Thành phố Hồ Chí Minh thu hút đầu tư vào 14 khu công nghiệp mới quy mô 3.833ha

NDO - Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào 14 khu công nghiệp mới có quy mô 3.833ha từ nay đến năm 2033.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan phát biểu tại hội nghị sáng 9/5. (Ảnh: QUÝ HIỀN)
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan phát biểu tại hội nghị sáng 9/5. (Ảnh: QUÝ HIỀN)

Đây cũng là nội dung được công bố tại Hội nghị quy hoạch các khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và giải pháp thu hút đầu tư năm 2025 do Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (gọi là Ban Quản lý) phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh tổ chức ngày 9/5.

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, cùng đông đảo doanh nghiệp, các công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp và các nhà đầu tư tiềm năng.

Ông Phạm Thanh Trực, Phó trưởng Ban Quản lý cho biết, quy hoạch Khu công nghiệp được thực hiện trên toàn bộ địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm Thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện với tổng diện tích 2.095km2, cùng với không gian biển trực thuộc Thành phố theo quy định của pháp luật.

Trong giai đoạn phát triển mới, đối với các khu công nghiệp hiện hữu, thành phố định hướng giữ lại toàn bộ quỹ đất công nghiệp, đồng thời chuyển đổi theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Đồng thời, chuyển dịch nhanh những lĩnh vực công nghiệp, sản xuất sử dụng nhiều tài nguyên, ít hàm lượng giá trị gia tăng sang sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Ban Quản lý cũng cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất đối với nhà đầu tư khi tham gia đầu tư vào các Khu chế xuất mới hình thành, trong đó bảo đảm rút ngắn thủ tục hành chính và chuyển đổi số, thực hiện các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, tăng cường xúc tiến và quảng bá đầu tư...

Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh thông tin tiến độ triển khai 14 khu công nghiệp mới được phân kỳ theo 3 giai đoạn sau:

Giai đoạn 2025-2027: Khu công nghiệp Phạm Văn Hai I (379ha), Khu công nghiệp Phạm Văn Hai II (289ha), Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 3 (200ha) và Khu công nghiệp Nhị Xuân (199ha).

Giai đoạn 2027-2030: Khu công nghiệp An Phú (328ha), Khu công nghiệp Trung An (300ha), Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 4 (200ha), Khu công nghiệp Phạm Văn Hai III (238ha) và Khu công nghiệp Hiệp Phước 3 (500ha).

Giai đoạn 2030-2033: Khu công nghiệp Tân Phú Trung 2, Khu công nghiệp Tân Phú Trung 3, Khu công nghiệp Tân Phú Trung 4 có tổng diện tích 600ha, Khu công nghiệp Bình Khánh 1 (300ha) và Bình Khánh 2 (300ha).

Theo Ban Quản lý, hiện Ban Quản lý đã phối hợp các Công ty phát triển hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp nghiên cứu lập đề án chuyển đổi thí điểm tại 5 khu chế xuất, khu công nghiệp hiện hữu (Khu chế xuất Tân Thuận, Khu công nghiệp Hiệp Phước, Khu công nghiệp Tân Bình, Khu công nghiệp Cát Lái, Khu công nghiệp Bình Chiểu) với định hướng chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp công nghệ cao; khu công nghiệp sinh thái; khu công nghiệp-đô thị-dịch vụ; trung tâm logistics.

Trao đổi tại hội nghị, ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Tổng giám đốc Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) cho hay, Khu chế xuất Tân Thuận là 1 trong 5 khu chế xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh đang thực chuyển đổi sang mô hình mới có giá trị gia tăng cao. Định hướng trong thời gian tới của Khu chế xuất là tổ chức dịch vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao kết hợp thu hút những ngành nghề không ô nhiễm môi trường, giá trị gia tăng cao.

Ông Phong cũng nêu điểm hạn chế lớn hiện nay của thành phố là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến vận chuyển hàng hóa, logistic, vì vậy, cản trở này cần được thành phố ưu tiên, quan tâm giải quyết khi thu hút đầu tư phát triển Khu công nghiệp.

Ông Võ Thanh Phong, Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chia sẻ: Chuyển đổi Khu công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh là chủ trương lớn. Đất đai của Thành phố ít, do đó chú trọng đầu tư các mô hình công nghệ cao, giá trị gia tăng rất phù hợp.

Vấn đề làm sao quản lý các khu công nghiệp sau chuyển đổi hiệu quả, phù hợp với địa thế của mỗi địa phương vì Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu có đặc thù khác nhau.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan yêu cầu, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh phải có kế hoạch chi tiết, cụ thể để triển khai quy hoạch và thu hút đầu tư các Khu công nghiệp. Cùng với đó,17 khu chế xuất-khu công nghiệp hiện hữu phải chủ động xây dựng đề án chuyển đổi công nghệ, kích thích cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong khu từng bước chuyển đổi công nghệ sạch, xanh, thân thiện với môi trường.

“Phát triển công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tạo ra động lực và lan tỏa cho vùng Đông Nam Bộ. Việc phát triển trên tinh thần cùng nhau chia sẻ, hợp tác và lan tỏa giữa các địa phương. Phát triển công nghiệp Thành phố phải hướng tới công nghệ xanh, công nghệ số, công nghiệp sinh thái”, ông Hoan nhấn mạnh.