Đoàn khảo sát phục vụ thẩm tra Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. (Ảnh: VNFPU1)
Đoàn khảo sát phục vụ thẩm tra Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. (Ảnh: VNFPU1)

Tăng cường nền tảng pháp lý cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình

NDO - Việt Nam đang nỗ lực xây dựng Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, ổn định cho các hoạt động triển khai lực lượng và bảo đảm chế độ, chính sách cho cán bộ tham gia.

Trong hơn một thập kỷ qua, Việt Nam đã khẳng định vị thế là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế thông qua việc tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Từ việc đóng góp tài chính thường niên từ năm 1996 cho đến cột mốc năm 2014, khi Bộ Quốc phòng cử 2 sĩ quan đầu tiên tới Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan. Và tiếp đến năm 2022, Bộ Công an đã chính thức cử sĩ quan thực hiện nhiệm vụ tại các phái bộ quốc tế, dấu ấn Việt Nam trong nỗ lực toàn cầu vì hòa bình ngày càng được khẳng định.

Tuy nhiên, đi cùng với thành quả là những thách thức phát sinh từ thực tiễn triển khai. Một trong những điểm nghẽn lớn hiện nay là thiếu một hành lang pháp lý đủ mạnh để điều chỉnh toàn diện hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, vốn mang tính đặc thù cao, liên quan trực tiếp đến công tác phối hợp quốc tế, tuyển chọn, đào tạo lực lượng và bảo đảm chế độ chính sách lâu dài. Nhiều quy định hiện hành vẫn còn rời rạc, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng triển khai nhiệm vụ.

Tư liệu Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. (Ảnh: Đơn vị Cảnh sát gìn giữ hòa bình số 1 Việt Nam)

Trước thực trạng này, việc xây dựng và sớm ban hành Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc được xem là bước đi cần thiết và cấp bách.

Dự án luật, hiện đang được hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, gồm 5 chương với 29 điều, quy định rõ các nguyên tắc, đối tượng, lĩnh vực, hình thức triển khai; cơ chế bảo đảm nguồn lực; chế độ chính sách cho lực lượng tham gia; cũng như trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan.

Thượng tá Tô Long, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Bộ Công an về Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Phó Cục trưởng An ninh đối ngoại Bộ Công an, cho biết: “Luật này vừa cụ thể hóa những vấn đề thực tiễn đang triển khai, từ những kinh nghiệm thu hoạch được từ thực tiễn tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, nhưng mục đích chính là nhằm khuyến khích việc tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình không chỉ của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng mà cả dân sự nữa”.

Ông nhấn mạnh, việc xây dựng Luật sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc, góp phần bảo đảm hoạt động tham gia gìn giữ hòa bình của Việt Nam được triển khai hiệu quả, thông suốt và đúng quy định pháp luật, đồng thời thể hiện rõ trách nhiệm của Việt Nam trong việc thực hiện các nghĩa vụ quốc tế.

Luật hóa chính sách, khuyến khích cán bộ tích cực tham gia phái bộ quốc tế

Một điểm đáng chú ý trong dự luật lần này là sự quan tâm đặc biệt đến chế độ chính sách dành cho lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, bảo đảm từ khâu huấn luyện, triển khai nhiệm vụ ở nước ngoài đến khi hoàn thành nhiệm kỳ trở về nước.

Tăng cường nền tảng pháp lý cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình ảnh 2

Đại tá Lê Quốc Huy thuộc Văn phòng Thường trực Bộ Công an về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. (Ảnh: VNFPU1)

Đại tá Lê Quốc Huy thuộc Văn phòng Thường trực Bộ Công an về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc chia sẻ: “Dự luật lần này cũng rất quan tâm tới chế độ chính sách cho lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình, và chính sách đó được áp dụng không những trong quá trình huấn luyện trong nước, mà còn áp dụng trong khi triển khai, và đặc biệt là kể cả khi lực lượng đã kết thúc nhiệm kỳ và trở về an toàn. Thí dụ như là khen thưởng, ưu tiên xem xét sắp xếp các vị trí công tác cho phù hợp để có thể tận dụng các sĩ quan tham gia phái bộ có kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng...”.

“Những chế độ chính sách mà trong văn bản pháp luật quy định trước đây đều được dự luật lần này đề cập tới và nâng tầm lên, cũng như là có những điểm động viên, khuyến khích rất tốt, để cho tất cả lực lượng có thể động viên cá nhân cũng như là cán bộ chiến sĩ đăng ký tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”, Đại tá Lê Quốc Huy nhấn mạnh.

Tăng cường nền tảng pháp lý cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình ảnh 3

Đoàn khảo sát phục vụ thẩm tra Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. (Ảnh: VNFPU1)

Thực tế cho thấy, trước khi nhận nhiệm vụ tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, sĩ quan Công an Việt Nam đều trải qua quá trình huấn luyện khắt khe, được trang bị kiến thức về luật pháp quốc tế, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng sinh tồn trong môi trường đặc biệt, và cập nhật cả các văn bản pháp luật trong nước liên quan.

Việc ban hành một đạo luật chuyên biệt không chỉ tạo khung pháp lý đầy đủ và ổn định cho các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc mà còn củng cố sự đồng thuận chính trị, sự ủng hộ của xã hội với chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Trên hết, đây là bước cụ thể hóa đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam - một quốc gia luôn chủ động, tích cực hội nhập và đóng góp thiết thực vào nỗ lực gìn giữ hòa bình toàn cầu. Việc hoàn thiện luật không chỉ là yêu cầu từ thực tiễn, mà còn là minh chứng cho cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với sứ mệnh chung vì một thế giới hòa bình và bền vững.

back to top