Tăng cường các biện pháp chăm sóc, bảo vệ trẻ vị thành niên

Theo thống kê của ngành chức năng, trong hai năm qua, tình trạng trẻ em gái ở độ tuổi vị thành niên mang thai, sinh con tại tỉnh Quảng Ngãi đang có chiều hướng tăng. Từ năm 2023- 2024, tại năm huyện miền núi có 383 trẻ em từ 13 đến 16 tuổi mang thai, sinh con. Tỷ lệ sinh con của trẻ vị thành niên chiếm 4,4% năm 2023 và tăng 6,6% trong năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Y, bác sĩ Trung tâm y tế huyện Sơn Hà chăm sóc trẻ sơ sinh.
Y, bác sĩ Trung tâm y tế huyện Sơn Hà chăm sóc trẻ sơ sinh.

Trong đó, huyện Ba Tơ 175 trường hợp, Sơn Hà 87, Sơn Tây 56, Trà Bồng 45 và Minh Long 20 trường hợp trẻ vị thành niên mang thai, sinh con. Tại tỉnh Quảng Ngãi, tỷ lệ bé gái từ 14 đến 16 tuổi mang thai chiếm 35% tổng số trẻ vị thành niên mang thai.

Gia tăng tình trạng trẻ vị thành niên mang thai

Hầu hết tại các xã, huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi đều xảy ra tình trạng trẻ vị thành niên mang thai. Bên cạnh đó, các huyện khu vực đồng bằng cũng có 33 trường hợp.

Vấn đề này là gánh nặng cho ngành y tế, gây nguy cơ rủi ro tai biến sản khoa trong công tác chăm sóc, điều trị cho bà mẹ và trẻ em. Đồng thời, trẻ vị thành niên mang thai, sinh con để lại hệ lụy dai dẳng cho nhiều thế hệ; ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh; tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở miền núi; ảnh hưởng đến tầm vóc, thể lực của thế hệ mai sau.

“Trạm y tế xã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ vị thành niên mang thai. Các trường hợp này chúng tôi phải chuyển lên tuyến trên để bảo đảm an toàn nhất cho thai phụ. Tuy nhiên, vẫn còn những trường hợp không chuyển kịp phải cố gắng xoay xở. Trạm cũng thường xuyên vận động, tuyên truyền kiến thức về sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, trẻ em gái”, đại diện Trạm y tế xã Sơn Hạ cho biết.

Trong những năm qua, các bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai nhiều chính sách, chương trình phát triển kinh tế và an sinh xã hội ở cơ sở. Xây dựng hạ tầng miền núi, phát triển kinh tế; chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em; nâng cao dinh dưỡng cho trẻ miền núi; giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh… được thực hiện thường xuyên, phù hợp với thực tiễn địa phương. Tuy nhiên, một số vấn đề xã hội phát sinh, kéo dài chưa giải quyết được, trong đó có tình trạng trẻ vị thành niên mang thai, làm mẹ từ sớm. Bên cạnh nguyên nhân về nạn tảo hôn, công tác tuyên truyền chưa hiệu quả, thiếu giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm chưa kiên quyết, thì một số nguyên nhân mới cũng tác động khiến tình trạng trẻ vị thành niên mang thai gia tăng.

“Các chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều có nhiều chương trình, dự án liên quan đến giảm tảo hôn, chăm sóc trẻ em, phụ nữ, tạo sinh kế cho người dân miền núi. Nhiều hoạt động, dự án hiệu quả nhưng bên cạnh đó vẫn còn tình trạng tảo hôn, sinh kế cho người dân chưa đạt mục tiêu đề ra”, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Hồ Ngọc Thịnh cho biết.

Cần nhiều biện pháp hỗ trợ, chăm sóc trẻ vị thành niên

Tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm nâng cao đời sống của nhân dân vùng nông thôn, miền núi. Tuy nhiên, một số dự án thành phần của các chương trình mục tiêu về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất triển khai chưa đồng đều, chưa phát huy hiệu quả như mong muốn.

Một thực tế diễn ra trong nhiều năm qua là tình trạng người dân miền núi tỉnh Quảng Ngãi làm thời vụ trồng keo, thu hoạch cà-phê, tiêu, điều ở các tỉnh khu vực miền trung, Tây Nguyên ngày càng phổ biến. Người dân làm ăn xa, làm thời vụ khiến địa phương khó triển khai các chương trình, chính sách cho vùng miền núi; “khoảng trống” chăm sóc, dạy dỗ con cái ngày càng tăng; nhiều trường hợp trẻ vị thành niên mang thai trong thời gian cha mẹ đi làm ăn xa. Theo Phó Chủ tịch xã Ba Dinh Phạm Văn Tiến: “Xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ có bảy thôn với 1.500 hộ, trong đó 371 hộ nghèo. Ở đây, một số người trẻ đi làm ở khu công nghiệp trong tỉnh, còn lại 90% số dân sống nhờ cây keo, mì và chăn nuôi”.

Để giảm tình trạng trẻ vị thành niên mang thai, sinh con, cũng như thực hiện tốt công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần quan tâm hơn nữa vấn đề này. Cần tăng cường phổ biến luật pháp về vị thành niên, luật hôn nhân gia đình, luật hình sự, luật trẻ em; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe vị thành niên; tư vấn tâm lý học đường trong trường học; hướng dẫn học sinh sử dụng internet an toàn...

Bên cạnh đó, triển khai các biện pháp hiệu quả nhằm ngăn ngừa, giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm.

Tạo việc làm, hình thành vùng sản xuất, chuyên canh để ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là khu vực miền núi, là một trong những yếu tố an sinh, góp phần giảm tình trạng mang thai, sinh con ở trẻ vị thành niên. Vì vậy, cần nâng cao hiệu quả trong thực thi chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia, mô hình kinh tế miền núi phù hợp.

“Chúng tôi cho rà soát tất cả vấn đề liên quan trẻ vị thành niên mang thai và sẽ thực hiện các biện pháp hiệu quả hơn để tăng kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em ở miền núi. Đặc biệt, nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương và hội phụ nữ các cấp từ cơ sở”, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lê Na bày tỏ.

Hiện nay, công tác sáp nhập tỉnh, thành phố, cấp xã thực hiện quyết liệt, với mục tiêu hướng về cơ sở, mạnh từ cơ sở. Đây là điều kiện thuận lợi để chính quyền cơ sở nâng cao trách nhiệm, gắn với các biện pháp thực thi chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội cụ thể và hiệu quả nhất. Từ đó, có thể giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội từ cơ sở, ngăn chặn, giảm những vấn đề xã hội mới phát sinh.