Thủ tướng và Đoàn công tác dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch 81 ngày đêm (28/6 đến 16/9/1972) chiến đấu và bảo vệ thị xã Quảng Trị cũng như Thành cổ Quảng Trị.
Sự hy sinh của các chiến sĩ là biểu tượng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; nguồn động viên, cổ vũ đồng chí, đồng bào tiến lên giành thắng lợi cuối cùng vào Đại thắng mùa Xuân 1975, đưa đất nước đi đến thống nhất, hòa bình và độc lập.

Thủ tướng và Đoàn công tác bày tỏ xúc động khi nghe những câu chuyện về cuộc chiến đấu 81 ngày đêm khốc liệt ấy, với hàng nghìn chiến sĩ giải phóng quân trên khắp cả nước và đồng bào Quảng Trị đã chiến đấu anh dũng, hy sinh, vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này. Máu đào của các Anh hùng liệt sĩ đã hòa vào lòng đất, vào dòng sông Thạch Hãn cho non sông đất nước có ngày độc lập, nhân dân được tự do hạnh phúc. Thủ tướng và Đoàn công tác nguyện nỗ lực phấn đấu cống hiến, xứng đáng với những hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ.

Trong 81 ngày đêm chiến đấu chống phản kích tái chiếm từ 28/6 đến 16/9/1972, Thành cổ Quảng Trị với chu vi hơn 2.160m đã trở thành “túi bom” của quân lực Việt Nam Cộng hòa với các loại phương tiện chiến tranh, vũ khí hiện đại nhằm chiếm cho bằng được Thành cổ vì đây là địa bàn chiến lược, có thể tạo sức nặng “mặc cả” với ta tại Hội nghị Paris.

Không thể thống kê được số bom đạn dội xuống mảnh đất này. Trong 81 ngày đêm đó để chiếm lại Thành cổ Quảng Trị 16ha và cả thị xã Quảng Trị hơn 3km2, Mỹ đã ném xuống đây 328 nghìn tấn bom. Báo chí phương Tây thời đó bình luận tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hirosima Nhật Bản năm 1945. Do vậy, 81 ngày đêm ấy toàn bộ thị xã và tòa thành cổ này bị san bằng. Thành cổ chỉ còn dấu vết của một số đoạn thành, lao xá, cổng tiền, hậu…

* Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã đến dâng hương, dâng hoa tại Di tích khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn ở xã Triệu Phong.

Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn nằm bên bờ sông Thạch Hãn, trên địa phận thôn Hậu Kiên, xã Triệu Phong. Chính tại nơi đây đã sinh ra, nuôi dưỡng và hình thành nên một nhân cách lớn lao của một lãnh tụ cách mạng Việt Nam: Tổng Bí thư Lê Duẩn. Khu di tích lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn được công nhận là di tích Quốc gia theo Quyết định số 3810/QĐ-BVHTTDL ngày 29/10/2010.

Là một người con của thôn Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có bề dày về truyền thống yêu nước, Lê Duẩn sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1928, tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và trở thành một trong những Đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi gắn bó mật thiết với lịch sử đấu tranh cách mạng cũng như sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng và đất nước.

Trong suốt 26 năm, với cương vị là Bí thư thứ nhất và sau đó là Tổng Bí thư, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, đồng chí Lê Duẩn vẫn luôn nêu cao khí phách kiên trung của người cộng sản đặc biệt là những đóng góp to lớn của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Đồng chí Lê Duẩn xứng đáng là một lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc, một chiến sĩ kiên cường của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế và là một người con ưu tú của quê hương Quảng Trị.

“Di tích khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn”, là tên gọi chung cho một quần thể di tích bao gồm: Nhà lưu niệm đồng chí Lê Duẩn - nơi sinh hoạt của gia đình đồng chí từ khi chuyển từ Bích La Đông lên Hậu Kiên và hiện nay là nơi thờ tự hai cụ thân sinh và đồng chí tại quê hương, thôn Hậu Kiên; Nhà tưởng niệm, là nơi tổ chức hành lễ, viếng thăm của khách tham quan; Nhà trưng bày bổ sung, là nơi trưng bày những hiện vật, ảnh tư liệu liên quan đến thân thế và sự nghiệp đồng chí Lê Duẩn
Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nằm trên khuôn viên có diện tích 2.000m2. Nguyên trước đây là nhà và vườn của cụ thân sinh Lê Hiệp. Nhà lưu niệm vẫn dùng làm nơi thờ tự hai cụ thân sinh và đồng chí Lê Duẩn.
Di tích khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn là một di tích lịch sử lưu niệm danh nhân tiêu biểu của tỉnh Quảng Trị, gắn liền tuổi trẻ và những năm tháng hoạt động cách mạng của đồng chí ở quê nhà với sự tồn tại và phát triển phong trào đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị trong hai cuộc kháng chiến.
Đây còn là nơi thể hiện tình cảm và tấm lòng hết sức cao quý, sự biết ơn, trân trọng của toàn Đảng, toàn dân nói chung, của Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị nói riêng đối với một lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc, một chiến sĩ kiên cường của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế, một người con ưu tú của quê hương. Khu di tích mãi mãi là địa chỉ đỏ, là nơi tìm về của bạn bè quốc tế, là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng của cha ông cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

* Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác viếng Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 - nơi yên nghỉ vĩnh hằng của hơn 10.800 Anh hùng liệt sĩ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, sự tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ đã hiến trọn tuổi thanh xuân, dũng cảm chiến đấu, hy sinh trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và ở nước bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành độc lập dân tộc cũng như hy sinh trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 – Quảng Trị là một trong những địa danh mang đậm dấu ấn lịch sử, nơi yên nghỉ của hàng vạn anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Không chỉ là nơi tưởng niệm, đây còn là điểm đến thiêng liêng để thế hệ hôm nay và mai sau ghi nhớ công ơn những người đã hy sinh trên tuyến lửa Đường 9 – một trong những mặt trận ác liệt nhất trong chiến tranh Việt Nam.

Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 có tổng diện tích 13ha, đây là một trong hai Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia lớn nhất tại Quảng Trị, cùng với Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Nơi đây là nơi an nghỉ của 10.800 Anh hùng liệt sĩ, bao gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, và thanh niên xung phong, những người đã hy sinh trên chiến trường Đường 9 và đất bạn Lào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 được nâng cấp từ nghĩa trang liệt sĩ thị xã Đông Hà, khởi công xây dựng vào năm 1995 và khánh thành vào năm 1997. Trong thời kỳ chiến tranh, Quốc lộ 9 là tuyến đường chiến lược nối từ biên giới Việt-Lào đến Đông Hà, nơi Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa xây dựng nhiều căn cứ quân sự để ngăn chặn sự chi viện từ miền bắc vào miền nam. Tuyến đường này đã chứng kiến những trận đánh ác liệt và trở thành biểu tượng của lòng quả cảm và tinh thần bất khuất của quân và dân Việt Nam.

* Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm, tặng quà động viên Mẹ Việt Nam Anh hùng Đào Thị Vui, 102 tuổi, ở thôn Thượng Xá, xã Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.