Tiềm năng xây dựng thương hiệu lễ hội-sự kiện

Theo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, khách tham quan đến thành phố trong tháng 4 vừa qua tăng kỷ lục so với cùng kỳ những năm trước; một trong những nguyên nhân là việc thành phố tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao ấn tượng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Điều này mở ra cơ hội phát triển trong tương lai nếu thành phố hình thành được các lễ hội đặc trưng, độc đáo cho riêng mình.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách thích thú với các hoạt động trong chuỗi sự kiện “Sắc màu thành phố Bác” tại đường đi bộ Nguyễn Huệ. (Ảnh MẠNH HẢO)
Du khách thích thú với các hoạt động trong chuỗi sự kiện “Sắc màu thành phố Bác” tại đường đi bộ Nguyễn Huệ. (Ảnh MẠNH HẢO)

Chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao, công nghệ trình diễn mang chủ đề “Sắc màu thành phố Bác” có lẽ là một trong những sự kiện nổi bật nhất của thành phố trong tháng 4 vừa qua. Lần đầu được diễn ra, nhưng chuỗi hoạt động đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.

Tất cả các đêm diễn và mọi hoạt động của lễ hội “Sắc màu thành phố Bác” đều có sự tham gia của nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, vận động viên, chuyên gia… góp phần tạo nên thành công chung của sự kiện.

Đêm 26/4, dưới cơn mưa to dai dẳng, các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen vẫn nhiệt tình cống hiến cho khán giả những tiết mục tràn đầy cảm xúc. Khán giả cũng bị cuốn hút bởi tài năng nghệ sĩ và sức hấp dẫn của nghệ thuật mà “bám trụ” không rời.

Ông Lương Tuấn, Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen xúc động: “Các nghệ sĩ đã cống hiến, phục vụ bằng cả trái tim, trong cơn mưa vẫn cất cao lời ca tiếng hát vì khán giả thân thương từ khắp nơi tụ về thành phố chào mừng kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước”.

Theo Giám đốc nhà hát Phạm Thành Lộc, tại chuỗi sự kiện này, ngoài đảm nhận các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội, đơn vị còn bảo đảm thực hiện các chương trình nghệ thuật ngoại giao văn hóa và biểu diễn chiêu đãi khách quốc tế.

Sự nỗ lực hết mình của các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen đã góp phần làm cho chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao, công nghệ trình diễn chủ đề “Sắc màu thành phố Bác” thêm rực rỡ màu sắc.

Diễn ra trong các ngày 19/4, 26/4, 29/4 và 30/4, chuỗi sự kiện được tổ chức tại nhiều địa điểm như: trước trụ sở Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố; các khu vực đi bộ đường Nguyễn Huệ-Lê Lợi, Nguyễn Huệ-Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Huệ -Ngô Đức Kế; khu vực công viên bến Bạch Đằng.Tất cả đã tạo nên những ngày hội thật sự khi lượng du khách, công chúng tham dự luôn đông kỷ lục.

Anh Nguyễn Văn Huy, thành phố Thủ Đức cho biết, anh ấn tượng nhất là chương trình biểu diễn Lễ hội ánh sáng - Trình diễn công nghệ 3D Mapping quốc tế trước trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố. Chương trình đã mang lại ấn tượng khó quên với những màn trình diễn ánh sáng đặc sắc. Không chỉ thế, sự kết hợp giữa chương trình hòa nhạc giao hưởng, hợp xướng với công nghệ trình diễn Mapping cũng là sáng tạo mới, phát huy sự giao thoa, tương tác của loại hình nghệ thuật hàn lâm và đương đại.

Cùng với đó, nhiều hoạt động biểu diễn ca, múa, nhạc dân tộc, sân khấu truyền thống, thể thao, hoạt náo đường phố… đã tạo nên những bữa đại tiệc nghệ thuật, giải trí trên đường Nguyễn Huệ. Các hoạt động Đờn ca tài tử, trình diễn nghệ thuật đương đại, biểu diễn thể thao dưới nước khuấy động cả khúc sông Sài Gòn.

Đặc biệt, trên bầu trời thành phố, những màn trình diễn xếp hình bằng ánh sáng bởi công nghệ thiết bị bay không người lái (Drone) và pháo hoa nghệ thuật mang lại những ấn tượng khó phai trong lòng khán giả và du khách. Ngoài ra, nhiều hoạt động nghệ thuật, thể thao, các triển lãm chuyên đề, chiếu phim công cộng diễn ra trên đường đi bộ Nguyễn Huệ với nhiều thông điệp về tinh thần yêu nước, giá trị lịch sử, truyền thống cách mạng, tình yêu biển đảo...

Đồng chí Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cho biết, thông qua lễ hội này, thành phố khẳng định vai trò là trung tâm đổi mới sáng tạo, điểm đến văn hóa, du lịch và nghệ thuật hấp dẫn của khu vực Đông Nam Á; đồng thời lan tỏa giá trị nhân văn, truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tinh thần hội nhập và khát vọng vươn xa của đất nước trong thời đại mới.

Sự thành công của “Sắc màu thành phố Bác” cho thấy, nếu xây dựng những lễ hội phù hợp, chất lượng sẽ tạo nên sức hút lớn đối với du khách trong và ngoài nước. Hiện, thành phố đang triển khai Đề án “Tổ chức Lễ hội, sự kiện văn hóa và thể thao tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn từ năm 2020-2030”.

Thông qua thực hiện đề án sẽ khôi phục, bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc gắn với quảng bá, giới thiệu các tiềm năng văn hóa, thể dục thể thao và hình ảnh thành phố năng động, mến khách.

Đồng thời, thành phố cũng xây dựng Đề án Phát triển công nghiệp văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, trong đó gắn kết và đẩy mạnh liên kết vùng; xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của khu vực. Từ đề án này, sẽ hình thành các sự kiện lớn mang thương hiệu đặc trưng của thành phố và hình thành thương hiệu quốc gia.

Mới đây, Phó Giám Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố, ông Nguyễn Minh Nhựt nêu ý kiến, nên chăng thành phố cần có một lễ hội mừng thống nhất non sông vào dịp 30/4 hằng năm, góp phần tạo chuỗi sự kiện với các hoạt động văn hóa-lịch sử, thể thao, dịch vụ du lịch có tầm vóc công nghiệp văn hóa.

Qua sự thành công của chuỗi sự kiện “Sắc màu thành phố Bác” và các lễ hội thường niên của thành phố cho thấy, việc có thêm lễ hội thống nhất non sông để tạo sức hút trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội là hoàn toàn có khả năng thực hiện được. Như vậy, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ từng bước xây dựng nên “thương hiệu” lễ hội cho riêng mình, góp phần tạo sức bật trong kỷ nguyên mới.