Trong thời gian gần đây qua thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đã phát hiện một số bệnh viện chưa làm tốt công tác quản lý chất thải y tế, còn có hiện tượng để chất thải y tế lọt ra bên ngoài.
Trong những năm qua, ngành y tế và các địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý chất thải y tế. Nhiều bệnh viện đã được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế; thực hiện phân loại chất thải ngay tại nơi phát sinh, thu gom và lưu giữ tạm thời chất thải rắn y tế tại các bệnh viện; thực hiện việc chuyển giao và xử lý chất thải y tế bảo đảm đúng theo quy định.
Tuy nhiên, một số bệnh viện chưa làm tốt công tác quản lý chất thải y tế, còn có hiện tượng để chất thải y tế lọt ra bên ngoài. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về quản lý chất thải y tế cho cán bộ, nhân viên bệnh viện chưa được thường xuyên. Đặc biệt, lãnh đạo nhiều bệnh viện còn chưa quan tâm đến công tác quản lý chất thải y tế. Nhiều địa phương chưa bố trí đủ kinh phí để đầu tư xây dựng, vận hành thường xuyên hệ thống xử lý chất thải cho các bệnh viện.
Để chấn chỉnh công tác quản lý chất thải y tế trong các bệnh viện bảo vệ môi trường và sức khỏe của nhân dân, Bộ Y tế yêu cầu: Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố; lãnh đạo Y tế các bộ, ngành tiếp tục tăng cường công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về quản lý chất thải bảo vệ môi trường.
Trong đó, tập trung vào việc tăng cường phối hợp liên ngành thanh tra, kiểm tra giám sát công tác quản lý chất thải y tế để bảo vệ môi trường, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu bệnh viện; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến chính sách, pháp luật về quản lý chất thải y tế. Tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn về quản lý chất thải y tế cho đội ngũ cán bộ và nhân viên y tế…
Lãnh đạo các bệnh viện cần tăng cường triển khai các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý chất thải bảo vệ môi trường tại bệnh viện.
Theo đó, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất thải rắn y tế, không để tình trạng lọt chất thải rắn y tế nguy hại ra ngoài. Xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị vi phạm các quy định hiện hành về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế; Chỉ đạo các đơn vị vận hành thường xuyên hệ thống xử lý chất thải, hệ thống xử lý chất thải rắn (nếu có). Định kỳ kiểm tra giám sát tình trạng hoạt động của hệ thống xử lý chất thải của bệnh viện, đánh giá chất lượng nước thải sau xử lý để kịp thời khắc phụ những sự cố của hệ thống xử lý; báo cáo cơ quan quản lý về môi trường theo quy định. Nếu nước thải y tế sau xử lý không bảo đảm theo QCVN 28:2010/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật về nước thải y tế) hoặc khí thải lò đốt chất thải rắn y tế của bệnh viện (nếu có) không bảo đảm theo QCVN 02:2012/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải), thì bệnh viện phải có kế hoạch khắc phục phù hợp để bảo đảm nước thải sau xử lý, khí thải của lò đốt đạt quy chuẩn theo quy hoạch.
Trong trường hợp không tự xử lý chất thải y tế, bệnh viện phải ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân có giấy phép phù hợp để thu gom và xử lý chất thải theo đúng quy định của pháp luật...