XÂY DỰNG TRUNG TÂM TÀI CHÍNH MANG BẢN SẮC VIỆT
Thông tin về định hướng xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Thị Bích Ngọc nói: “Chúng tôi đang tính đến việc nghiên cứu xây dựng một Trung tâm tài chính quốc tế mang bản sắc riêng, tận dụng được lợi thế so sánh về kinh tế, xã hội và địa chính trị. Khác với mô hình truyền thống, chúng tôi ưu tiên ứng dụng công nghệ hiện đại như fintech (công nghệ tài chính), blockchain, tài chính xanh...”. Theo Thứ trưởng, Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, đã ký 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác trên thế giới, đây là cơ hội để Việt Nam phát triển các loại hình tài chính đặc thù “trade finance” (tài trợ thương mại).
Theo ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Ngân hàng Techcombank, Việt Nam có tiềm năng lớn trong ba lĩnh vực: Tài sản số, tài chính thương mại và tài chính xanh. Với sự phát triển năng lượng tái tạo, nhu cầu tài chính cho lĩnh vực này đang gia tăng. Việt Nam cũng có thể học hỏi từ các quốc gia châu Á khác để phát triển các sản phẩm tài sản số độc đáo.
Trong tài chính thương mại, việc áp dụng công nghệ như blockchain và AI có thể giúp xây dựng mô hình thương mại mới, tạo ra điểm nhấn trong khu vực. “Tôi nghĩ, chúng ta có thể nhìn vào nhu cầu hiện nay mà Việt Nam mong muốn và những ứng dụng có thể thực hiện để xây dựng cho mô hình tài chính riêng của Việt Nam”, ông Jens Lottner nói. Chia sẻ kinh nghiệm về phát triển Trung tâm tài chính trên thế giới, ông Andrew Oldland, Trưởng nhóm công tác về Trung tâm tài chính quốc tế, Tổ chức TheCityUk cho rằng, một trong những điều quan trọng là Việt Nam cần điều chỉnh mô hình xây dựng Trung tâm tài chính cho phù hợp bối cảnh Việt Nam. Nhóm nghiên cứu của ông đã giúp xây dựng các báo cáo để thực hiện Trung tâm tài chính ở Việt Nam như xây dựng hạ tầng, thành lập cơ quan điều hành Trung tâm tài chính,... Nhóm công tác cũng đã giúp Việt Nam đánh giá được nền kinh tế Việt Nam khác gì so với các nền kinh tế đã thành lập Trung tâm tài chính; thứ hai, xác định rõ xu hướng đổi mới sáng tạo trong Trung tâm tài chính, điểm khác biệt về xu hướng tài chính so với một số quốc gia đã hình thành Trung tâm tài chính, cách thúc đẩy tài chính xanh.
Ngày 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo về
Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, chủ trì
phiên họp thứ nhất. Thủ tướng chỉ đạo việc xây dựng mô hình
Trung tâm tài chính quốc tế phải phù hợp với tình hình và điều
kiện phát triển Việt Nam. Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách
phải độc lập, đặc thù, đặc biệt, vượt trội, hiện đại, có sức cạnh
tranh. Thủ tướng cũng lưu ý cần xây dựng Trung tâm tài chính
tiên tiến, hiện đại, tăng cường số hóa, tổ chức hoạt động và
quản lý thông minh, bằng các giải pháp khoa học, công nghệ;
bảo đảm an ninh, an toàn, có cơ chế giám sát và giải quyết các
tranh chấp hiệu quả; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cả
trong nhà nước và ngoài nhà nước, trong nước và nước ngoài…
KHÔNG BỎ LỠ “CƠ HỘI VÀNG”
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Văn Được cho rằng: Trung tâm tài chính này không chỉ là nơi hội tụ dòng vốn lớn mà còn là động lực chiến lược thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ cao, nâng cao năng lực quản trị, gia tăng sức cạnh tranh và hội nhập của quốc gia. Đây là cơ hội để nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực, mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, phát triển hạ tầng, và khẳng định vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính thương mại toàn cầu. Việc phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ mang lại lợi ích kinh tế-xã hội thiết thực cho thành phố và cả nước, mà còn tạo ra sức lan tỏa tới các đô thị lân cận và cả khu vực Đông Nam Á. Đây sẽ là nền tảng để Thành phố Hồ Chí Minh nâng cao năng lực quản trị đô thị, phát triển bền vững và mở rộng hợp tác toàn diện với các đối tác toàn cầu. Thành phố cam kết đồng hành cùng Trung ương, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức tài chính quốc tế, các nhà đầu tư, chuyên gia trong và ngoài nước để kiến tạo một Trung tâm tài chính toàn diện - nơi hội tụ dòng vốn chất lượng, dòng tri thức sáng tạo, đột phá với các chuẩn mực quốc tế.
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng đánh giá: Thế giới đang trải qua một kỷ nguyên nhiều biến động. Bên cạnh đó, sự phát triển vượt bậc về khoa học công nghệ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain (công nghệ chuỗi khối)… khiến trật tự tài chính toàn cầu không ngừng dịch chuyển. Trong bối cảnh đó, các Trung tâm tài chính toàn cầu cũng đang tái cấu trúc mạnh mẽ, từ đơn thuần cung cấp dịch vụ vốn sang trở thành nơi hội tụ đổi mới sáng tạo, công nghệ tài chính, tài chính xanh và các sản phẩm đặc thù. Việt Nam đang đứng trước "cơ hội vàng" để định vị vai trò, vị thế của mình trong chuỗi Trung tâm tài chính toàn cầu. “Việc xây dựng Trung tâm tài chính đối với Việt Nam là vấn đề mới và chưa có tiền lệ. Chúng ta sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để lỡ mất thời cơ”, Bộ trưởng Tài chính nói.