Hướng đến tư duy sáng tạo
Có mặt tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội, chúng tôi được biết, NCKH được xem như một trong những hoạt động thường niên của SV nhà trường. Ðặt ra mục tiêu chiến lược xây dựng trường không chỉ là trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực ở trình độ cao, mà còn là trung tâm NCKH, chuyển giao công nghệ tiên tiến chất lượng, nhà trường đã quan tâm đẩy mạnh phong trào NCKH, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong SV và được triển khai ở hầu hết các lĩnh vực đào tạo...
Với cơ chế, chính sách khuyến khích thường xuyên, ngay từ năm đầu tiên học tập tại trường, SV đã được trang bị, bồi dưỡng năng lực, phương pháp NCKH thông qua sự hướng dẫn, giảng dạy của đội ngũ giảng viên và cán bộ NCKH. Từ năm học thứ hai, SV có thể tham gia NCKH, đăng ký đề tài, chọn giáo viên hướng dẫn và thực hiện. Trò chuyện với chúng tôi, Nguyễn Ðức Khiêm, SV năm thứ ba Khoa Công nghệ thông tin, cho biết: "Ngay từ đầu năm học, SV đều được khoa phối hợp Hội SV vận động xây dựng kế hoạch NCKH và đề xuất đề tài cụ thể theo Kế hoạch triển khai Tuần sinh viên NCKH với nhà trường. Thầy giáo, cô giáo trong khoa sẽ định hướng nghiên cứu cho SV. Thời gian tiếp theo, nhà trường tổ chức hội nghị SV NCKH cấp khoa, cấp viện và triển lãm sản phẩm NCKH của SV. Gần cuối năm học, Hội đồng khoa học cấp trường xét giải SV NCKH và tiến hành tổng kết, trao giải thưởng".
Ðánh giá kết quả NCKH của SV những năm qua, Chủ tịch Hội SV Trường đại học Bách khoa Hà Nội Nguyễn Thành Trung cho biết: "Hằng năm, trường đều triển khai một khối lượng lớn hàng trăm đề tài NCKH cấp trường, cấp bộ, cấp nhà nước có sự tham gia của SV. Trong đó, có hàng chục đề tài, dự án phối hợp giữa trường và các trường đại học, viện nghiên cứu nước ngoài. Các kết quả nghiên cứu được công bố dưới dạng bài báo đăng trên các tạp chí chuyên môn trong nước và quốc tế. Không ít trong số đó được trao giải thưởng VIFOTEC, Giải thưởng Nhà nước...".
Xác định đẩy mạnh phong trào NCKH trong SV là một nội dung công tác trọng tâm, Hội SV Trường đại học Bách Khoa Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, mô hình thu hút SV tham gia, như: Diễn đàn phương pháp học tập, cuộc vận động "Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục", hội thảo khoa học, Tuần lễ sinh viên NCKH... "Ngoài những hoạt động khoa học như nêu trên, chúng tôi còn chú trọng đến một hình thức học tập rất năng động và hiệu quả dành cho SV, đó là các câu lạc bộ (CLB) học tập như: CLB Robocon, CLB Tiếng Anh, CLB Tiếng Nhật, CLB IT... Theo tổng kết của chúng tôi, khi tham gia hoạt động của các CLB học tập, SV thường có kết quả học tập tốt hơn", anh Nguyễn Thành Trung nhấn mạnh.
Tại Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, Hội SV nhà trường đã thành lập CLB NCKH nhằm tạo sân chơi, phát huy ý tưởng sáng tạo cho SV. CLB còn là cầu nối giữa các SV nhà trường với những người làm công tác NCKH trong cả nước. Bên cạnh đó, SV nhà trường cũng tự thành lập một thư viện, nơi này là diễn đàn học tập giúp các bạn trẻ trao đổi tài liệu, giáo trình, công trình NCKH... Hằng năm, Hội SV trường còn tổ chức ngày hội trao đổi sách, giúp các SV không chỉ tìm thấy những tài liệu mình cần, mà còn tiết kiệm được chi phí mua tài liệu, giáo trình... Hội SV nhiều trường đại học tại Hà Nội, bên cạnh vận động SV tham gia các công trình, đề tài nghiên cứu, đã tổ chức các cuộc thi nhằm phát huy ý tưởng sáng tạo của SV, đồng thời, liên kết phòng quản lý NCKH của trường và phối hợp một số sở, ban, ngành của thành phố để giúp SV có kinh phí triển khai thực hiện công trình nghiên cứu của mình. Cùng tham gia công trình nghiên cứu đề tài về bình đẳng giới với các bạn cùng lớp, SV Phan Kiên Trung, Khoa Xã hội học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: "Qua những buổi làm việc nhóm, chúng em không chỉ hiểu hơn về những bài giảng trên lớp mà còn góp phần tạo ra những sản phẩm có giá trị ứng dụng trong thực tiễn. Mỗi bước đi của nhóm đều có sự chỉ bảo tận tình của thầy cô và những hỗ trợ thiết thực của Hội SV. Nếu môi trường học tập nào cũng được quan tâm đầy đủ như vậy, em tin là SV sẽ học tập tốt hơn".
Ðể thu hút các bạn trẻ tham gia NCKH, Chủ tịch Hội SV thành phố Hải Phòng Bùi Thị Ngọc chia sẻ sáng kiến: "Hội đã chủ động gây quỹ phục vụ NCKH. Hằng tuần, mỗi SV tiết kiệm 1.000 đồng đóng góp vào quỹ. Thông qua quỹ, những sinh viên có ý tưởng được đánh giá khả thi, có tính ứng dụng sẽ được hỗ trợ kinh phí thực hiện. Thực tế cho thấy, hoạt động này không chỉ chắp cánh cho SV đến với ước mơ NCKH, mà còn hướng họ đến với tư duy sáng tạo, có thêm những tri thức mới, rèn luyện được thêm nhiều kỹ năng, đồng thời cũng sáng tạo được thêm nhiều sản phẩm có giá trị".
Tạo điều kiện, hỗ trợ sinh viên tham gia NCKH
Theo tìm hiểu của chúng tôi, có không ít SV nhận thức chưa đầy đủ về hoạt động nghiên cứu, cho rằng việc đó chỉ có thể do những người có chuyên môn học thuật thực hiện. Ðối với nhiều SV khác, do chỉ được trang bị kiến thức chung và cơ bản cho nên không tự tin và kiên trì để triển khai một hoạt động học thuật đòi hỏi yêu cầu cao như nghiên cứu. Chủ tịch Hội SV Trường đại học khoa học tự nhiên (Ðại học quốc gia Hà Nội) Nguyễn Thị Kim Anh cho biết: "Tôi có thể khẳng định phong trào NCKH chưa thật sự lan tỏa tới mọi SV. Nhưng cũng có không ít SV thiếu năng động và tự lập trong quá trình học tập, dễ dàng hài lòng với những kiến thức được trang bị sẵn và ít có nhu cầu tạo ra hay khám phá kiến thức ở chiều sâu hơn hay ở tầm rộng hơn. Bên cạnh đó, sự hiểu biết của SV về phong trào chưa đầy đủ, nhiều người chưa hiểu rõ thế nào là NCKH, không biết bắt đầu từ đâu, cần chuẩn bị những gì và xúc tiến ra sao". Theo Kim Anh, việc tổ chức hoạt động nghiên cứu ở nhiều trường đại học không được coi trọng đúng mức. Cần thay đổi quan niệm về NCKH trong SV khi cho rằng, đây chỉ đơn thuần là hoạt động mang tính phong trào, bởi vì, có nhiều công trình nghiên cứu của SV đã thật sự mang lại ý nghĩa và có tính khả thi cao, đạt các giải thưởng NCKH cấp bộ, cấp nhà nước và được đăng trên nhiều tạp chí khoa học danh tiếng thế giới.
Cùng quan điểm với Kim Anh, Chủ tịch Hội SV nhiều trường đại học, học viện, cao đẳng cũng cho rằng, một số nơi vẫn quan niệm NCKH của SV là hoạt động phong trào, mà đã là phong trào thì rất dễ nảy sinh hiện tượng chạy theo thành tích, làm đối phó, có tính thời điểm và chất lượng không cao. Hơn nữa, còn có ý kiến cho rằng, hoạt động này chỉ là sự tập dượt cho SV nghiên cứu, còn NCKH thật sự phải dành cho bậc học cao hơn. Cách nghĩ này đã vô hình trung hạ thấp, thậm chí phủ nhận thành quả NCKH của SV ngay từ khi mới hình thành ý tưởng.
Ðể hoạt động NCKH ngày càng thu hút SV và đạt hiệu quả cao hơn, nhiều ý kiến SV cho rằng: Bên cạnh sự hỗ trợ từ nhiều phía, sự nhận thức đầy đủ và nỗ lực của mỗi SV thì vai trò của tổ chức Hội SV trong nhà trường là rất quan trọng, như tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm trao đổi nhằm giới thiệu, trang bị cho SV những phương pháp học tập hiện đại, xây dựng mục tiêu, thái độ học tập, nghiên cứu đúng đắn; kết hợp với việc giao lưu giữa SV với những người thành công trong học tập, NCKH, từ đó thắp sáng ước mơ, hoài bão trong SV.
Từng tham gia một số đề tài NCKH tại Trường đại học Dược Hà Nội, SV Bảo Oanh đề xuất: "SV ai cũng mong muốn Hội gắn bó, đồng hành tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của của mình. Nhưng muốn vậy thì cán bộ Hội phải đi sâu, nắm rõ tình hình học tập của từng cá nhân trong chi hội và thường xuyên phản ánh ý kiến của SV với các cấp thẩm quyền. Một mong muốn nữa là Hội cần đa dạng hóa nội dung, hình thức các sân chơi kiến thức, duy trì hiệu quả các CLB học thuật và kỹ năng cho SV gắn với công tác thi đua - khen thưởng, nhân rộng điển hình trong học tập và NCKH. Trong đó, SV được chăm sóc và trau dồi cả kiến thức và kỹ năng, học mà chơi, chơi mà học tại các CLB này, vì đây vừa là sân chơi, vừa là môi trường để các sinh viên giao lưu, học tập, tích lũy kiến thức, rèn luyện kỹ năng mềm cũng như các kỹ năng nghề nghiệp khác. Công tác làm cầu nối giữa SV với nhà trường, các doanh nghiệp, các trung tâm nghiên cứu của Hội cũng rất quan trọng để từ đó góp phần nâng cao chất lượng và tính ứng dụng của các đề tài NCKH trong SV". Nhiều bạn trẻ cho biết, thông tin về NCKH đến với họ rất ít, vì thế, Hội cũng nên có những hoạt động thúc đẩy tuyên truyền, đưa các thông tin NCKH đến gần hơn với SV qua những kênh như: bảng tin, nội san, mạng xã hội... Ðiều này sẽ giúp SV cảm nhận NCKH là thiết thực với bản thân.
Từ thực tế cho thấy, để thu hút SV đến với NCKH thì Hội SV cần chủ động phối hợp, đưa ra nhiều hơn nữa các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện giúp SV đến với các hoạt động sáng tạo. Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho SV, coi NCKH là hoạt động trí tuệ nhằm vận dụng phương pháp luận và phương pháp NCKH trong học tập và trong thực tiễn để rèn luyện, hình thành cho họ tư duy và phương pháp làm việc khoa học, kỹ năng xác định và giải quyết vấn đề, có kiến thức thực tế, cơ hội định hướng và phát triển nghề nghiệp sau này.
Ðề tài NCKH của SV được hỗ trợ kinh phí không đáng kể. SV phải tự lo. Còn nếu may mắn được hỗ trợ kinh phí thì không biết phải tới bao nhiêu nơi và bao nhiêu lượt mới có thể được thanh toán. Khi đó, số tiền chi cho việc đi lại đã vượt xa so với phần hỗ trợ mà các SV nhận được.
Nguyễn Thị Kim Anh
Chủ tịch Hội SV Trường đại học Khoa học tự nhiên (Ðại học quốc gia Hà Nội)