không ngừng phát hành tài liệu, sách báo tuyên truyền cách mạng, nuôi dưỡng lòng yêu nước, thúc đẩy các cao trào đấu tranh.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hoạt động xuất bản nhanh chóng phát triển mạnh mẽ, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng chính quyền cách mạng non trẻ và động viên toàn dân kháng chiến kiến quốc. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, các nhà xuất bản (NXB) Lao động, NXB Sự thật, NXB Văn hóa, NXB Giáo dục, NXB Quân đội Nhân dân... lần lượt ra đời, đảm nhận nhiệm vụ xuất bản các tác phẩm lý luận chính trị, văn kiện Đảng, sách giáo khoa, tài liệu quân sự, văn học kháng chiến...
Trong kháng chiến chống Mỹ, hoạt động xuất bản tiếp tục phát huy vai trò là thành lũy vững chắc về tư tưởng. NXB Giải phóng - cơ quan xuất bản của Trung ương Cục miền Nam - đã tổ chức in ấn, phát hành hàng trăm đầu sách, tài liệu tuyên truyền, giáo dục trong điều kiện bí mật và gian khổ. Những tác phẩm như: “Đường lối cách mạng miền Nam”, các văn kiện Hội nghị Trung ương, các tài liệu học tập chính trị, tuyên truyền đấu tranh... đã hun đúc ý chí quật cường của quân và dân miền nam. Hệ thống xuất bản của ta trong hai cuộc kháng chiến không chỉ tồn tại, mà còn lớn mạnh giữa khói lửa chiến tranh, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc.
Bên cạnh đó, xuất bản trong giai đoạn này còn góp phần quan trọng vào gìn giữ và lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc, từ ngôn ngữ, phong tục, đến các giá trị đạo lý, lối sống. Xuất bản đã trở thành “kênh vận chuyển” văn hóa từ đô thị đến nông thôn, từ vùng tự do đến vùng căn cứ kháng chiến, từ hậu phương ra tiền tuyến, làm giàu đời sống tinh thần nhân dân, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm với Tổ quốc.
Trong bối cảnh hiện nay, hoạt động xuất bản không chỉ có vai trò truyền bá hệ tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà còn giữ trọng trách chiến lược trong việc xây dựng nền tảng tri thức-nền tảng tư tưởng-nền tảng đạo đức của xã hội hiện đại. Đây chính là tiền đề, là động lực tinh thần quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Trên mặt trận tư tưởng-lý luận, xuất bản là công cụ sắc bén trong giáo dục hệ tư tưởng của Đảng, bồi đắp lý tưởng cách mạng, hình thành thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận khoa học cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Thông qua các ấn phẩm lý luận chính trị, nghiên cứu khoa học, sách giáo dục phổ thông, xuất bản giúp nâng cao nhận thức xã hội về những vấn đề cốt lõi như chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc, dân chủ, kỷ cương, văn hóa và phát triển bền vững.
Xuất bản góp phần hình thành tư duy phản biện tích cực, khả năng tiếp cận có chọn lọc trước dòng thông tin đa chiều, củng cố niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Hoạt động xuất bản cũng là nơi tích lũy và lan tỏa tri thức nền - từ văn hóa, đạo đức, lịch sử, đến khoa học công nghệ - qua đó hình thành nền tảng nhận thức sâu sắc cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam hiện đại. Đồng thời, xuất bản góp phần củng cố chuẩn mực đạo đức xã hội, định hướng giá trị sống đúng đắn, khơi dậy tinh thần nhân văn, lòng yêu nước, trách nhiệm công dân và khát vọng cống hiến vì sự nghiệp chung.
Trong cuộc đấu tranh tư tưởng hiện nay, trước sự chống phá tinh vi của các thế lực thù địch, sự gia tăng của các hiện tượng lệch chuẩn văn hóa, đạo đức, xuất bản cần giữ vai trò là “lá chắn mềm” - kiên định, sâu sắc, giàu thuyết phục - để bảo vệ chân lý, lan tỏa những giá trị đúng đắn và tạo sức đề kháng tư tưởng lành mạnh trong cộng đồng.
Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nơi đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được xác định là động lực trọng yếu, ngành xuất bản đã và đang tái cấu trúc để trở thành lực lượng chủ lực trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.
Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nơi đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được xác định là động lực trọng yếu, ngành xuất bản đã và đang tái cấu trúc để trở thành lực lượng chủ lực trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Với vai trò là thiết chế lưu giữ, tích lũy và phổ biến tri thức, xuất bản chính là hạ tầng mềm quan trọng để hình thành năng lực tư duy độc lập, tinh thần phản biện và khát vọng đổi mới trong toàn xã hội. Xuất bản cần khẳng định vai trò là dòng chảy liên tục của tri thức nhân loại, từ lý luận, chính sách, khoa học, công nghệ đến thực tiễn quản trị, giúp cộng đồng nắm bắt thành tựu, xu thế và mô hình phát triển.
Các ấn phẩm học thuật, sách phổ thông, tài liệu chuyên sâu phải góp phần lan tỏa năng lực sáng tạo và cảm hứng khởi nghiệp trong mọi lĩnh vực. Đồng thời, xuất bản phải trở thành không gian sáng tạo nội dung đặc biệt-nơi thử nghiệm ý tưởng dài hạn, tác phẩm nghệ thuật có chiều sâu, mô hình lý luận mới và các phong cách thể nghiệm trong văn học, nghệ thuật, khoa học xã hội.
Trong điều kiện công nghệ số phát triển mạnh mẽ, xuất bản đang chuyển mình từ ngành in ấn truyền thống sang lĩnh vực tích hợp công nghệ cao. Các nền tảng sách số, thư viện điện tử, audiobook, kho dữ liệu mở... tạo ra mô hình sản xuất-phân phối-tiêu thụ tri thức hoàn toàn mới, linh hoạt và không biên giới. Việc người dùng trở thành chủ thể sáng tạo nội dung góp phần thúc đẩy xã hội học tập và văn hóa đổi mới.
Để phát triển xuất bản trong kỷ nguyên số, ngành xuất bản cần xây dựng hệ sinh thái xuất bản sáng tạo-số hóa-hội nhập, liên kết giữa nhà xuất bản-doanh nghiệp công nghệ-nền tảng phân phối-người tiêu dùng. Nhà nước cần hoàn thiện khung pháp lý phù hợp, khuyến khích đầu tư vào công nghiệp xuất bản hiện đại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và nội dung số, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế, xuất khẩu bản quyền, phát triển thị trường xuất bản số toàn cầu.
Khi kết nối hiệu quả với công nghệ và thị trường, xuất bản không chỉ là công cụ truyền bá tri thức mà thật sự trở thành lực lượng kiến tạo tri thức, góp phần phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp văn hóa và nền văn hóa đổi mới sáng tạo của quốc gia.
Hoạt động xuất bản không đơn thuần là việc làm ra sách. Đó là hoạt động văn hóa-tư tưởng có ý nghĩa chiến lược lâu dài, là trận tuyến tư tưởng sắc bén, là phương tiện truyền bá tri thức và là công cụ bảo vệ nền tảng tinh thần của dân tộc. Trong bối cảnh mới, phát huy hơn nữa vai trò của xuất bản chính là góp phần xây dựng một xã hội giàu trí tuệ, nhân văn và bền vững - nơi tri thức, văn hóa và khát vọng phát triển cùng hội tụ vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng trong kỷ nguyên mới.