Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Công việc hằng ngày chính là nền tảng thi đua”. Trong thực tiễn, lời dạy của Người vẫn còn nguyên giá trị. Khi thi đua thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết cho mỗi người lao động làm tốt hơn từ những công việc tưởng như đơn giản nhất, thì tích luỹ những kết quả ấy sẽ tạo nên những thành quả, kỳ tích. Đây cũng là điều mà Ngân hàng Chính sách xã hội đã và đang làm trong những năm qua để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao về triển khai tín dụng chính sách xã hội.
Vượt qua khó khăn
Quảng Sơn là xã đặc biệt khó khăn của huyện nghèo và đặc biệt khó khăn Đắk Glong (Đắk Nông). Không chỉ địa hình phức tạp bị chia cắt bởi các khe suối và đồi núi, đường sá đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa, Quảng Sơn còn là xã có diện tích rộng nhất huyện Đắk Glong với hơn 45.000ha, 21.896 khẩu, 23 dân tộc cùng sinh sống.
Những khó khăn này là thách thức trong việc triển khai tín dụng chính sách với cả cán bộ nam chứ chưa nói đến một cán bộ nữ “chân yếu, tay mềm” như chị H’Loan. Thế nhưng, 15 năm làm cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đắk Glong và phụ trách xã Quảng Sơn, ý chí của H’Loan chưa khi nào bị lung lay. Bởi điểm tựa vững chãi phía sau H’Loan là tình yêu với đồng bào và ngày càng được gia cố vững chắc từ việc nhận thức đầy đủ về công tác thi đua, khen thưởng, để định hướng cho bản thân chỉ tiêu phấn đấu đạt được.
Không những vậy, từ nhỏ, H’Loan đã thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Do đó, khi về làm tín dụng, H’Loan đã vận dụng việc thông thạo 3 ngôn ngữ M’Nông, Mạ, Kinh, gần gũi với bà con từ việc cùng tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, đem những kiến thức và kinh nghiệm của mình có được trong lĩnh vực sản xuất đến cho bà con, giúp họ sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả.
Những nỗ lực bền bỉ của H’Loan đã đưa dư nợ tại Quảng Sơn đến ngày 30/4 đạt hơn 201,5 tỷ đồng, với 3.875 hộ dư nợ, tăng so với năm 2020 gần 111 tỷ đồng.
Nguồn vốn tín dụng đã giúp hơn 3.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo có vốn để sản xuất kinh doanh, từng bước thoát nghèo; 48 hộ xóa được nhà tạm, dột nát; 1.179 công trình nước sạch và vệ sinh đạt chuẩn được xây dựng, 227 em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, 220 lao động được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm... góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và ổn định chính trị-xã hội tại địa phương.
Còn với chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội, các phong trào thi đua là động lực góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Trung ương và thành phố giao. Trong giai đoạn 2020-2025, chi nhánh đã phát động 38 đợt thi đua các phong trào thi đua gắn với sự kiện quan trọng của đơn vị, của thành phố, của ngành và nền kinh tế. Cùng với việc minh bạch để kịp thời khen thưởng, biểu dương đúng người, đúng việc, các phong trào thi đua đã tạo nền tảng để hằng năm, chi nhánh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Trung ương và thành phố giao, được Ngân hàng Chính sách xã hội công nhận là đơn vị xuất sắc nhất hệ thống 10 năm liên tiếp từ năm 2015 đến năm 2024.
Trong giai đoạn 2020-2025 tổng nguồn vốn hoạt động của chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội tăng trưởng hơn 9.226 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm đạt 15,8%, trong đó nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách thành phố bình quân mỗi năm tăng 1.647 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn nhận ủy thác đến nay đạt 11.198 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 63% tổng nguồn vốn.
Tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng 9.240 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm 15,8% và đến nay đạt 17.654 tỷ đồng, cao nhất so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, góp phần thúc đẩy Thủ đô phát triển nhanh, xanh, bền vững.
Đó chỉ là vài lát cắt trong hành trình thi đua không ngừng nghỉ của toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trong 5 năm qua.
Hiệu ứng từ các phong trào thi đua
Thấm nhuần tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngân hàng Chính sách xã hội luôn tạo được khí thế thi đua sôi nổi trong toàn hệ thống, từ hội sở chính đến các đơn vị cơ sở. Hằng năm, qua các phong trào thi đua, số lượng các điển hình tiên tiến và gương người tốt, việc tốt trong hệ thống được phát hiện ngày càng nhiều. Nhiều gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt được tôn vinh, tuyên truyền là người lao động trực tiếp, đang công tác tại những địa bàn khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Việc tôn vinh, khen thưởng kịp thời, tổ chức tuyên truyền sâu rộng về các điển hình tiên tiến đã tạo ảnh hưởng lan tỏa tốt và trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước trong toàn hệ thống.
Hiệu ứng của các phong trào thi đua được thể hiện rõ trong bức tranh hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, là điểm tựa để Ngân hàng vượt qua những khó khăn, hỗ trợ người nghèo và các đối tượng yếu thế thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.
Đặc biệt, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phản ứng nhanh với việc thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao trong triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, với việc hoàn thành 100% kế hoạch cho vay 38.400 tỷ đồng nguồn vốn phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được Chính phủ giao trong hai năm 2022-2023.
![]() |
Hiệu quả đầu tư tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2020-2025. |
Giai đoạn 2020-2025 cũng chứng kiến sự chuyển mình cả về chất và lượng của Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua việc tham mưu chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương đặc biệt quan tâm. Cụ thể, ngân hàng tổ chức triển khai bài bản, toàn diện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đến ngày 30/4, nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương các cấp đạt 60.374 tỷ đồng; đưa tỷ trọng nguồn vốn ủy thác địa phương so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW từ 3% lên 14,6% trên tổng nguồn vốn tín dụng. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 411.812 tỷ đồng, tăng 94,3% so với đầu giai đoạn (2020).
Đây là nền tảng để trong giai đoạn 2020-2025, nguồn vốn chính sách tiếp tục phát huy được vai trò là đòn bẩy kinh tế quan trọng của Đảng, Nhà nước nhằm giúp người nghèo và đối tượng chính sách khác có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống.
Nhìn lại 5 năm, nguồn vốn chính sách được đầu tư hiệu quả đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, với hơn 11,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn và tổng doanh số cho vay đạt 541.498 tỷ đồng, trong đó tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.
Tính đến 30/4, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 386.467 tỷ đồng, tăng 179.662 tỷ đồng so với đầu giai đoạn, bình quân tăng trưởng dư nợ hằng năm đạt 12,1%, với gần 6,9 triệu khách hàng còn dư nợ.
Không chỉ thi đua trong chuyên môn, cán bộ và người lao động trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội luôn nhiệt tình hưởng ứng tham gia các hoạt động xã hội từ thiện với tổng số tiền giai đoạn 2020-2025 là 242 tỷ đồng.
Những nỗ lực của từng cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội thi đua trong việc triển khai hiệu quả tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội, ổn định an ninh chính trị đã được được Đảng, Nhà nước, ban, bộ, ngành ghi nhận và tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao quý.
Đặc biệt, năm 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới.
Hành trình thi đua của Ngân hàng Chính sách xã hội không chỉ dừng lại ở những thành tựu hôm nay, mà còn tiếp tục được đẩy mạnh trong giai đoạn tới mới với kim chỉ nam xuyên suốt phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội thành tổ chức có khả năng tự chủ và phát triển ổn định lâu dài; duy trì được vai trò là định chế tài chính công thực hiện các chính sách xã hội của Chính phủ, tập trung vào những lĩnh vực mà các tổ chức tài chính hoạt động theo nguyên tắc thị trường không thể đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng được một phần, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.