Phát hiện được công bố trên tạp chí Công nghệ sinh học tự nhiên (Nature Biotechnology) này càng khích lệ ý tưởng biến đổi gien các loại cây trồng để giúp cải thiện sức khoẻ con người.
Giáo sư Cathie Martin và các đồng nghiệp thuộc Trung tâm John Innes cho biết, những con chuột có tế bào ung thư ăn cà chua tím sống được 182 ngày, lâu hơn nhiều những con chuột ăn theo chế độ bình thường (142 ngày).
GS Martin nói: “Hiệu quả của thí nghiệm lớn hơn chúng tôi mong đợi rất nhiều.”
Công trình này tập trung nghiên cứu sắc tố tím, một loại chất chống ô-xi hóa có nhiều trong các loại quả như nho đen hay dâu đen, đã được chứng minh là có tác dụng làm giảm nguy cơ bị ung thư, bệnh tim mạch và một vài bệnh thần kinh khác.
Bằng việc sử dụng các gien tạo màu sắc cho hoa mõm chó, các nhà khoa học đã tạo ra loài cà chua có nhiều sắc tố tím.
Tuy nhiên, các nhà khoa học rất thận trọng với việc thử nghiệm trên người và bước tiếp theo sẽ là tìm hiểu ảnh hưởng của sắc tố tím đối với các khối u và việc tăng cường sức khỏe.
Nhưng kết quả nghiên cứu này thực sự đã giúp các nhà khoa học thêm tin rằng con người có thể cải thiện sức khoẻ bằng cách thay đổi chế độ ăn hàng ngày.
“Thật thú vị được chứng kiến những kỹ thuật mới đầy tiềm năng trong việc tạo ra những loại thực phẩm tốt hơn cho sức khỏe. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để khẳng định rằng sắc tố tím có trong bữa ăn hằng ngày có thể giúp giảm nguy cơ ung thư,” Giáo sư Lara Bennett thuộc trung tâm nghiên cứu ung thư Anh quốc nói.