Thầy thuốc tận tâm nơi biên giới

Trong nhiều năm qua, với tư cách là Phó trưởng phòng khám đa khoa quân dân y A Xan thuộc Ðồn Biên phòng Tr’hy (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam), Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí cùng đội ngũ y, bác sĩ mang quân hàm xanh luôn hết lòng chăm sóc sức khỏe cho người dân tại các xã biên giới tỉnh Quảng Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới Việt-Lào.
Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới Việt-Lào.

Gần 20 năm gắn bó với biên giới, Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí coi biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc thiểu số là anh em ruột thịt. Ông vừa chăm sóc sức khỏe, vừa vận động đồng bào nơi đây xây dựng lối sống mới, cùng Bộ đội Biên phòng tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Thầy thuốc của vùng cao

Nguyễn Văn Quốc Trí (sinh năm 1980, ở xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) nhập ngũ vào lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam ở tuổi 20. Sau thời gian dài học tập và rèn luyện, năm 2007, người lính trẻ tốt nghiệp Trung cấp Quân y và nhận công tác tại Ðồn Biên phòng A Xan. Thời gian đầu công tác ở nơi đại ngàn, anh nhận thấy cuộc sống của người dân còn quá vất vả, nhất là nhận thức về y tế.

Tuy nhiên, lúc đó với vai trò là y sĩ, anh chỉ có thể khám chữa những bệnh thông thường cho người dân. Với mong muốn nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân nơi đây, anh đã viết đơn gửi Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho phép đi học tại Trường đại học Y (Ðại học Huế) và tự nguyện trang trải học phí.

Sau bốn năm nỗ lực học tập, anh tốt nghiệp trở lại đơn vị và được phân công về Ðồn Biên phòng Ðăk Pring (huyện Nam Giang). Ðến năm 2014, anh được điều sang Phòng khám đa khoa quân dân y A Xan, Ðồn Biên phòng Tr’hy (huyện Tây Giang) có nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân bốn xã biên giới của huyện Tây Giang gồm Axan, Tr’hy, Gary và Ch’ơm.

Ngoài ra, người dân ở các bản giáp biên thuộc huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào) vẫn thường xuyên tìm đến Phòng khám đa khoa quân dân y A Xan. Ðến nay, Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí được phân công giữ chức vụ Phó trưởng phòng khám đa khoa quân dân y A Xan.

Trước đây, mỗi khi đau ốm, phần lớn đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn các xã vùng biên thuộc huyện Tây Giang thường tìm gặp thầy cúng nhiều hơn là tìm đến trạm xá. Qua nhiều năm ở mảnh đất biên cương, Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí cùng những người lính mang quân hàm xanh và cán bộ, nhân viên Phòng khám đa khoa quân dân y A Xan đã kiên trì vận động, tuyên truyền.

Ðến nay, đồng bào các dân tộc nơi đây, nhất là người Cơ Tu đã nâng cao hiểu biết về tác hại của mê tín, dị đoan, từng bước xóa bỏ những hủ tục trong cộng đồng, nhất là câu chuyện về những “con ma rừng”.

Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí chia sẻ, do trình độ dân trí còn hạn chế cho nên vẫn còn không ít hủ tục. Vì thế, điều chúng tôi trăn trở là làm sao có thể để người dân hiểu và tin tưởng vào y học hiện đại, không còn sợ “con ma rừng”.

Bằng tình yêu và lòng kiên nhẫn, chúng tôi miệt mài vận động, tuyên truyền và trong vài năm trở lại đây đã phần nào xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong cộng đồng, giúp nâng cao hiểu biết về tác hại của mê tín, dị đoan và xóa dần câu chuyện về những “con ma rừng”.

Gần 20 năm gắn bó với đồng bào biên giới, không có tình huống nào mà bác sĩ Trí chưa trải qua. Bất kể thời điểm nào, khi có người trong bản làng ốm đau, bệnh tật, ngộ độc nấm, lá ngón, thực phẩm hoặc bị ong đốt, rắn độc cắn, nhất là sắp chuyển dạ sinh con đồng bào đều tin tưởng, tìm đến bác sĩ Trí. Bằng trách nhiệm của người lính và cái tâm người thầy thuốc, Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí đã cứu sống hàng chục sinh mạng, làm “bà đỡ” của rất nhiều sản phụ ở biên giới Việt-Lào.

Chị A Lăng Thị Chứng (xã A Xan, huyện Tây Giang) là một trong rất nhiều sản phụ ở khu vực biên giới đã được Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí giúp vượt cạn thành công cảm kích kể lại: “Ðêm đó đã khuya rồi tôi bị đau bụng dữ dội, ngoài trời thì mưa to, đường sá đi lại khó khăn, không thể di chuyển đến trạm xá hay phòng khám.

Chỉ khoảng 20 phút sau khi nhận được tin báo của chồng tôi, bác sĩ Trí đã tới tận nhà thăm khám và hướng dẫn tôi cách sinh nở. Sau 30 phút tôi đã sinh được bé trai nặng 3 kg. Vợ chồng tôi rất cảm ơn bác sĩ Trí đã đến kịp để giúp đỡ tôi sinh nở thành công”.

Chăm lo sức khỏe cho đồng bào vùng biên

Tại Phòng khám đa khoa quân dân y A Xan, trung bình mỗi năm đón tiếp, điều trị cho từ 6.000-8.000 lượt bệnh nhân trên địa bàn các xã biên giới tỉnh Quảng Nam và các bản giáp biên của huyện Kà Lừm (tỉnh Sê Kông, nước bạn Lào).

Từ năm 2016 đến nay, các cấp có thẩm quyền đầu tư xây dựng phòng khám với quy mô ngày càng lớn hơn, trang bị nhiều trang thiết bị y tế hiện đại như máy chụp X-quang kỹ thuật số, máy xét nghiệm sinh hóa tự động, máy tạo oxy tự động, máy hút dịch chạy điện 2 bình, lồng ấp trẻ sơ sinh, 10 giường cho bệnh nhân lưu trú và xe cứu thương để chuyển tuyến cho bệnh nhân khi cần thiết.

Ðáng chú ý là Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí thông thạo tiếng Cơ Tu khi khám chữa bệnh cho người dân. Việc làm này khiến người dân cảm nhận rõ hơn sự chân tình của người bác sĩ biên phòng. Khi ngôn ngữ không còn là rào cản, khoảng cách gần như không còn, người dân càng thêm tin vào lời nói, việc làm của những người lính biên phòng.

Ông Bling Mơ (xã Tr’hy, huyện Tây Giang) chia sẻ, Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí là người tâm huyết với đồng bào vùng cao. Khi nhận được thông tin về ốm đau trong thôn, làng bác sĩ Trí không ngại ngày đêm, vượt mọi địa hình để đến khám, chữa bệnh cho người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế. Ðồng bào dân tộc thiểu số ở nơi đây xem bác sĩ Trí như người nhà, luôn tin tưởng và nghe theo lời khuyên của bác sĩ Trí.

Theo Thiếu tá Lê Văn Thu, Chính trị viên Ðồn Biên phòng Tr’hy, Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí không chỉ có trình độ chuyên môn tốt, mà còn có tinh thần trách nhiệm cao khi vừa khám chữa bệnh, vừa vận động nhân dân thực hiện nếp sống mới.

Lời nói của bác sĩ Trí rất uy tín với người nhân trên địa bàn bởi luôn được cụ thể bằng hành động. “Với mỗi người lính biên phòng chúng tôi, khi quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia thì việc làm cho dân tin, dân ủng hộ là điều vô cùng quan trọng”, Thiếu tá Lê Văn Thu cho biết.

Với đóng góp tích cực, năm 2021, Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí trở thành một trong 10 điển hình được chọn tuyên dương “Gương sáng biên cương”. Năm 2022, anh nhận Bằng khen của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trong thực hiện nhiệm vụ tham gia phòng chống dịch Covid-19. Và trong năm 2024, anh góp mặt tại chương trình giao lưu “Ngời sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ” do Bộ Quốc phòng tổ chức. Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí khẳng định sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc nơi biên giới.

Ðại tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam chia sẻ, sự tận tụy, trách nhiệm, y đức và y thuật của mình, Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí đã cứu được nhiều mạng sống cho người dân ở khu vực biên giới và nước bạn Lào. Bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí là một trong những gương điển hình tiên tiến của Bộ đội Biên phòng trong công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.