Bên cạnh đó, bệnh khô vằn tiếp tục gây hại trên lúa trổ bông-chín; hại nặng cục bộ trên những chân ruộng gieo cấy dày, sử dụng phân bón không cân đối. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn tiếp tục gây hại tăng trên lúa trổ bông tại Nghệ An, Thanh Hóa; hại nặng cục bộ trên các chân ruộng bón phân không cân đối thừa đạm.
Bệnh đen lem lép hạt phát sinh gây hại trên lúa trổ bông-phơi màu, hại nặng cục bộ tại những vùng thường xuyên bị gây hại nặng trong những năm trước. Rầy nâu tiếp tục phát sinh, có xu hướng gây hại tăng trên lúa làm đòng, thậm chí gây cháy cục bộ trên các giống nhiễm.

Bệnh đạo ôn cổ bông gia tăng gây hại trên lúa đông xuân ở Bắc Trung Bộ
Tại các tỉnh Bắc Bộ, trong tuần này sâu non cuốn lá nhỏ tuổi lớn tiếp tục gây hại trên những diện tích lúa cấy muộn chưa được phun trừ hoặc phun trừ nhưng hiệu quả không cao. Rầy nâu-rầy lưng trắng chủ yếu là rầy lứa hai gây hại trên các trà lúa, giống nhiễm. Bệnh đạo ôn lá tiếp tục hại diện hẹp trên trà lúa muộn, giống nhiễm. Bệnh đạo ôn cổ bông gây hại tăng trên các trà lúa, giống nhiễm, nhất là trên những diện tích lúa đã bị nhiễm đạo ôn lá nặng.
Tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, ở khu vực đồng bằng, bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh đạo ôn lá... phát sinh và gia tăng gây hại lúa hè thu sớm giai đoạn mạ-đẻ nhánh. Còn ở Tây Nguyên, sâu đục thân, bệnh khô vằn, bệnh lem lép thối hạt hại nhẹ trên lúa đông xuân muộn giai đoạn chắc xanh-chín. Sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn lá gây hại rải rác lúa hè thu sớm giai đoạn mạ-đẻ nhánh.
Khu vực Nam Bộ cần lưu ý, hiện nay rầy nâu ngoài đồng phổ biến tuổi bốn và trưởng thành, gây hại phổ biến ở mức nhẹ đến trung bình trên lúa giai đoạn đòng, trổ. Các địa phương chuẩn bị xuống giống lúa hè thu 2025 cần chuẩn bị giống tốt, làm đất kỹ, theo dõi sát diễn biến rầy vào đèn cũng như tình hình khí tượng thủy văn tại địa phương để xuống giống lúa an toàn. Bệnh đạo ôn, bạc lá vi khuẩn, bệnh đen lép hạt có khả năng tiếp tục phát triển và gây hại tăng trên các trà lúa đang trong giai đoạn trổ-chín.

Giám sát chặt chẽ bệnh đạo ôn gây hại lúa đông xuân
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do sinh vật hại gây ra, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật yêu cầu các tỉnh trồng lúa khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tăng cường công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo, theo dõi chặt các đối tượng sinh vật gây hại trên lúa đông xuân 2024-2025 như: rầy nâu-rầy lưng trắng, sâu đục thân hai chấm, bệnh đạo ôn, chuột,…để có các biện pháp phòng, chống hiệu quả.
Lưu ý, giám sát chặt chẽ diễn biến phát sinh và gây hại của bệnh đạo ôn cổ bông, nhất là trong điều kiện thời tiết thuận lợi và trên các giống nhiễm; tiến hành phòng chống kịp thời tại những khu vực có tỷ lệ bệnh hại cao để hạn chế lây lan.
Các tỉnh trồng lúa khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến các đối tượng sinh vật gây hại chính trên lúa đông xuân muộn và lúa hè thu 2025, chủ động các biện pháp phòng, chống hiệu quả.