Tăng nguồn lực đầu tư cho khoa học-công nghệ

Nghị định số 180/2025/NĐ-CP ngày 1/7/2025 quy định về cơ chế, chính sách hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, được coi là hành lang pháp lý quan trọng để thực thi Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII.

Các chuyên gia nghiên cứu công nghệ tại phòng sạch Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh TIẾN LỰC)
Các chuyên gia nghiên cứu công nghệ tại phòng sạch Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh TIẾN LỰC)

Tại cuộc họp báo mới đây của Bộ Tài chính, ông Bùi Thy Hùng, Phó Cục trưởng Đấu thầu cho biết, cùng với các sửa đổi trong Luật PPP, Nghị định số 180 ban hành và có hiệu lực ngay lập tức kỳ vọng sẽ tạo đột phá thu hút đầu tư tư nhân cho khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Nghị định số 180 hướng đến đầu tư cho hạ tầng mềm, tài sản vô hình, với lợi nhuận không dễ nhìn thấy trước mắt. Trước khi có Nghị định số 180, các hoạt động hợp tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo chủ yếu là hình thức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, chưa có cơ chế đồng hành thật sự. Trong khi đó, mô hình hợp tác PPP đã chứng minh hiệu quả trong các lĩnh vực hạ tầng như giao thông, y tế nhưng chưa có thiết kế riêng cho lĩnh vực khoa học-công nghệ do tính chất đặc thù là tài sản vô hình, rủi ro cao, dài hạn và khó đo lường ngay lập tức.

Cũng giống như các hợp đồng PPP đã triển khai trước đây, tùy tính chất dự án, các bên có thể lựa chọn linh hoạt hình thức hợp đồng như BOT (Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao), BTL (Xây dựng-Chuyển giao-Thuê dịch vụ), O&M (Kinh doanh-Quản lý), BT (Xây dựng-chuyển giao), cùng các hình thức hợp tác công tư khác… Đây không chỉ là sự mở rộng về phạm vi, mà là một sự thay đổi căn bản từ việc nhà nước “độc quyền” đầu tư, chuyển sang mô hình cùng nhau kiến tạo, chia sẻ rủi ro và lợi ích.

Nghị định quy định hàng loạt ưu đãi cụ thể, thiết thực như: Miễn giảm tiền sử dụng đất, chi phí thuê tài sản công; được sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo...

Đáng chú ý, đây là lần đầu nhà nước thiết lập cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu mang tính bảo hộ cao. Theo đó, nếu doanh thu thực tế của dự án trong ba năm đầu thấp hơn so với phương án tài chính đã thỏa thuận, nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phần chênh lệch. Trường hợp doanh thu sau ba năm vẫn không đạt 50% mức dự kiến, hai bên có quyền chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được nhà nước chi trả toàn bộ kinh phí đầu tư, xây dựng hạ tầng khoa học-công nghệ và các chi phí vận hành.

Nghị định còn giải tỏa các điểm nghẽn về dữ liệu và sở hữu trí tuệ khi các bên có thể đồng sở hữu nền tảng công nghệ, phần mềm, dữ liệu phát sinh từ quá trình hợp tác, tùy theo tỷ lệ đóng góp. Trước đây, nhiều doanh nghiệp e ngại đầu tư nghiên cứu vì không rõ cơ chế phân chia tài sản sau nghiên cứu.

Theo Nghị định số 180, doanh nghiệp không phải nộp một khoản tối thiểu 2% doanh thu khi sử dụng các hạ tầng tài sản công trong các đơn vị nhà nước. Đây cũng là điểm đột phá thể chế, giúp nhà nước đồng hành với doanh nghiệp thông qua tài sản sẵn có, doanh nghiệp có thể hợp tác dễ dàng với các viện trường, được tiếp cận tài sản công như dữ liệu, hạ tầng thí nghiệm, nguồn nhân lực…

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý chính là lần đầu tiên mua sắm công được nhìn nhận như một công cụ chính sách nhằm tạo lập và dẫn dắt. Thay vì chỉ tập trung đầu tư cơ sở vật chất hoặc tài trợ cho các nghiên cứu rời rạc, nhà nước được trao quyền đặt hàng các nhiệm vụ khoa học-công nghệ lồng ghép trong dự án PPP. Cơ chế này giúp tháo gỡ một nút thắt đã tồn tại lâu năm, đó là nhiều kết quả nghiên cứu khoa học trong nước không có đầu ra, không có thị trường tiêu thụ.

Phân tích tại một hội thảo gần đây, ông Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thẳng thắn chỉ ra: “Bản thân hoạt động đổi mới sáng tạo đã là mạo hiểm. Nếu không có sự bảo trợ từ nhà nước, không chỉ về tài chính, mà đặc biệt là thị trường, thì doanh nghiệp rất khó sống sót. Ở các nước phát triển, nhà nước luôn đứng sau những sản phẩm chiến lược để tạo ra thị trường dẫn dắt”.

Theo quy định của Nghị định số 180, các cơ quan nhà nước không chỉ tham gia góp vốn đầu tư công trong dự án PPP lên đến 70%, mà còn có thể tài trợ trực tiếp cho phần nghiên cứu triển khai trong dự án thông qua các nguồn quỹ sự nghiệp khoa học, các chương trình mục tiêu hoặc các cơ chế đặt hàng. Lúc này, nhà nước không chỉ là “đối tác vốn”, mà còn là “khách hàng đầu tiên” của sản phẩm khoa học nội địa.

Có thể bạn quan tâm

back to top