Thúc đẩy quan hệ hợp tác về lao động giữa Việt Nam-Nhật Bản

Việt Nam và Nhật Bản cùng khẳng định và mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác về phát triển nguồn nhân lực, lao động giữa hai nước lên tầm cao mới.

Lễ xuất cảnh cho ứng viên điều dưỡng, nhân viên chăm sóc sang làm việc tại Nhật Bản theo chương trình EPA - khóa 12, tháng 6/2025. (Ảnh Dolab)
Lễ xuất cảnh cho ứng viên điều dưỡng, nhân viên chăm sóc sang làm việc tại Nhật Bản theo chương trình EPA - khóa 12, tháng 6/2025. (Ảnh Dolab)

Ngày 9/7, tại Trụ sở Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đã tiếp Ngài Ito Naoki - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam nhằm trao đổi về phát triển nguồn nhân lực, lao động. Hai bên cùng khẳng định và mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác về phát triển nguồn nhân lực, lao động giữa Việt Nam-Nhật Bản lên tầm cao mới.

Tại buổi tiếp, Ngài Ito Naoki nhắc lại chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru từ ngày 27-29/4/2025 theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Tại các cuộc tiếp, hội kiến và hội đàm với Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru đều khẳng định, Nhật Bản sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong kỷ nguyên mới, hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực.

thu-truong-nguyen-van-hoi-tiep-dai-su-nhat-ban.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi tiếp Ngài Ito Naoki - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam. (Ảnh MOHA)

Chia sẻ một số nội dung để tăng cường hợp tác hai bên trong lĩnh vực lao động, Ngài Ito Naoki cho biết, Chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang Nhật Bản trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (EPA) được triển khai từ năm 2013 đến nay. Hai bên đã triển khai tuyển chọn, đào tạo tiếng Nhật đối với 13 khóa, trong đó, số ứng viên của 12 khóa được đưa sang học tập và làm việc tại Nhật Bản hơn 2.000 người. Để bảo đảm thực hiện kế hoạch và chương trình đào tạo của Chương trình EPA, Ngài Đại sứ đề nghị phía Bộ Nội vụ sớm tổ chức khai giảng khóa đào tạo tiếng Nhật cho ứng viên khóa 14.

Bên cạnh đó, khóa 13 (năm 2024) do các yếu tố khách quan dẫn tới việc chậm hoàn tất các thủ tục liên quan đến việc thuê cơ sở đào tạo tập trung nên việc đào tạo tiếng Nhật cho ứng viên trong thời gian đầu phải thực hiện theo hình thức trực tuyến. Do đó, Ngài Đại sứ đề nghị phía Bộ tạo điều kiện, hỗ trợ cho các ứng viên điều dưỡng, nhân viên chăm sóc khóa 13 hoàn thành khóa đào tạo, sớm xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc.

Hai bên cùng khẳng định và mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác về phát triển nguồn nhân lực, lao động giữa Việt Nam-Nhật Bản lên tầm cao mới

“Hiện có khoảng 630 nghìn lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Hằng năm có khoảng 70-80 nghìn lao động sang làm việc Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản mong muốn hai bên tiếp tục duy trì việc tăng số lượng lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản lên con số 1 triệu người trong thời gian tới” - Ngài Ito Naoki nhấn mạnh.

Về vấn đề cải thiện môi trường lao động cho lao động nước ngoài làm việc tại Nhật Bản, Ngài Ito Naoki điểm lại 2 dự luật sửa đổi đã được Quốc hội Nhật Bản thông qua gồm: “Luật Quản lý xuất nhập cảnh và công nhận tỵ nạn” và “Luật về thực hiện nghiêm Chương trình thực tập kỹ năng cho người nước ngoài và bảo hộ lao động nước ngoài theo Chương trình này”. Theo đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ ký kết bản ghi nhớ (MOC) với các quốc gia phái cử theo hướng tăng cường hợp tác nhằm loại bỏ công ty phái cử xấu; nâng cao tính minh bạch thông tin về phí dịch vụ công ty phái cử thu của người lao động; xây dựng cơ chế người lao động và công ty tiếp nhận chia sẻ chi phí phù hợp để giảm gánh nặng chi phí cho người lao động.

Hiện có khoảng 630 nghìn lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Hằng năm có khoảng 70-80 nghìn lao động sang làm việc Nhật Bản.

“Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhất trí thúc đẩy xây dựng Biên bản ghi nhớ hợp tác về chương trình lao động mới "việc làm để phát triển kỹ năng" vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8 này. Mong rằng, hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ để trao đổi về nội dung này” - Ngài Ito Naoki đề nghị.

Một nội dung cũng được Ngài Ito Naoki đề cập liên quan đến việc rà soát, sửa đổi các văn bản quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Cảm ơn những chia sẻ từ Ngài Đại sứ, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Văn Hồi đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp tích cực của Đại sứ trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước Việt Nam-Nhật Bản cũng như việc thúc đẩy hợp tác về phát triển nguồn nhân lực, lao động giữa hai nước thời gian qua.

Đối với những vấn đề được Ngài Ito Naoki đề cập, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đồng tình và sẽ cùng Ngài Đại sứ để thúc đẩy quan hệ hợp tác về lao động giữa hai nước lên tầm cao mới, cả về số lượng và chất lượng.

Thứ trưởng cho biết, từ ngày 1/7/2025, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp của Việt Nam đi vào hoạt động. Đây là cơ sở quan trọng để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương. Bộ Nội vụ đang bàn về việc phân cấp, phân quyền, giảm thiểu thủ tục hành chính, loại bỏ các “giấy phép con” để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Thứ trưởng cũng đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục cải thiện môi trường, điều kiện làm việc, điều kiện sinh sống và an sinh xã hội, bảo đảm mức thu nhập, lương, thưởng cho người lao động. Đồng thời, tăng cường giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam và Nhật Bản của các doanh nghiệp hai nước; thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp có hành vi vi phạm quy định làm ảnh hưởng đến hoạt động hợp tác lao động giữa 2 bên và làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản.

Trao đổi về Hiệp định Bảo hiểm xã hội với Nhật Bản, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi mong muốn và đề nghị hai bên thúc đẩy nhanh hơn để tiến tới Hiệp định được ký kết và có hiệu lực. Bởi lực lượng lao động của Việt Nam và Nhật Bản rất đông, không nên để người lao động phải đóng bảo hiểm hai lần, gây khó khăn cho người lao động hai nước.

Cuối cùng, thông tin về sửa đổi quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam trong bối cảnh mới, Thứ trưởng cho biết, Bộ Nội vụ đã đề xuất một loạt các sửa đổi, bổ sung Nghị định số 152/2020/NĐ-CP nhằm điều chỉnh quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ), trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt gần 75 nghìn người. Trong đó, Nhật Bản là thị trường tiếp nhận lớn nhất của lao động Việt Nam với 35.240 người.

Có thể bạn quan tâm

back to top