Tạo đột phá tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững

Với tiềm lực và lợi thế hiện có, Khánh Hòa đang đứng trước cơ hội phát triển tốt nhất từ trước đến nay. Tỉnh ủy đã thông qua chủ trương, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp để nâng tầm phát triển, đưa Khánh Hòa có mức tăng trưởng liên tục hai con số về kinh tế, thu ngân sách và thu nhập bình quân đầu người.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh Nhà máy đóng tàu Hyundai Việt Nam.
Toàn cảnh Nhà máy đóng tàu Hyundai Việt Nam.

Khánh Hòa có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi, khí hậu ôn hòa cùng bản sắc văn hóa độc đáo của vùng đất non trầm biển yến. Các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều khẳng định, Khánh Hòa có tiềm năng, lợi thế to lớn và khác biệt trong phát triển kinh tế biển và du lịch xanh, bền vững...

Kinh tế phục hồi mạnh mẽ

Nhìn lại 10 năm trước, năm 2015, Khánh Hòa có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 9,76%. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2015-2020 là 7,5-8%/năm trở lên, nhưng kết quả đạt được chỉ 6,1%/năm.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân nhớ lại, năm 2020, lần đầu tiên kinh tế Khánh Hòa tăng trưởng âm, với mức -10,5%, thuộc nhóm các tỉnh tăng trưởng âm sâu nhất cả nước. Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, với “mục tiêu kép” vừa chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế, nhưng tăng trưởng kinh tế năm 2021 vẫn âm, với mức -5,58%. Sau đó, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế của Khánh Hòa đã phục hồi mạnh mẽ.

Từ chỗ có hai năm liên tiếp tăng trưởng âm, năm 2022 kinh tế Khánh Hòa có mức tăng trưởng đột phá, GRDP tăng 20,7%, là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế dẫn đầu cả nước.

Từ chỗ có hai năm liên tiếp tăng trưởng âm, năm 2022 kinh tế Khánh Hòa có mức tăng trưởng đột phá, GRDP tăng 20,7%, là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế dẫn đầu cả nước. Tiếp đà, năm 2023, GRDP Khánh Hòa tăng 10,35%, xếp thứ tư cả nước, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung. Năm 2024, GRDP tăng 10,16%, đứng thứ bảy cả nước. Đây là năm thứ ba liên tiếp tỉnh Khánh Hòa có tỷ lệ tăng trưởng GRDP ở mức hơn 10% và giữ vững vị trí trong nhóm các địa phương có mức tăng trưởng cao của cả nước.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, hiện xuất khẩu và du lịch là hai lĩnh vực có mức tăng trưởng cao. Năm 2024, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 2 tỷ USD. Bên cạnh các lĩnh vực truyền thống như đóng tàu và thủy sản, các dòng sản phẩm yến sào, sầu riêng đã từng bước tạo được thị trường xuất khẩu.

Cũng trong năm 2024, Khánh Hòa đón hơn 10,6 triệu lượt khách du lịch, tăng 45,5%; trong đó, khách quốc tế đạt hơn 4,5 triệu lượt, tăng 89,3%. Tăng trưởng trong lĩnh vực du lịch vượt hơn 53% kế hoạch và đạt doanh thu hơn 52.000 tỷ đồng. Trong 10 năm trở lại đây, Khánh Hòa giữ vững nhịp độ tăng trưởng khá cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người đều tăng ổn định.

Thấy được vai trò của Khánh Hòa trong tiến trình phát triển của vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cũng như cả nước, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quốc hội ban hành Nghị quyết số 55/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Hai nghị quyết này như hai cánh cửa mở ra hướng phát triển mới, đầy triển vọng cho tỉnh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân chia sẻ: “Có quá nhiều việc phải làm, mà việc nào cũng lớn, cũng quan trọng và gấp gáp. Bởi vậy, chúng tôi phải chạy đua với thời gian. Cán bộ, công chức phải làm việc bằng hai, bằng ba công suất; một mặt phải rốt ráo thực hiện các nhóm giải pháp khôi phục sản xuất, phục hồi kinh tế, ổn định đời sống nhân dân sau đại dịch Covid-19; một mặt phải hoàn chỉnh các bước để thực hiện hiệu quả hai nghị quyết lớn với nhiều ưu đãi mà Trung ương đã dành cho Khánh Hòa”.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh

Theo Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nghiêm Xuân Thành: Khánh Hòa phấn đấu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt 10,5% và giai đoạn 2026-2030 đạt 11-11,5%. Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh xác định ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân hằng năm đạt hơn 95% kế hoạch.

Để chuẩn bị cơ sở, nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế giai đoạn phát triển mới, tỉnh đã hoàn thiện khá đồng bộ các quy hoạch phân khu lớn, mở ra không gian phát triển cho những dự án trọng điểm sẽ thu hút đầu tư trong thời gian tới. Vừa qua, tỉnh đã tiếp xúc và thu hút được một số nhà đầu tư chiến lược để hiện thực hóa các quy hoạch phân khu, qua đó, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho người dân và tăng thu ngân sách. Bằng các nguồn lực rất lớn của Trung ương, của địa phương, tỉnh triển khai đồng bộ nhiều dự án kết cấu hạ tầng quan trọng, nhất là hạ tầng giao thông, mở ra không gian, tiềm năng phát triển mới cho tỉnh.

Hướng tới phát triển lâu dài, tỉnh Khánh Hòa xây dựng chiến lược phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao; hoàn thành các quy hoạch phân khu để kêu gọi đầu tư; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, chú trọng các nhà đầu tư chiến lược đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu để có những dự án thân thiện với môi trường, vừa nâng cao giá trị sản xuất, vừa tạo thuận lợi cho phát triển du lịch.

Riêng trong năm 2025, tỉnh xây dựng và ban hành kịch bản tăng trưởng kinh tế theo từng tháng, từng quý và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện, theo dõi và đánh giá. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thông qua, giao 50 nhiệm vụ đột phá cho các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, bao gồm các nhiệm vụ trên các lĩnh vực: Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, tổ chức và cán bộ; giải quyết các dự án tồn đọng; phát triển nông nghiệp, công nghiệp, đô thị, du lịch, giao thông; lập, triển khai các quy hoạch; khoa học-công nghệ, chuyển đổi số; công tác xã hội... Từng nhiệm vụ đột phá được giao phải bảo đảm 5 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ kết quả. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ đột phá năm 2025 của từng cơ quan, đơn vị là tiêu chí quan trọng trong đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm của cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Khánh Hòa đang đứng trước những cơ hội, vận hội rất lớn trong giai đoạn phát triển mới.

Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành, Khánh Hòa đang đứng trước những cơ hội, vận hội rất lớn trong giai đoạn phát triển mới. Song tỉnh xác định đang đối mặt với hai điểm nghẽn, thách thức lớn cần phải tập trung giải quyết, đó là điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực và những khó khăn, thách thức trong việc khơi thông các nguồn lực phát triển. Khánh Hòa cần có cơ chế, chính sách và phải có quyết tâm, nỗ lực rất lớn để thành công.

Khánh Hòa đang triển khai quyết liệt, hiệu quả chủ trương của Trung ương, Bộ Chính trị về tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy. Trước mắt, tỉnh sẽ hoàn thiện Đề án vị trí việc làm; xây dựng bộ công cụ đo lường, đánh giá năng suất, chất lượng, hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức (KPI), dự kiến sẽ triển khai từ quý II/2025. Về khơi thông các nguồn lực phát triển, đối với các dự án, công trình còn tồn đọng đến nay, tỉnh tập trung tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chủ trương để sớm đưa các dự án vào khai thác nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu ngân sách.

“Chúng ta đang đứng trước những tiềm năng, cơ hội rất lớn. Nếu như không có đất sạch, không có cơ chế tháo gỡ khó khăn, công việc chậm trễ, tất cả các cơ hội, tiềm năng đó sẽ qua đi. Chúng ta phải tăng cường phối hợp các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất. Việc này phải vừa bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật, vừa bảo đảm tiến độ và khả thi. Cùng với đó, quan tâm công tác thu hút đấu thầu, lựa chọn các nhà đầu tư có tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, tập trung cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh”- Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nghiêm Xuân Thành chia sẻ.