Tập trung thực hiện tốt quy hoạch để thu hút đầu tư

Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ vừa công bố quy hoạch thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Chính phủ phê duyệt. Đây là quy hoạch tích hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, dài hạn để Cần Thơ phát triển tương xứng với vị trí, vai trò trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo thành phố Cần Thơ trao bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho doanh nghiệp tại hội nghị công bố quy hoạch.
Lãnh đạo thành phố Cần Thơ trao bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho doanh nghiệp tại hội nghị công bố quy hoạch.

Về tổng thể, quy hoạch thành phố Cần Thơ chia thành năm trục động lực kinh tế và ba vùng phát triển. Trong năm trục động lực kinh tế, hai trục ngang là tuyến phát triển dọc theo cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng; trong đó, phía đông chủ yếu phát triển thêm về công nghiệp, phía tây phát triển thêm du lịch sinh thái, đô thị. Tuyến hành lang kinh tế hiện hữu tây sông Hậu bao gồm các trục Quốc lộ 91, đường vành đai phía tây, đường tỉnh 920D tập trung phát triển thương mại-dịch vụ, đô thị sinh thái và đô thị công nghiệp.

Ba trục dọc bao gồm: Dọc theo các tuyến cao tốc Lộ Tẻ-Rạch Sỏi; đường liên vùng Ô Môn-Giồng Riềng; Quốc lộ 1A và tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau. Trong đó, tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi và Ô Môn-Giồng Riềng định hướng phát triển công nghiệp, tạo kết nối vùng về hành lang công nghiệp; tuyến dọc Quốc lộ 1A chủ yếu phát triển theo hướng kết nối hành lang đô thị chính của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trong ba vùng phát triển, vùng thứ nhất gồm các quận Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy; huyện Phong Điền và một phần diện tích quận Ô Môn, huyện Thới Lai. Đây là vùng đô thị phát triển mật độ cao, phát huy kết nối sân bay, đường sắt, đường thủy, đường bộ để thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vùng thứ hai gồm phần còn lại của hai quận Ô Môn, Thốt Nốt và một phần các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh.

Đây là vùng động lực phát triển kinh tế mới phía bắc với công năng đô thị, đô thị sinh thái cao cấp, đô thị công nghiệp, cảng, thương mại, dịch vụ, logistics. Vùng thứ ba gồm một phần các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh. Đây là vùng phía tây cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng tập trung chuyển đổi từ cây lúa sang cây trồng, vật nuôi khác kết hợp phát triển năng lượng mặt trời, công nghệ môi trường, du lịch sinh thái sông nước, trang trại...

Quyết định phê duyệt quy hoạch lần này kèm theo danh mục các công trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, trọng tâm là các công trình cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng khoa học-công nghệ, hạ tầng số, viễn thông, năng lượng... tạo điều kiện để thành phố Cần Thơ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình nhằm sớm hiện thực hóa quy hoạch.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Cần Thơ Lê Tiến Dũng cho biết, các công trình giao thông trọng điểm đã và đang triển khai theo quy hoạch; ngành giao thông Cần Thơ ưu tiên nguồn lực tài chính đầu tư sớm hoàn thành để “giao thông đi trước một bước”, mở ra không gian phát triển mới cho thành phố, tăng tính kết nối giữa các quận, huyện, kết nối giữa Cần Thơ với các tỉnh trong vùng, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Cần Thơ cũng xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ gắn đổi mới sáng tạo cấp vùng; xây dựng trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp vùng tại thành phố theo cơ chế đặc thù Nghị quyết 45/2022/QH15 của Quốc hội. Các trung tâm này kết hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn mở ra sự phát triển mới, khẳng định vị trí, vai trò trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long của Cần Thơ.

Để sớm hiện thực hóa quy hoạch cần nguồn vốn rất lớn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng quan trọng. Ngoài sự hỗ trợ của Trung ương, Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ vừa thông qua Nghị quyết cho phép phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương trong năm 2024 và 2025 để đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội. Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ cũng ban hành danh mục 56 dự án ưu tiên thu hút đầu tư theo quy hoạch.

Tại hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư hồi đầu tháng 12 vừa qua, thành phố Cần Thơ đã trao bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho hơn 40 nhà đầu tư với số vốn hơn 100 nghìn tỷ đồng. Để nhà đầu tư tìm thấy lợi ích, cam kết lâu dài, đóng góp vào sự phát triển của thành phố, Cần Thơ đã, đang tập trung giải quyết các điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính để tạo sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư...

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cho biết, tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Cần Thơ tập trung phát huy nội lực, khắc phục những khó khăn, hạn chế, sớm tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển nhanh trong thời gian tới. Trong các nguồn lực, thành phố xem trọng nhất là nguồn lực con người vì đây là yếu tố quyết định sự thành công.

Vì vậy, Thành ủy Cần Thơ tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu đủ năng lực, phẩm chất thực thi nhiệm vụ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; đồng thời xem xét thay thế những cán bộ đùn đẩy, né tránh công việc, tiêu cực, tham nhũng.

Thành ủy Cần Thơ yêu cầu Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng định mức công việc của cán bộ, công chức cụ thể, rõ ràng để đánh giá năng lực cán bộ, công chức trong thực thi công vụ nhằm khắc phục việc né tránh, thiếu quyết tâm, sợ sai, sợ trách nhiệm. Đó cũng là cơ sở quan trọng để đề bạt, bổ nhiệm cán bộ...