Không để người lao động chọn cách rút lui khỏi hệ thống an sinh là yêu cầu cấp thiết, đặt ra những vấn đề cần giải quyết về chính sách, thị trường và cả trách nhiệm xã hội.
Nhu cầu tìm việc làm cao
Trong ngày hè nóng bức, oi ả, phòng chờ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội gần như không còn chỗ trống. Người đến làm thủ tục trợ cấp thất nghiệp, người nhờ tư vấn tìm việc mới. Trong số đó có Hoàng Yến Như, 27 tuổi, tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Khi chúng tôi đến khảo sát ghi nhận tình hình, cô đang ngồi đợi đến lượt nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Yến Như từng là nhân viên tại một công ty tư nhân về công nghệ tại Hà Nội. Do một bộ phận thuộc công ty giải thể, cô là một trong số hàng chục lao động bị mất việc. Công việc trước đó mang lại cho cô mức thu nhập 12 triệu đồng/tháng, vừa đủ để trang trải sinh hoạt và gửi con học trường mầm non tư nhân. Nhưng sau khi nghỉ việc, mọi thứ đảo chiều, gia đình Yến Như lâm vào tình cảnh khó khăn. Chồng cô chuyển sang chạy xe Grab 12-14 giờ mỗi ngày. Bản thân cô bán hàng online, thanh lý vật dụng trong nhà để kiếm thêm trong lúc tìm việc mới.
“Tôi đã nghĩ đến việc rút bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, nếu rút thì cũng không được bao nhiêu tiền vì tôi mới tham gia đóng bảo hiểm được 40 tháng. Từ lúc mất việc, tôi cũng dừng đóng bảo hiểm”, Yến Như bộc bạch.
Thông qua hỗ trợ từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi trò chuyện với chị Nguyễn Thị Mai Lan, 47 tuổi, cũng là một phụ nữ đang chật vật trên hành trình mưu sinh sau khi bị mất việc. Chị Lan từng là Kế toán trưởng của một công ty. Sau khi công ty giải thể vào tháng 5/2024; tháng 2/2025, bảo hiểm xã hội yêu cầu chốt sổ, chị được hướng dẫn đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Là mẹ đơn thân nuôi con nhỏ 11 tuổi, lại chăm sóc mẹ già tai biến nằm một chỗ, chị Lan từng hy vọng khoản trợ cấp thất nghiệp là phao cứu sinh tạm thời, nhưng với khoản nợ hơn 480 triệu đồng, áp lực ngày một đè nặng.
“Tôi muốn rút bảo hiểm xã hội một lần. Biết là mất quyền lợi sau này, song nếu không giải quyết hiện tại thì rất khó khăn. Việc làm giờ khó vì mình vừa lớn tuổi, vừa không linh hoạt như lao động trẻ...”, chị Lan chia sẻ.
Một trường hợp khác tại Thành phố Hồ Chí Minh là chị Vũ Xuân Yến, 39 tuổi, từng làm cho một công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Quận 1 trước đây. Sau khi công ty phá sản vì hàng nhập không tiêu thụ được, chị nghỉ việc, mang thai rồi sinh con. Đến nay, con chị được 7 tháng tuổi. Đóng bảo hiểm xã hội được 5 năm 4 tháng, chị đang làm thủ tục rút một lần vì đời sống quá khó khăn.
“Tôi tính nếu rút thì được hơn một trăm triệu đồng, số tiền này có thể giúp gia đình trang trải trong một thời gian. Trợ cấp thất nghiệp tôi đã nhận gần một năm trước rồi. Giờ chỉ mong kinh tế sớm ổn định lại để có thể đi làm, rồi tham gia bảo hiểm xã hội tiếp”, chị Xuân Yến cho biết sau khi được cơ quan bảo hiểm xã hội địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh kết nối với chúng tôi.
Tăng hiệu quả kết nối việc làm của các trung tâm dịch vụ việc làm
Ông Ngô Xuân Liễu, Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm chia sẻ: Đến cuối tháng 6 năm nay, cả nước tiếp nhận 390.548 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Riêng trong tháng 6, có 56.938 người có quyết định hưởng trợ cấp, tăng 38% so với tháng trước. Tuy vậy, hiệu quả kết nối việc làm chưa cao, khi chỉ có 9.558 người được giới thiệu việc làm trong tháng 6, chiếm khoảng 9% so với tổng số được tư vấn. Số người được hỗ trợ học nghề, giải pháp quan trọng giúp tái hòa nhập thị trường còn hạn chế.
Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, Giám đốc Tạ Văn Thảo cho biết, từ đầu năm đến nay có 31.190 người đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, trong đó riêng tháng 6 là 3.980 hồ sơ. Cũng trong khoảng thời gian này, số người đăng ký tìm việc đạt 27.734 người, phản ánh áp lực gia tăng về lao động mất việc.
Qua nắm bắt tình hình tại các trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố cho thấy, phần lớn người đến giao dịch là lao động phổ thông, làm trong các ngành công nghiệp chế biến, may, chế tạo và dịch vụ. Họ có thu nhập thấp, mong muốn tìm công việc có lương cao hơn hoặc làm gần nhà. Tuy nhiên, các trung tâm gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin tuyển dụng do thiếu nhân sự, cơ chế tài chính chưa linh hoạt và doanh nghiệp có xu hướng tuyển dụng trực tiếp.
Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương nhận định, phát triển kinh tế-xã hội là yếu tố then chốt tạo việc làm ổn định, nâng cao năng suất lao động. Khi doanh nghiệp chủ thể trung tâm của nền kinh tế suy yếu hoặc rút lui khỏi thị trường, tác động sẽ lan rộng đến thị trường lao động và hệ thống an sinh xã hội.
Việc các doanh nghiệp đóng cửa hoặc thu hẹp hoạt động dẫn đến giảm nhu cầu tuyển dụng, thu hẹp cơ hội tái gia nhập thị trường lao động của người lao động. Tình trạng thất nghiệp kéo dài tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh.
Theo các chuyên gia: Phần lớn lao động thuộc khu vực ngoài nhà nước, thu nhập thấp, khó tích lũy, khi mất việc buộc phải xoay xở tài chính ngắn hạn trong bối cảnh hỗ trợ chưa kịp thời. Nhiều người xem bảo hiểm xã hội như một khoản thu ngắn hạn hơn là điểm tựa an sinh lâu dài.
Bên cạnh đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa phát huy hiệu quả giữ chân người lao động ở lại thị trường do hạn chế trong tư vấn, đào tạo, giới thiệu việc làm. Các rào cản pháp lý như quy định thời gian tối thiểu 20 năm để được hưởng lương hưu cũng khiến nhiều người nản lòng, trong khi bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa hấp dẫn, thiếu các chế độ ngắn hạn, mức hỗ trợ thấp. Việc rút bảo hiểm xã hội một lần khiến người lao động mất quyền được hưởng lương hưu, thẻ bảo hiểm y tế khi về già, đồng thời xóa bỏ thời gian đã đóng trước đó nếu quay lại hệ thống sau này.
Giải pháp thống nhất từ chính sách đến thực tiễn
Trước thực trạng người lao động rút lui khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội và áp lực lớn lên thị trường việc làm, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương cho rằng, điều quan trọng nhất là đưa chính sách vào cuộc sống, bảo đảm hệ thống an sinh thật sự đồng hành cùng người lao động, chứ không dừng ở vai trò ban hành luật. Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 là một bước chuyển quan trọng trong tiến trình cải cách, với nhiều quy định mang tính đột phá. Việc giảm thời gian đóng tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm mở ra cánh cửa cho nhiều lao động lớn tuổi, làm việc gián đoạn hoặc có thời gian tham gia ngắn. Luật cũng bổ sung chế độ trợ cấp hằng tháng cho những người không đủ điều kiện hưởng lương hưu, góp phần tăng thêm lựa chọn, phù hợp với nhiều hoàn cảnh thực tế. Đặc biệt, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện được điều chỉnh theo hướng tăng tính hấp dẫn, bổ sung chế độ thai sản và nâng mức hỗ trợ đóng từ ngân sách cũng như từ địa phương.
Cùng với đó, Luật Việc làm (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 đã có những điều chỉnh quan trọng nhằm hoàn thiện cơ chế bảo hiểm thất nghiệp. Các quy định mới hướng tới xây dựng bảo hiểm thất nghiệp thành công cụ quản trị thị trường lao động, không dừng ở chi trả trợ cấp mà gắn với đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp, giữ chân người lao động ở lại thị trường và tạo cơ hội quay lại sớm nhất.
Từ chính sách pháp luật cho đến thực tiễn triển khai, từ bảo hiểm xã hội đến phát triển doanh nghiệp, từ đào tạo nghề đến giới thiệu việc làm, tất cả đều phải hội tụ thành một hệ thống thống nhất, nhằm giữ người lao động ở lại hệ thống, thay vì để họ chọn cách rút lui.
Chính sách mới dù tốt đến đâu cũng chỉ là điều kiện cần. Để trở thành điều kiện đủ, phải có sự vào cuộc đồng bộ của toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là các bộ, ngành, địa phương và cơ quan bảo hiểm xã hội. Trong đó, ba nhóm giải pháp được Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Khương nhấn mạnh: Thứ nhất, tăng cường truyền thông, tư vấn chính sách bảo hiểm xã hội, giúp người lao động hiểu rõ hơn về quyền lợi dài hạn, những lựa chọn mới, và hậu quả của việc rút một lần.
Thứ hai, thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ duy trì việc làm, giới thiệu việc làm, đào tạo lại, học nghề để người lao động không bị bỏ lại phía sau khi mất việc.
Thứ ba, phát huy vai trò chỉ đạo, giám sát từ cấp ủy, chính quyền địa phương để bảo đảm việc triển khai luật đi vào thực chất, sát cơ sở và đến được đúng đối tượng cần hỗ trợ.
Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm Ngô Xuân Liễu cũng cho rằng, trong thời gian tới, cần tập trung ổn định bộ máy các trung tâm dịch vụ việc làm, nâng cao chế độ cho nhân viên, bảo đảm dịch vụ công thiết yếu này hoạt động xuyên suốt. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống quản lý việc làm và bảo hiểm thất nghiệp kết nối thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Việc hình thành Sàn giao dịch việc làm quốc gia đang được xúc tiến để tạo nền tảng kết nối nhanh chóng giữa người lao động và doanh nghiệp, rút ngắn thời gian tìm việc và hỗ trợ tái hòa nhập thị trường.
Về phía tổ chức đại diện người lao động, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh nhấn mạnh: Bảo hiểm xã hội là trụ cột quan trọng nhất của an sinh xã hội. Việc người lao động rút một lần không chỉ khiến họ mất đi quyền lợi thiết yếu khi về già mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến tính bền vững của hệ thống an sinh. Thời gian qua, các cấp công đoàn đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp chăm lo, hỗ trợ người lao động như: kết nối thông tin tuyển dụng, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề; giám sát việc thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp; thương lượng để giữ việc làm, bảo đảm thu nhập; triển khai các chính sách tín dụng tiêu dùng lãi suất thấp, hỗ trợ nhà ở, phúc lợi công đoàn…
Tổng Liên đoàn đã chủ động tham gia xây dựng, sửa đổi các luật quan trọng như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, đồng thời tham gia cùng Hội đồng tiền lương quốc gia đề xuất tăng lương tối thiểu vùng, giảm thời gian làm việc, góp phần giúp người lao động có điều kiện tài chính và động lực để gắn bó lâu dài với hệ thống an sinh.
Song hành với giải pháp an sinh là nhiệm vụ phát triển thị trường lao động. Việc phục hồi và nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân, như tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP đã đề ra, là điều kiện quan trọng để tạo thêm việc làm bền vững. Nhà nước cần tiếp tục cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, thúc đẩy đổi mới công nghệ và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời, cần chú trọng chính sách đào tạo kỹ năng và đào tạo lại lực lượng lao động, từ đó giúp ổn định thị trường và giữ vững sinh kế cho người dân.
Đại diện Bộ Nội vụ khẳng định, mục tiêu lâu dài là phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả và bền vững, đúng với tinh thần Nghị quyết số 06/NQ-CP năm 2023 và Nghị quyết số 225/NQCP năm 2023 của Chính phủ. Trong đó, chú trọng phân cấp triệt để, cải cách thủ tục hành chính, vận hành hệ thống dịch vụ việc làm trên nền tảng số, mở rộng thị trường lao động ngoài nước, đặc biệt là ở các quốc gia có ngành công nghiệp phát triển và thu nhập cao. Đây là cách tiếp cận vừa để giải bài toán ngắn hạn về việc làm, vừa tạo ra bước đệm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.
Từ chính sách pháp luật cho đến thực tiễn triển khai, từ bảo hiểm xã hội đến phát triển doanh nghiệp, từ đào tạo nghề đến giới thiệu việc làm, tất cả đều phải hội tụ thành một hệ thống thống nhất, nhằm giữ người lao động ở lại hệ thống, thay vì để họ chọn cách rút lui.