Tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực phía bắc

NDO - Ngày 24/5, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Xây dựng) đã có công điện yêu cầu các đơn vị, địa phương phía bắc tập trung ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt cục bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Mưa lũ làm sạt lở đường tại khu vực phía bắc.
Mưa lũ làm sạt lở đường tại khu vực phía bắc.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ở khu vực phía bắc đang có đợt mưa với cường độ lớn, có tính chất cực đoan xảy ra trên diện rộng.

Để chủ động ứng phó hậu quả mưa lũ gây ra đối với công trình, nhà cửa, cơ sở hạ tầng giao thông-xây dựng và bảo đảm an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan, ứng phó và sẵn sàng khắc phục hậu quả mưa lũ.

Trường hợp xuất hiện sạt lở lớn, gây ách tắc giao thông, các đơn vị, cơ quan chức năng cần cử ngay lãnh đạo đơn vị đến hiện trường, triển khai phương án phân luồng giao thông từ xa; khẩn trương khắc phục sự cố, huy động tối đa máy móc, trang thiết bị và nhân lực hiện có trên địa bàn để bảo đảm thông xe với thời gian nhanh nhất.

Thực hiện cắm đầy đủ báo hiệu đường bộ, biển cấm tạm thời tại các vị trí ngầm, tràn và các đoạn đường bị ngập do lũ lụt, các vị trí sạt lở đất đá, sạt, trượt, đứt nền đường và các vị trí khác không bảo đảm an toàn giao thông; rà soát bổ sung, điều chỉnh báo hiệu đường bộ khi cần thiết; kiên quyết không cho phép người, phương tiện tham gia giao thông đi qua các vị trí nguy hiểm.

Rà soát các dự án đang thi công để có biện pháp bảo đảm an toàn công trình, an toàn lao động, an toàn giao thông, phòng, tránh nguy cơ sạt lở, hư hỏng công trình.

Tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực phía bắc ảnh 2

Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị khẩn trương khắc phục sự cố, huy động tối đa máy móc, trang thiết bị và nhân lực, phấn đấu thông xe trong thời gian nhanh nhất.

Các Sở Xây dựng kiểm tra toàn bộ bến phà, cầu phao, bến đò và các phương tiện phục vụ công tác vượt sông được giao quản lý, kiên quyết đình chỉ hoạt động của các bến đò ngang trái phép. Các phương tiện vượt sông đưa vào sử dụng phải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và trang bị đầy đủ phương tiện cứu sinh, thiết bị an toàn; không tổ chức vận chuyển hành khách sang sông trong điều kiện thời tiết xấu,…

Duy trì nghiêm túc chế độ trực phòng chống thiên tai 24/24 giờ; công bố số điện thoại trực đường dây nóng về phòng chống thiên tai và đảm bảo thông tin liên lạc trong mọi tình huống; theo dõi chặt chẽ diễn biến của đợt mưa lớn diện rộng và có báo cáo thường xuyên về Bộ Xây dựng và Cục Đường bộ Việt Nam.

Cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu các Khu Quản lý đường bộ, Sở Xây dựng, doanh nghiệp, nhà đầu tư BOT thành lập đoàn kiểm tra phòng, chống, ứng phó mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt cục bộ trên các quốc lộ, đường cao tốc, chú trọng về xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống, ứng phó mưa bão; công tác chuẩn bị “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” để ứng phó mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét.

Tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực phía bắc ảnh 4

Các cơ quan, đơn vị được yêu cầu lên phương án đối phó diễn biến mưa lũ xảy ra trên diện rộng, bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống

Bên cạnh đó, các đơn vị cần kiểm tra kết cấu hạ tầng đường bộ, nhất là các công trình xung yếu: bến phà, cầu phao, cầu yếu, công trình neo đậu phà, ca nô, phao, ngầm, tràn, vị trí nguy cơ ngập, sạt lở đất, đá; các vị trí đã hư hỏng do mưa lũ năm 2024 chưa khắc phục xong; xây dựng, tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp trong ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với các lực lượng khác ở địa phương; xây dựng các phương án và tổ chức bảo đảm giao thông khi có các tình huống thiên tai gây ách tắc giao thông cục bộ trên các tuyến quốc lộ thuộc địa bàn quản lý; kiểm tra tình trạng hoạt động của máy móc, thiết bị, vật tư dự phòng sẵn sàng phục vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Các cơ quan, đơn vị lên phương án đối phó diễn biến mưa lũ xảy ra trên diện rộng, bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống và có biện pháp bảo vệ các công trình đường bộ, cầu cống, kho bãi, phương tiện vận tải, máy móc thi công để hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt cục bộ,v.v..

Kiểm tra, đánh giá tình trạng các cầu nằm trong vùng ảnh hưởng của đợt mưa lớn diện rộng; theo dõi thường xuyên và xử lý kịp thời khi thời tiết xấu ảnh hưởng đến khai thác, bảo đảm an toàn công trình cũng như cho người và phương tiện lưu thông qua cầu.

Đồng thời, lập tổ công tác kiểm tra, bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ trọng yếu; các đoạn đường đèo dốc, tuyến đường độc đạo, cầu yếu, cầu tạm, có phương án bảo đảm giao thông khi sự cố xảy ra; xử lý kịp thời các hư hỏng do thiên tai gây ra; rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, để có phương án xử lý và phân luồng giao thông từ xa; chủ động triển khai khắc phục hậu quả mưa lũ và bảo đảm giao thông thông suốt, bảo đảm an toàn cho người, thiết bị thi công và các hạng mục công trình đang trong quá trình thi công dở dang, đặc biệt chú ý các hạng mục thi công tại khu vực dễ bị sụt trượt, các công trình ở miền núi hay xảy ra lũ quét bất ngờ.

Chuẩn bị sẵn sàng vật tư dự phòng (dầm cầu, rọ thép) các vật liệu tại chỗ, thiết bị, nguồn lực dự phòng, bảo quản, sử dụng, cấp phát kịp thời, đúng quy định, đúng mục tiêu và đối tượng sử dụng cho phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; khi cần điều chuyển tăng cường đến các kho vật tư dự phòng gần các vùng, khu vực có dự báo sắp có giông lốc, mưa lớn, lũ lụt để chủ động ứng phó, rút ngắn thời gian,….