Chú trọng khu công nghiệp công nghệ cao
Theo danh mục do Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố công bố, thành phố dự kiến đầu tư 14 khu công nghiệp mới với tổng diện tích 3.833 ha. Trong giai đoạn 2025-2027, đầu tư bốn khu công nghiệp: Phạm Văn Hai I, Phạm Văn Hai II, Vĩnh Lộc 3 và Nhị Xuân. Giai đoạn 2027-2030, đầu tư năm khu công nghiệp: An Phú, Trung An, Lê Minh Xuân 4, Phạm Văn Hai III và Hiệp Phước 3. Giai đoạn 2030- 2033 đầu tư thêm năm khu công nghiệp gồm Tân Phú Trung 2, Tân Phú Trung 3, Tân Phú Trung 4, Bình Khánh 1 và Bình Khánh 2.
Phó Trưởng ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố Phạm Thanh Trực cho biết: Quy hoạch khu công nghiệp được thực hiện trên toàn bộ địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện với tổng diện tích 2.095 km2, cùng với không gian biển trực thuộc thành phố theo quy định của pháp luật. Trước mắt, Ban Quản lý đang phối hợp các công ty hạ tầng thí điểm chuyển đổi năm khu chế xuất, khu công nghiệp gồm: Tân Thuận, Hiệp Phước, Tân Bình, Cát Lái và Bình Chiểu, với định hướng chuyển sang khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp-đô thị-dịch vụ và trung tâm logistics. Quy hoạch này cũng bảo đảm tất cả các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn; 100% số các cơ sở sản xuất, kinh doanh đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Khu chế xuất Tân Thuận là một trong năm khu chế xuất, khu công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh đang chuyển đổi sang mô hình mới có giá trị gia tăng cao. Ông Nguyễn Tấn Phong , Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận (chủ đầu tư xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7) cho hay: Khu chế xuất này đã có “thâm niên” 30 năm kể từ ngày đi vào hoạt động nên mô hình mà công ty lựa chọn trên cơ sở quỹ đất không nhiều, vị thế phù hợp để chuyển đổi sang mô hình ít thâm dụng lao động, tăng “chất xám” trong các mô hình sản xuất.
Khu chế xuất Tân Thuận định hướng thu hút và tổ chức dịch vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao bằng cách liên kết với các viện và trường đại học tổ chức đào tạo nhân lực về công nghệ thông tin, công nghiệp vi mạch... tạo đầu ra để cung cấp đội ngũ quản lý, kỹ sư cho các doanh nghiệp hoạt động trong khu.
Ông Hàng Vay Chi, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA), Chủ tịch Việt Hương Group đề xuất: Thành phố không nên tập trung thu hút các ngành công nghệ cao mà bỏ qua các ngành sản xuất truyền thống có giá trị gia tăng cao vì thực tế giá trị đổi mới cũng được đánh giá thuộc nhóm công nghệ cao miễn là thực hiện xu hướng “ít phát thải” trong sản xuất.
Ưu tiên hạ tầng bên ngoài để tạo lực hút đầu tư
Tại hội nghị công bố quy hoạch các khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới đây, thành phố định hướng sắp xếp và phân bố không gian tại các vùng công nghiệp như sau: Vùng 1 (huyện Bình Chánh) là vùng công nghiệp tập trung, phát triển các ngành công nghiệp chủ lực; vùng 2 (các huyện Củ Chi và Hóc Môn), là vùng công nghiệp hỗ trợ gắn với liên kết vùng; vùng 3 (thành phố Thủ Đức) là vùng đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, phát triển các ngành công nghiệp tiềm năng; vùng 4 (các huyện Nhà Bè, Cần Giờ) là vùng công nghiệp sạch gắn với kinh tế biển, bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên.
Theo ông Lê Văn Thinh, Trưởng ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố, trong giai đoạn phát triển mới, đối với các khu công nghiệp hiện nay, thành phố định hướng giữ lại toàn bộ quỹ đất công nghiệp; đồng thời, chuyển đổi theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, cơ cấu lại các ngành công nghiệp theo hướng phát triển công nghệ cao, khu công nghiệp thông minh, sinh thái, khu công nghiệp-đô thị- dịch vụ. Đồng thời, chú trọng kết nối với Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu sau sáp nhập, nhằm tạo chuỗi liên kết ngành và thu hút đầu tư hiệu quả. Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp cũng cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư khi tham gia đầu tư vào các khu chế xuất mới hình thành; trong đó, bảo đảm rút ngắn thủ tục hành chính và chuyển đổi số, thực hiện các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, hoàn thiện các thủ tục và điều kiện để thành lập các khu công nghiệp mới.
Về hạ tầng giao thông, nhiều nhà đầu tư vào khu công nghiệp cũng phản ánh: Hạn chế lớn hiện nay của thành phố là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến vận chuyển hàng hóa, logistics. Cản trở này cần được thành phố ưu tiên, quan tâm giải quyết khi thu hút đầu tư phát triển khu công nghiệp. “Việc vận chuyển hàng hóa ra các cảng đang rất khó khăn, mất thời gian vì đi đâu cũng “tắc”. Tại các khu chế xuất, thời gian gần đây có tới một nửa số lái xe container, xe tải phục vụ cho các doanh nghiệp trong khu xin nghỉ nên rất khó tuyển mới, vì yêu cầu công việc cao, áp lực về thời gian đi lại”, ông Nguyễn Tấn Phong dẫn chứng.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, thành phố sẽ triển khai quy hoạch theo hai hướng song song. Cụ thể, các khu công nghiệp mới quy hoạch hiện đại, đồng bộ, ưu tiên hạ tầng bên ngoài hàng rào để tạo lực hút đầu tư. Cùng với đó, 17 khu chế xuất, khu công nghiệp hiện tại phải chủ động xây dựng đề án chuyển đổi công nghệ mà không chờ đến hết thời hạn sử dụng đất mới bắt đầu; đồng thời, có giải pháp kích thích cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong khu sớm chuyển đổi công nghệ theo xu hướng xanh.